Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 do Chính phủ và UBND thành phố Đà Nẵng ban hành quy định chi tiết về bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở, trong đó có trường hợp giải tỏa nhà ở trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, các quy định mới này không được áp dụng đối với các dự án giải tỏa đền bù cũ, đang thực hiện dang dở nhiều năm, đòi hỏi cần sớm giải quyết vướng mắc về giải tỏa nhà ở trên đất nông nghiệp.
Khu vực đoạn cuối đường Trục 1 - Tây Bắc vẫn chưa thể hoàn thành vì còn vướng giải phóng mặt bằng, trong đó có nhà dân xây dựng trên đất nông nghiệp. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Luật Đất đai năm 2024 quy định về bồi thường đất khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng mà có đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 95 của luật này, cụ thể là được bồi thường bằng đất nông nghiệp hoặc bằng tiền, đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở.
Tại Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15-7-2024 (quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất), Chính phủ giao UBND cấp tỉnh căn cứ quỹ đất, quỹ nhà và tình hình thực tế tại địa phương quy định tỷ lệ quy đổi, điều kiện bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở để bồi thường cho người có đất thu hồi. Tại Quyết định số 31/2024/QĐ-UBND ngày 7-10-2024 (ban hành quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng), UBND thành phố quy định việc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê nhà ở khi nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở nhưng không đủ điều kiện bồi thường về đất ở.
Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất khi nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở, nhưng không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, không có chỗ ở nào khác, đủ điều kiện bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 95 của Luật Đất đai năm 2014, Điều 5 của Nghị định số 88/2024/NĐ-CP thì được giao đất ở có thu tiền sử dụng đất.
Cụ thể là được giao 1 lô đất ở có mặt cắt đường nhỏ nhất tại khu tái định cư tương ứng với tiêu chuẩn bố trí tái định cư thấp nhất theo phương án hoặc kế hoạch tái định cư của dự án. Điều kiện được giao đất ở tái định cư là thuộc diện giải tỏa, thu hồi toàn bộ diện tích đất ở thực sự mà phải di chuyển chỗ ở tại nơi giải tỏa (không giải quyết đối với các trường hợp: nhà cho người khác thuê ở, nhà chỉ phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhà xây dựng nhưng không ở theo kết quả kiểm tra, xét pháp lý của hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư); nhà ở xây dựng trước ngày 1-7-2014; không có chỗ ở nào khác trên địa bàn thành phố và chưa được giải quyết bố trí tái định cư tại bất kỳ dự án nào khác trên địa bàn thành phố; chưa bàn giao mặt bằng hoặc đã bàn giao mặt bằng kể từ ngày 1-8-2024 về sau... Các trường hợp không đủ điều kiện được giao đất ở nói trên mà không có chỗ ở nào khác trên địa bàn quận, huyện - nơi có đất thu hồi thì được xem xét cho thuê căn hộ chung cư thuộc sở hữu nhà nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Huỳnh Anh Vũ cho rằng, các quy định trên của Luật Đất đai năm 2024 cùng Nghị định số 88/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-8-2024 và Quyết định số 31/2024/QĐ-UBND của UBND thành phố có hiệu lực kể từ ngày 21-10-2024 nên các chính sách mới chỉ áp dụng đối với các dự án giải tỏa đền bù mới được triển khai sau ngày có hiệu lực các văn bản pháp luật nói trên. Thực tế, trên địa bàn quận Liên Chiểu có nhiều dự án giải tỏa đền bù được triển khai trước đó lâu nên còn gặp vướng mắc đối với các hộ giải tỏa có nhà ở trên đất nông nghiệp.
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố (Sở Tài nguyên và Môi trường) Huỳnh Tấn Quang cho biết, do tính chất phức tạp về pháp lý và với số lượng trường hợp xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp nhiều, trước mắt, trong quý 2-2025, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với UBND quận Liên Chiểu xây dựng đề án tháo gỡ vướng mắc đối với các trường hợp người dân có nhà ở trên đất nông nghiệp. Trong thời gian xây dựng đề án này, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, các quận, huyện cần tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả việc truyên truyền, vận động các hộ giải tỏa chấp hành, đồng thuận trong thực hiện những chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Đồng thời, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng, nhất là các hành vi lấn, chiếm đất công, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
HOÀNG HIỆP
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202502/som-giai-quyet-vuong-mac-giai-toa-nha-o-tren-dat-nong-nghiep-4000236/
Comment (0)