Giữa lúc thị trường việc làm công nghệ ở Mỹ khó khăn, Bùi Quang Huy, 23 tuổi, trúng tuyển vào Google nhờ tích lũy kinh nghiệm từ sớm.
Huy chính thức gia nhập đội ngũ kỹ sư phần mềm, bộ phận Search Experience (trải nghiệm tìm kiếm cho người dùng) của Google, Mỹ, từ tháng 2. Đây là một trong những bộ phận nổi bật của Google, sở hữu thanh công cụ tìm kiếm đạt hơn 84 tỷ lượt truy cập vào năm 2023.
Nhiệm vụ của Huy là phát triển các phần mềm, tính năng giúp quá trình tìm kiếm dễ dàng và thú vị hơn. Trước đó, anh cũng được nhiều công ty lớn, như ServiceNow mời làm việc chính thức.
Theo Huy, để thuyết phục các nhà tuyển dụng, việc đặt ra kế hoạch dài hạn và chuẩn bị sớm là rất quan trọng. Ở những công ty như Google, vào đến vòng phỏng vấn là cả một quá trình nỗ lực. Huy đã tích lũy kinh nghiệm làm việc nhiều dự án lớn, nhỏ, trong hơn 4 năm, để cho thấy mình là ứng viên phù hợp.
“Cơ hội không biết lúc nào sẽ đến nên mình chủ động rèn luyện kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị tâm thế để chớp lấy khi thời cơ đến”, anh nói.
Quang Huy đam mê công nghệ từ thời học cấp ba. Chàng trai lớp chuyên Toán 1 của trường chuyên Hà Nội – Amsterdam từng tham gia tranh tài tại nhiều cuộc thi khoa học. Thành tích nổi bật của Huy là giải nhất chung cuộc Hội trại khoa học Odyssey ASEAN+3 dành cho thiếu niên đến từ 13 nước, do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ở Việt Nam năm 2017.
Huy sau đó du học Mỹ, theo đuổi chuyên ngành Khoa học máy tính ở Đại học Miami và lấy bằng trong 3,5 năm với điểm trung bình hơn 3.7/4. Trong thời gian này, để thỏa mãn đam mê, Huy tham gia nhiều cuộc thi về lập trình. Anh hai lần dự HackOHI/O, hackathon – cuộc đua lập trình thường niên lớn nhất của bang Ohio.
Quang Huy cũng trúng tuyển làm thực tập sinh của Google, lần đầu vào năm thứ hai. Theo Huy, tiêu chuẩn tuyển dụng của Google rất gắt gao với nhiều vòng tuyển chọn, từ hồ sơ, đánh giá chuyên môn, phỏng vấn.
“Để lọt vào mắt xanh của họ, hồ sơ của mình phải thật nổi bật và đúng tiêu chí mà họ cần”, Huy nói, nhận định Google không quan trọng ứng viên từng làm việc ở công ty to hay nhỏ mà đánh giá cao những đóng góp và sự hiểu biết về công nghệ.
Huy đã kể về lần thực tập ở Rakuna, một startup phần mềm hỗ trợ tuyển dụng, khi về Việt Nam học online vì Covid-19. Ngoài kinh nghiệm khi trực tiếp lập trình các ứng dụng mới, Huy còn cho thấy mình không ngừng cố gắng, tận dụng thời gian học hỏi ngay cả lúc khó khăn.
Sau đó là hai vòng phỏng vấn chuyên môn về lập trình. Huy đánh giá đây là những vòng “căng não” nhất, kiến thức công nghệ và lập trình không bó hẹp trong giáo trình ở trường mà sát thực tiễn, đòi hỏi ứng viên phải tự học và luyện tập nhiều.
Đầu tiên, công ty đưa ra hai bài lập trình, yêu cầu Huy hoàn thành trong một tiếng và gửi lời giải qua nền tảng tự chấm điểm. Sau khi đạt số điểm yêu cầu, anh được phỏng vấn hai lần qua điện thoại, hỏi chuyên sâu về lập trình. Không chỉ trả lời các câu hỏi về cấu trúc dữ liệu và giải thuật, Quang Huy còn đặt câu hỏi ngược lại với nhà tuyển dụng.
