Trong những tháng gần đây, lạm phát ở Khu vực đồng euro (Eurozone) đã hạ nhiệt và giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm. Điều này làm dấy lên hy vọng về khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ sớm từ bỏ chính sách tiền tệ thắt chặt để mở đường cho việc cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, đa số các nhà kinh tế đều cho rằng ECB sẽ giữ lãi suất ổn định cho tới giữa năm 2024. Đợt cắt giảm đầu tiên của ECB có thể sẽ chỉ diễn ra vào tháng 7 năm tới.
Tòa nhà Ủy ban châu Âu (EC) tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Nguy cơ vẫn hiện hữu
Các số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy trong tháng 11/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Eurozone chỉ tăng 2,4%, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự đoán của các nhà phân tích và thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 10,6%. Đây cũng là mức lạm phát thấp nhất kể từ tháng 7/2021.
Mặc dù việc lạm phát giảm làm dấy lên hy vọng về khả năng ECB có thể sẽ sớm cắt giảm lãi suất nhưng khả năng xảy ra kịch bản này còn tùy thuộc rất nhiều vào các biến động trên các thị trường hàng hóa quốc tế, đặc biệt là thị trường năng lượng, và sự ổn định tài chính của khu vực này.
Hiện nay, giới chức ECB vẫn khá lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng trở lại do tác động của một cú sốc mới trên thị trường năng lượng. Ông Bert Colijn, nhà kinh tế cấp cao về Eurozone của ngân hàng ING, nói: “ECB vẫn lo lắng các yếu tố như tăng trưởng tiền lương và nguy cơ giá năng lượng tăng đột biến có thể khiến lạm phát tăng cao trở lại”.
Một vấn đề khác đang gây không ít quan ngại cho các nhà điều hành của ngân hàng trung ương này là sự ổn định tài chính của Eurozone. Hôm 22/11, ECB đã đưa ra cảnh báo rằng triển vọng ổn định tài chính ở Eurozone vẫn còn mong manh do các điều kiện tài chính thắt chặt hơn, lạm phát cao và căng thẳng địa-chính trị đang phủ bóng đen lên khu vực này.
Trong báo cáo Đánh giá Ổn định Tài chính mới nhất, Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos nhận định: “Triển vọng kinh tế ảm đạm cùng với các hậu quả của lạm phát cao đang gây khó khăn cho việc trả nợ của người dân, doanh nghiệp và chính phủ”. “Điều quan trọng là chúng ta phải luôn cảnh giác khi nền kinh tế đang chuyển sang môi trường có lãi suất cao hơn đi kèm với những bất ổn và căng thẳng địa-chính trị ngày càng tăng.”
Báo cáo cảnh báo suy thoái kinh tế là một “kịch bản có thể xảy ra” do triển vọng đang xấu đi. Tác động đầy đủ của việc chi phí vay nợ tăng đối với hoạt động kinh tế vẫn chưa được cảm nhận rõ ràng và nhiều lĩnh vực có thể phải đối mặt với thách thức khi chi phí trả nợ tăng lên. Báo cáo cũng đề cập tới thị trường bất động sản mà theo ECB đang bước vào thời kỳ suy thoái.
Hơn thế nữa, theo báo cáo trên, các ngân hàng – vốn được hưởng lợi từ việc tăng lãi suất – có thể gặp khó khăn khi chi phí đi vay cao hơn dẫn đến nhu cầu vay giảm.
Ngoài ra, báo cáo nhấn mạnh những quan ngại về sự ổn định của Eurozone đã tăng cao do sự bùng nổ của cuộc chiến Israel-Hamas.
Khi nào ECB sẽ cắt giảm lãi suất?
Kết quả thăm dò mới nhất của hãng tin Reuters cho thấy ECB có thể sẽ giữ lãi suất ổn định cho tới giữa năm tới. Cuộc thăm dò này do Reuters thực hiện từ ngày 8 đến 13/11, với sự tham gia của 72 nhà kinh tế hàng đầu. Tất cả các nhà kinh tế này đều nhất trí rằng ECB sẽ không tăng lãi suất trong chu kỳ hiện tại.
Một cửa hàng treo biển hạ giá ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Mặc dù các thị trường tài chính đều hy vọng một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 4/2024, cuộc thăm dò mới nhất của Reuters cho thấy điều đó khó xảy ra, đặc biệt là sau tuyên bố hồi tháng 10 của Chủ tịch ECB Christine Lagarde rằng “ngay cả việc thảo luận về vấn đề cắt giảm (lãi suất) cũng là còn quá sớm”.
Trong cuộc thăm dò của Reuters, phần lớn các nhà kinh tế đều dự đoán có thể sẽ phải đợi đến ít nhất là tháng 7/2024 mới diễn ra đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của ECB bất chấp những dự đoán về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở Eurozone. Cụ thể, có 40 trong số 72 nhà kinh tế dự đoán lãi suất sẽ duy trì ở mức hiện tại cho đến giữa năm tới. Số còn lại dự báo lãi suất sẽ được cắt giảm trước khi Hội đồng Quản trị ECB họp vào tháng 7/2024.
Ông Peter Vanden Houte, nhà kinh tế trưởng về Eurozone tại ngân hàng ING, lưu ý rằng ECB đã thừa nhận tăng trưởng yếu hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, ông Houte nhấn mạnh: “Điều đó không có nghĩa là ECB sẽ vội vàng cắt giảm lãi suất… Chúng tôi không mong đợi bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào trước mùa Hè năm 2024”.
Việc giảm lãi suất sớm hơn dự kiến có thể sẽ chỉ xảy ra khi có một cuộc suy thoái đủ sâu để thúc đẩy ECB nới lỏng tiền tệ ngay cả khi lạm phát vẫn cao hơn so với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương này.
Tuy nhiên, trong cuộc thăm dò của Reuters, chỉ có 15 trong số 35 nhà kinh tế dự đoán sẽ có một sự sụt giảm khác trong quý 4/2023 sau khi nền kinh tế Eurozone đã sụt giảm 0,1% trong quý 3/2023, đồng nghĩa với việc Eurozone chính thức rơi vào suy thoái kinh tế. Trong khi đó, dự báo về mức sụt giảm GDP mạnh nhất trong các quý tới cũng chỉ là 0,3%. Cụ thể, khi được hỏi Eurozone có thể rơi vào loại suy thoái nào, có 24 trong số 29 nhà kinh tế được hỏi cho rằng đó là cuộc suy thoái ngắn và nông, trong khi chỉ có 3/29 người nhận định suy thoái kinh tế ở Eurozone dài và nông, 1/29 cho rằng suy thoái dài và sâu, 1/29 dự báo suy thoái ngắn và sâu./.
Hoàng Anh