Bất chấp cấm vận, Liên minh châu Âu vẫn chi hơn 29 tỷ euro (31,2 tỷ USD) mua dầu, sản phẩm dầu mỏ và khí đốt Nga năm 2023.
Thông tin được nhật báo kinh doanh RBK của Nga trích dẫn từ dữ liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat). Con số này đã giảm 3 lần so với năm 2022, khi EU chi hơn 90 tỷ euro để mua năng lượng Nga.
Năm qua, châu Âu tiếp tục nhập khẩu dầu, sản phẩm dầu mỏ và khí đốt từ Nga. Mặc dù Brussels cấm mua dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga, nhưng vẫn có những miễn trừ tạm thời.
Ví dụ, Bulgaria được nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển. Hungary, Slovakia và Czech có thể nhập dầu Nga qua đường ống Druzhba. Trong khi đó, khí đốt và khí hóa lỏng (LNG) Nga bán qua đường ống không bị ảnh hưởng bởi các hạn chế.
Tuy nhiên, theo số liệu của Hội đồng châu Âu, tỷ trọng khí đốt qua đường ống của Nga trong nhập khẩu của EU đã giảm từ hơn 40% vào năm 2021 xuống còn khoảng 8% vào năm 2023. Tổng lượng khí đốt qua đường ống và LNG Nga cộng lại còn chiếm chưa đến 15% lượng khí đốt nhập khẩu của EU.
Vào tháng 1/2024, theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu về Năng lượng và Khí sạch (CREA) trụ sở tại Phần Lan, EU tiếp tục chi 2,1 tỷ euro để nhập khẩu niên liệu hóa thạch của Nga, chiếm 13% thị phần xuất khẩu nước này.
Trong đó, EU là nhà mua LNG lớn nhất của Nga, chiếm 50%, theo sau là Trung Quốc (21%) và Nhật Bản (19%). Tháng trước, kim ngạch nhập khẩu LNG Nga của Pháp tăng 50% so với tháng 12/2023. Đồng thời, lưu lượng khí đốt từ Pháp sang các nước EU khác tăng 17%, với xuất khẩu sang Đức tăng 165% và Tây Ban Nha tăng 108%.
Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Brussels đã áp đặt 12 gói trừng phạt lên Điện Kremlin, dần dần thu hẹp phạm vi thương mại. Ủy ban Châu Âu tuyên bố các hạn chế đã làm giảm hiệu quả khoảng 147 tỷ euro (158,4 tỷ USD) kim ngạch thương mại trước lệnh trừng phạt của khối với Nga.
Theo số liệu của RBK, tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga sang khối 27 thành viên EU đạt 50,64 tỷ euro (54,5 tỷ USD) năm ngoái, trong khi Nga nhập khẩu 38,32 tỷ (41.3 tỷ USD) euro từ EU.
Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maksim Reshetnikov cho biết tỷ trọng của EU trong tổng kim ngạch thương mại của Nga đã giảm hơn một nửa – từ 36% xuống 15%, đồng thời thương mại của nước này với “các quốc gia thân thiện” đã tăng từ 46% lên 77%.
EU dự kiến tung ra gói trừng phạt thứ 13 lên Nga vào cuối tháng này, dự kiến nhắm mục tiêu vào khoảng 200 thực thể và cá nhân, nhưng không bao gồm bất kỳ lệnh cấm nhập khẩu nào. Đầu tuần này, Financial Times đưa tin Hungary đã từ chối ký vào các biện pháp trừng phạt mới trong cuộc họp của các đại sứ khối.
VNExpress