“Có đề bài, mình mất 30 giây đầu không nghĩ ra cách giải quyết cụ thể. Thay vì nghĩ tiếp, mình nói rằng đang có 3-4 hướng, họ có thể gợi ý mình nên suy nghĩ tiếp theo hướng nào không, từ đó gợi mở kiến thức để ra được kết quả”, anh nhớ lại.
“Chiến thuật” này được Huy rút ra khi tìm hiểu về các tiêu chí tuyển chọn của Google, trong đó có kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm.
Anh sau đó được hỏi kỹ hơn về cách ứng xử trong môi trường làm việc. Chẳng hạn: Hãy kể về một lần bạn gặp khó khăn trong dự án và cách vượt qua; Bạn đã bất đồng với đồng nghiệp bao giờ chưa?; Bạn đã làm thế nào khi gặp công nghệ mới và cách ứng biến?… Từng là phó bí thư Đoàn, trưởng ban tổ chức Ngày hội anh tài 2018, một trong những hoạt động nổi bật nhất của trường, Huy không gặp khó với những câu hỏi này.
Đây cũng là tình huống Huy gặp trong những ngày đầu thực tập. Anh được giao một dự án chưa đầy đủ chi tiết và yêu cầu, lại đúng lúc người chịu trách nhiệm thiết kế sản phẩm rời đi. Huy liền bắt tay vào tự nghiên cứu, bày ra cách lập trình những phần chưa được mô tả rõ và chủ động hẹn gặp đồng nghiệp, xin ý kiến đóng góp. Sau đó, anh đưa ra các thiết kế hệ thống dữ liệu mang tính tổng quát cao, có thể dễ dàng mở rộng khi có thêm chi tiết về yêu cầu dự án. Sản phẩm cuối cùng đáp ứng mọi yêu cầu và chạy thử thành công.
Cuối năm 2022, Huy kết thúc lần thực tập thứ nhất tại Google, đúng thời điểm các công ty công nghệ Mỹ sa thải hàng loạt và thắt chặt tuyển dụng, kể cả với thực tập sinh. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, anh một lần nữa thành công. Ở lần thực tập thứ hai, sản phẩm chuyển đổi ngôn ngữ hiển thị mà Huy tham gia lập trình được sử dụng chính thức.
Ra trường vào lúc thị trường việc làm khó khăn, Huy nhìn nhận không có công việc hay công ty nào là “không ưng ý”. Lý do là ngành công nghệ ở Mỹ có nhiều mảng khác nhau, ở nhiều lĩnh vực.
Theo Huy, việc xây dựng các mối quan hệ công việc rất quan trọng. Xin thư giới thiệu từ người quen làm ở các công ty mình ứng tuyển là cách Huy nhiều lần lọt vào vòng phỏng vấn. “Rải đơn” cũng là một kinh nghiệm của Huy. Anh ví dụ, nếu tỷ lệ trung bình để lọt qua vòng hồ sơ là 2%, nghĩa là ứng viên phải nộp khoảng 50 chỗ mới có khả năng cao bước vào vòng phỏng vấn một lần.
Anh Tô Đức Thiện, giám đốc công nghệ Công ty Rakuna, có ấn tượng đặc biệt với cậu thực tập sinh cách đây vài năm. Theo anh, Huy là người cẩn thận, chăm chỉ, cầu tiến và có suy nghĩ sâu sắc.
“Huy không chỉ làm tốt về mặt kỹ thuật mà còn có khả năng tổ chức công việc, biết kết nối, hợp tác và hỗ trợ mọi người. Bạn ấy kết thúc thực tập đã lâu nhưng luôn hết mình giúp đỡ các công việc ở công ty cũ” anh nói.
Gia nhập tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, Huy nhìn nhận bản thân còn nhiều điều cần cải thiện. Anh đặt mục tiêu học thêm về công nghệ nói chung, công cụ tìm kiếm nói riêng và tiếp tục phát triển kỹ năng lập trình.
“Mình sẽ quan sát, học hỏi cả phong cách làm việc ở đây. Mình hy vọng, trong tương lai có thể mang những hiểu biết đó về làm việc ở các công ty trong nước hoặc của riêng mình”, Huy chia sẻ.
Phương Anh