Chiều 1/10, Bộ GTVT đã thông tin về dự án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam.

Vay vốn bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ phải ràng buộc

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đánh giá đây là dự án đặc biệt, quy mô lớn và chưa có tiền lệ. Dự án được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Quá trình nghiên cứu đã trải qua 18 năm, từ 2006 đến nay.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, dự án này có 3 vấn đề: Nguồn lực, tốc độ, công năng vận tải (chỉ chở hành khách hay kết hợp chở hàng) nhận được nhiều sự quan tâm.

27044d35259983c7da88.jpg
Những thông tin về dự án nhận được sự quan tâm của báo chí. Ảnh: N.Huyền 

Trả lời câu hỏi về việc sử dụng nguồn vốn huy động để triển khai dự án, trong trường hợp phải đi vay vốn nước ngoài có bị ràng buộc với các bên cho vay hay không?, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy khẳng định: “Theo Luật Đầu tư công, chúng ta sử dụng 100% vốn ngân sách để làm”.

Ông Huy lý giải, vốn ngân sách theo Luật Ngân sách nhà nước, có nhiều nguồn như cân đối thu chi dư ra, thu chưa đủ có thể phát hành trái phiếu trong nước (trái phiếu Chính phủ hoặc nước ngoài).

“Với tinh thần độc lập, tự lập, tự cường và tự chủ, Bộ Chính trị quyết định không phụ thuộc vào nước ngoài, bởi vay bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ phải ràng buộc.

Chúng ta xác định đầu tư công sử dụng nguồn vốn trong nước, Chính phủ sẽ có phương án để huy động nguồn vốn trong nước và tuỳ theo khả năng cân đối, có thể phát hành trái phiếu trong nước. 

Trường hợp vay nước ngoài, phải đi kèm ưu đãi, ít ràng buộc và điều kiện lớn nhất là phải chuyển giao công nghệ cho Việt Nam”, ông Huy thông tin. 

Đối với lo ngại việc đưa vào khai thác đường sắt tốc độ cao ưu tiên vận tải hành khách sẽ cạnh tranh trực tiếp với ngành hàng không, ông Huy cho rằng, hiện nay chúng ta đang nỗ lực duy trì các chặng bay cự ly dưới 500km (thường không có lợi nhuận). Các hãng đang lấy lợi nhuận từ chặng bay dài bù lỗ cho chặng ngắn.

Vì vậy, đối với vận tải hành khách, cự ly ngắn (dưới 150km) ưu thế thuộc về đường bộ, cự ly trung bình (150 – 800km) đường sắt tốc độ cao chiếm hoàn toàn ưu thế, cự ly dài (trên 800km) thị phần chủ yếu thuộc về hàng không và một phần của đường sắt tốc độ cao.

Danh Huy.jpeg
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy trả lời báo chí. Ảnh: N.Huyền 

Do đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho rằng, đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần cơ cấu lại thị phần vận tải các loại hình theo hướng bền vững. Đường sắt tốc độ cao sẽ không làm giảm đi vai trò của đường hàng không mà hai loại hình vận tải này sẽ bổ trợ cho nhau. 

Trao đổi với PV VietNamNet bên lề hội nghị, ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, theo đề án nghiên cứu, dự án sẽ được sử dụng vốn đầu tư công. 

Theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, dự án cần sớm được khởi công và hoàn thành trước 2035. Bộ GTVT với tinh thần nỗ lực “chỉ bàn làm không bàn lùi, vượt nắng, thắng mưa” để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ với quyết tâm khởi công dự án vào năm 2027 và hoàn thành trước năm 2035. 

Tổng đầu tư hơn 67 tỷ USD, bố trí vốn trong khoảng 12 năm

Theo phương án được tư vấn nghiên cứu đề xuất, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tốc độ thiết kế 350km/h, chiều dài khoảng 1.541km, đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa.

Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TPHCM), kết nối trực tiếp hai đô thị loại đặc biệt với quy mô dân số lên đến khoảng 10 triệu người, 17 đô thị loại 1 có quy mô dân số từ 500 nghìn người trở lên, chưa kể các đô thị nhỏ hơn.

Bullet train getting around Ehime Japan.jpg
Bộ GTVT phấn đấu khởi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam vào năm 2027. Ảnh minh họa: Shinkansen 

Trên toàn tuyến bố trí 23 ga khách với cự ly trung bình từ 50 – 70km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa, phục vụ tốt hậu cần quốc phòng khi có nhu cầu.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 67 tỷ USD, dự kiến sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỷ USD.

Quy trình lập dự án đã nghiên cứu 2 phương án đầu tư. Thứ nhất, phương án đầu tư toàn tuyến, cơ bản hoàn thành năm 2035. Trong đó, đoạn Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TPHCM sẽ khởi công năm 2027, đoạn Vinh – Nha Trang khởi công năm 2028, hoàn thành xây dựng năm 2035.

Thứ hai, phương án đầu tư phân kỳ hai giai đoạn, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2040. Trong đó, đoạn Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TPHCM khởi công năm 2027, hoàn thành xây dựng năm 2030; đoạn Vinh – Nha Trang khởi công năm 2030, hoàn thành xây dựng năm 2040.

Theo Bộ GTVT, đánh giá các phương án cho thấy, phương án đầu tư toàn tuyến ưu điểm là phát huy hiệu quả và thu hút toàn bộ hành khách đi lại trên tất cả cung đoạn ngay khi đưa vào khai thác.

Giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dự kiến bằng 75% mức trung bình vé máy bay

Về giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, theo Bộ GTVT, sẽ chia 3 mức để phù hợp khả năng chi trả của người dân, nhu cầu và mức độ tiện nghi khác nhau.

Cụ thể, giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dự kiến bằng 75% mức trung bình vé máy bay hàng không giá rẻ và phổ thông. Mức này được đưa ra dựa trên cơ sở tham khảo giá vé bình quân của Vietnam AirlinesVietjet

Như vậy, tính trên chặng Hà Nội – TPHCM, vé hạng nhất khoảng 6,9 triệu; hạng hai là 2,9 triệu và hạng ba là 1,7 triệu đồng.