Trong bối cảnh triển vọng về viện trợ quốc tế mờ mịt, tin tốt lành nhất gần đây Ukraine nhận được là khoản cam kết tài chính khổng lồ từ Liên minh châu Âu (EU). Gói viện trợ kéo dài nhiều năm (2024-2027) từ các nước láng giềng châu Âu sẽ là cứu cánh cho Ukraine trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Để đi đến được bước này, EU đã thành công vượt qua “chướng ngại vật” lớn nhất: Thủ tướng Hungary Viktor Orban cuối cùng đã từ bỏ sự phản đối của mình đối với gói hỗ trợ trị giá 50 tỷ Euro (54 tỷ USD) cho Ukraine mà ông đã chặn lại kể từ tháng 12 năm ngoái.
Ông Orban là người duy nhất phản đối thỏa thuận tài trợ của EU, nhưng đã lùi bước tại Hội nghị Thượng đỉnh của khối hôm 1/2, sau một “cuộc tấn công quyến rũ” do Thủ tướng Italy Giorgia Meloni dẫn dắt, tờ Politico cho biết, và “rượu vang và bữa tối từ người Pháp”.
Sau 6 tuần chơi trò “bên miệng hố chiến tranh”, nhà lãnh đạo Hungary đã “thực hiện một trong những màn quay đầu nhanh nhất” từng được thấy tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU, phóng viên Lisa O’Carroll của tờ The Guardian tại Brussels cho biết.
Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo nói với các phóng viên ở Brussels rằng “không ai có thể tống tiền 26 quốc gia thuộc EU”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, sau khi gói viện trợ được thông qua, cho biết: “Đây là một tín hiệu rõ ràng rằng Ukraine sẽ chịu đựng được và châu Âu sẽ chịu đựng được. Điều thực sự quan trọng là quyết định này đã được tất cả 27 quốc gia thành viên nhất trí thông qua và đó là một dấu hiệu rõ ràng khác về sự đoàn kết và ủng hộ mạnh mẽ của các vị đối với Ukraine”.
Tại sao ông Orban đe dọa phủ quyết?
Vị Thủ tướng theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu của Hungary đã cản trở EU hành động như một khối đoàn kết trong việc hỗ trợ nỗ lực phòng thủ của Ukraine trước quân đội của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhà báo Ishaan Tharoor của tờ The Washington Post cho biết.
Các hành động gần đây của ông Orban về thỏa thuận viện trợ Ukraine là một phần trong “vũ điệu phức tạp” của nhà lãnh đạo này nhằm xoa dịu cả ông Putin và cơ sở cử tri của chính Thủ tướng Hungary, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn của EU, cổng thông tin Euractiv nhận định.
Ông Orban từ lâu đã dựa vào “các công cụ truyền thông úp mở”, bao gồm cả “tham vấn quốc gia” – tức các cuộc thăm dò ý kiến – để củng cố “những câu chuyện mong muốn” của mình.
Cuộc thăm dò mới nhất như vậy được cho là đã phát hiện ra rằng 99,04% người tham gia phản đối hỗ trợ tài chính thêm cho Ukraine cho đến khi Hungary nhận được một phần hoặc toàn bộ khoảng 20 tỷ Euro tài trợ từ Quỹ Gắn kết hiện đang bị Ủy ban châu Âu (EC) đóng băng.
Hungary hưởng lợi từ nguồn vốn của Brussels với tư cách là một quốc gia thành viên EU, theo The Washington Post. Nhưng dòng tiền này đã bị chặn lại một phần trong những năm gần đây do Thủ tướng Orban bị cáo buộc vi phạm các quy định pháp quyền của khối. Hệ tư tưởng gọi là “dân chủ phi tự do” mà nhà lãnh đạo này đang theo đuổi cũng gây lo ngại. Chính phủ của ông đã bác bỏ những cáo buộc này.
