Bà Lê Thị Thanh Ngà, Viện phó Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trả lời VnExpress về tác động của El Nino tới ba miền.
– Đầu tháng 6, cơ quan khí tượng quốc tế công bố El Nino bắt đầu xuất hiện, nhưng tại sao từ tháng 4-5, Việt Nam đã trải qua những ngày nắng nóng với nhiều kỷ lục được xác lập?
– Đầu tiên chúng ta phải hiểu về El Nino. El Nino và La Lina là hai pha đối ngược của hiện tượng ENSO, chỉ sự nóng lên, lạnh đi dị thường của nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực xích đạo phía đông và trung tâm Thái Bình Dương, chu kỳ khoảng 8-12 tháng, có khi 3-4 năm. ENSO là một trong những hiện tượng khí hậu quan trọng nhất trên Trái đất do khả năng thay đổi hoàn lưu khí quyển quy mô lớn, từ đó ảnh hưởng đến nhiệt độ và lượng mưa toàn cầu. Nhưng sự ảnh hưởng sẽ khác nhau ở các khu vực về quy mô và thời gian.
Qua số liệu lịch sử cho thấy thông thường những năm El Nino, Việt Nam có nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, lượng mưa thiếu hụt, gây ra nắng nóng, khô hạn và xâm nhập mặn. Điển hình nhất là hai đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng xảy ra trong thời kỳ El Nino mạnh là mùa khô 2015-2016 và 2019-2020. El Nino sẽ tác động rất khác nhau giữa các vùng khí hậu và theo từng thời kỳ hoạt động, như trước, hình thành, bắt đầu, phát triển và suy yếu.
Tháng 4, 5 vừa qua là thời kỳ trước khi El Nino hình thành, chuyển pha nhanh từ lạnh sang nóng, có sự xáo trộn mạnh của nhiệt độ bề mặt đại dương, dẫn đến những thay đổi cưỡng bức của khí quyển. Dấu hiệu này cho thấy nhiệt độ của bề mặt đại dương tháng 4, 5 năm nay cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Tuy nhiên, nắng nóng bất thường vào tháng 4-5 chưa phải tác động của El Nino mà do hiệu ứng ấm lên toàn cầu dẫn đến sự thay đổi nhiều về các hoàn lưu khí quyển; áp thấp nóng phía tây hoạt động sớm và cường độ mạnh kết hợp với hiệu ứng phơn (do điều kiện địa hình của Việt Nam). Nhiệt độ trung bình toàn cầu vẫn tăng lên hàng năm kể từ 2015 đến nay, bất kể là pha El Nino hay La Nina.
– El Nino xuất hiện đúng vào cao điểm mùa hè ở miền Bắc và Trung, nhưng vì sao hơn 20 ngày qua miền Bắc trời mát mẻ?
– Như đã đề cập ở trên, tác động của El Nino đến nhiệt độ là rất khác nhau giữa các thời kỳ hoạt động và thường rõ nhất vào giai đoạn phát triển, suy yếu. Trong 20 ngày đầu tháng 6, một số khu vực Bắc Bộ ngày nắng, chiều tối và đêm mưa giông nên chúng ta có cảm giác mát mẻ dễ chịu hơn. Cơ quan khí tượng cũng không ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ.
Tuy nhiên, thực tế từ số liệu quan trắc nền nhiệt trong 20 ngày đầu tháng 6 Bắc và Trung Bộ phổ biến cao hơn giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ 0,5-1 độ C, một số nơi 1,5-2 độ C. Nền nhiệt trung bình ngày ở Nam Trung Bộ và Nam bộ cũng cao hơn giá trị trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C.
– El Nino sẽ tác động đến ba miền Việt Nam như thế nào?
– Dự báo hầu hết vùng miền trong cả nước nhiệt độ trung bình có xu thế cao hơn bình thường; nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn; khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục. Khi El Nino xuất hiện, nắng nóng gia tăng trong mùa hè (thể hiện ở nhiệt độ tối cao hoặc số ngày nóng), giảm bớt cơ hội xảy ra các đợt rét đậm, rét hại kéo dài trong mùa đông.
Lượng mưa sẽ thiếu hụt trên đa phần diện tích cả nước với mức độ phổ biến 25-50%, thậm chí trong lịch sử Buôn Ma Thuột từng ghi nhận thiếu hụt 69%. Từ đó nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ hoặc diện rộng ở một số vùng như Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam có thể không nhiều, nhưng tập trung vào giữa mùa, tính chất dị thường hơn cả về cường độ và quỹ đạo.
Những năm El Nino cũng có thể xuất hiện bất thường về mưa lớn, rét hại ở một số vùng, chẳng hạn đợt El Nino 2015-2016 xảy ra mưa lớn kỷ lục ở Quảng Ninh ngày 25/7-4/8. Hay mùa đông 2015-2016, rét đậm, rét hại diện rộng ở miền Bắc, nhiệt độ thấp nhất ở Sa Pa xuống -4,2, Mẫu Sơn -4,4, Pha Đin -4,3 độ C. Băng tuyết xuất hiện ở cả những nơi lịch sử chưa hề có tuyết như Ba Vì (Hà Nội) và Kỳ Sơn (Nghệ An). Do vậy, những bất thường hay trái quy luật cùng là những nguy cơ do tác động của El Nino.
– Dự báo tác động tiêu cực nhất của El Nino tại Việt Nam là khi nào và vùng nào?
– El Nino kết hợp với xu thế nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu khiến châu Á khả năng phải hứng chịu những đợt sóng nhiệt mạnh mẽ, với nhiệt độ phá vỡ kỷ lục ở Nam Á, nam Trung Quốc đến Đông Nam Á. Tuy nhiên, so với các khu vực khác như Ấn Độ, Australia, mức độ tăng nhiệt trung bình của Việt Nam thấp hơn, chủ yếu vào các tháng 6-7 và khu vực phía bắc của Việt Nam.
Ở Việt Nam, tác động tiêu cực nhất của El Nino là vào thời kỳ phát triển, suy thoái và tan rã, đặc biệt là nắng nóng, giảm mưa ở một số vùng, dẫn đến thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn có thể xảy ra với tần suất cao. Ví dụ hạn hán vào mùa xuân hè ở Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và hạn hán vào mùa đông xuân ở Nam Bộ và Tây Nguyên.
– Tại Việt Nam, El Nino sẽ kéo dài đến bao giờ?
– Theo kết quả dự báo hiện nay của các trung tâm lớn trên thế giới, El Nino có thể kéo dài đến đầu mùa xuân năm 2024 với xác suất khoảng 80%. Phân tích của Cơ quan Quản trị khí quyển và đại dương quốc gia (Mỹ), nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực Nino 3.4 đạt cực đại có thể bắt đầu vào tháng 10/2023 đến tháng 2/2024, tức thời điểm El Nino đạt cường độ mạnh nhất.
Tác động của El Nino đối với Việt Nam sẽ gia tăng vào các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Mùa khô ở Tây Nguyên và Nam bộ khả năng khốc liệt hơn, hạn hán, xâm nhập mặn có thể diễn ra trên diện rộng vào thời kỳ này.