Ngày 16/9, nông dân Romania đã yêu cầu chính phủ nước này đơn phương cấm nhập khẩu ngũ cốc và các nông sản khác của Ukraine sau khi Ủy ban châu Âu (EC) quyết định dỡ bỏ các hạn chế.
Công nhân chất ngũ cốc lên xe tải tại một bến cảng ở Odessa, Ukraine, hồi tháng 6/2022. (Nguồn: Reuters) |
Romania là một trong 5 quốc gia phía Đông Liên minh châu Âu (EU) chứng kiến sự gia tăng nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine sau khi xung đột bùng phát. Điều này ảnh hưởng tới thị trường nội địa của các nước và khiến nông dân phản đối.
Hồi tháng 5/2023, EU phải thông qua các hạn chế thương mại đối với nông sản của Ukraine nhưng đã hết hiệu lực ngày 15/9 và không gia hạn. Ngay lập tức, cùng ngày, Ba Lan, Slovakia và Hungary đã công bố lệnh cấm đơn phương.
Chính phủ Romania cho biết sẽ đưa ra quyết định về cách thức bảo vệ nông dân trong nước sau khi Ukraine trình bày kế hoạch giải quyết vấn đề vào ngày 18/9 tới.
Hội Nông dân Romania tuyên bố: “Nếu một quốc gia như Ba Lan đã đưa ra quyết định đơn phương như vậy sau ngày 15/9, thì chúng tôi không hiểu tại sao Romania lại dè dặt làm điều tương tự… Yêu cầu của chúng tôi không hề ảnh hưởng đến việc vận chuyển nông sản Ukraine qua Romania tới các điểm đến khác bởi vì điều này vẫn đang diễn ra”.
Theo thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2023, Ukraine đã vận chuyển 9,2 triệu tấn ngũ cốc qua cảng Constanta của Romania. Trong năm 2022, con số này là 8,6 triệu tấn.
Cảng Constanta bên bờ Biển Đen là điểm xuất khẩu chính của Ukraine sau khi Nga từ bỏ thỏa thuận ngũ cốc hồi giữa tháng 7.
Cùng ngày 16/9, Phó Thủ tướng Ukraine Oleksandr Kubrakov cho biết, 2 tàu chở hàng đã đến các cảng của Ukraine, trở thành những chiếc tàu đầu tiên sử dụng hành lang tạm thời để đi vào các cảng bên bờ Biển Đen và chở ngũ cốc cho thị trường châu Phi và châu Á.
Theo ông Kubrakov, các tàu chở hàng mang tên “Resilient Africa” và “Aroyat” tới các cảng của Ukraine để bốc gần 20.000 tấn lúa mì cho các thị trường nói trên.
Cũng trong ngày, dữ liệu từ công ty theo dõi hàng hải MarineTraffic cho thấy tàu Aroyat đã cập cảng Chornomorsk của Ukraine.
Tháng trước, Ukraine thông báo thiết lập “hành lang nhân đạo” trên Biển Đen để mở đường cho các tàu chở hàng bị mắc kẹt trong các cảng của nước này, kể từ khi xảy ra xung đột với Nga, cũng như phá vỡ lệnh phong tỏa trên thực tế sau khi Moscow từ bỏ thỏa thuận cho phép Kiev xuất khẩu ngũ cốc.