Hungary dưới thời ông Orban đã từ chối viện trợ quân sự cho Ukraine, và cũng nói “không” với việc nước khác vận chuyển vũ khí qua lãnh thổ nước này vào Ukraine ngay từ khi xung đột bắt đầu bùng phát.
Và mối quan hệ giữa Hungary và Ukraine vốn vẫn căng thẳng do các vấn đề liên quan đến cộng đồng dân tộc Hungary ở khu vực Transcarpathian, một tỉnh nằm ở phía Tây Nam Ukraine.
Ông Orban thường xuyên tuyên bố rằng các cuộc đàm phán hòa bình nên bắt đầu giữa Kiev và Moscow vì “thời gian đang đứng về phía người Nga”.
Ông Orban được gì khi nhượng bộ?
Sau nhiều tuần đe dọa phủ quyết khoản viện trợ cho Ukraine, Thủ tướng Hungary đã bất ngờ đảo ngược quyết định. Nhưng thực ra, ông đã phải chịu áp lực sau “chuỗi cuộc họp kéo dài 11 giờ” với bà Meloni, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Sholz, phóng viên O’Carroll của The Guardian cho biết, “cũng như với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen”.
Việc đạt được thỏa thuận mang lại cảm giác nhẹ nhõm nhưng cũng là “cảm giác giận dữ giữa các nhà lãnh đạo”, những người phải lặn lội tới Brussels 2 lần trong 2 tháng chỉ để thông qua gói viện trợ.
Thủ tướng Italy Meloni đã dẫn đầu các cuộc họp với ông Orban nhờ mối quan hệ lâu dài giữa hai bên. Hai nhà lãnh đạo này còn chia sẻ quan điểm chính trị cực hữu. “Bà ấy đã nhiều lần cố gắng trở thành cầu nối và có vẻ là lần này nó đã thành công”, một nguồn tin nói với tờ Politico.
Theo The Washington Post, các quan chức châu Âu cũng cố tình rò rỉ “kế hoạch trừng phạt nền kinh tế Hungary” nếu ông Orban tiếp tục ngăn chặn hỗ trợ cho Ukraine, đồng thời “đưa ra các biện pháp trừng phạt khác” bao gồm tước bỏ quyền biểu quyết của Budapest trong khối.
Nếu EU kích hoạt Điều 7 – biện pháp trừng phạt chính trị nghiêm trọng nhất đối với một quốc gia thành viên liên quan đến việc đình chỉ quyền bỏ phiếu đối với các quyết định của EU, thì Hungary thực sự sẽ gặp rắc rối to.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU cũng đã thuyết phục ông Orban bằng 3 điều kiện bổ sung cho thỏa thuận, tờ Politico đưa tin. Các cuộc thảo luận hàng năm về việc thực hiện gói viện trợ sẽ được tổ chức và sẽ đưa ra một báo cáo hàng năm. Và Hội đồng châu Âu sẽ yêu cầu Ủy ban châu Âu đề xuất xem xét lại ngân sách trong 2 năm, nếu cần.
Những nhượng bộ nói trên được EU coi là nhỏ, nhưng chúng có nghĩa là ở đất nước mình, ông Orban vẫn có thể tuyên bố chiến thắng, Politico cho biết. Trong một bài đăng trên Facebook sau thỏa thuận, ông Orban viết: “Chúng tôi đã chiến đấu hết mình!”
Nhưng Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết rằng EU không cam kết giải phóng bất kỳ khoản tài trợ nào đang bị đóng băng cho Hungary cho đến khi Budapest đáp ứng được một số điều kiện nhất định.
Và trong khi ông Orban tuyên bố đã nhận được sự đảm bảo rằng không có khoản tài trợ bị đóng băng nào của Hungary sẽ bị chuyển đến Ukraine, các quan chức cho biết chưa bao giờ có bất kỳ kế hoạch nào về việc tái phân bổ khoản tiền này.
Minh Đức (Theo The Week US, NPR)