Đại học Văn Lang, Võ Trường Toản và Tân Tạo sử dụng bốn tổ hợp để xét tuyển vào ngành Y khoa, trong đó một tổ hợp chứa môn Ngữ văn.
Năm nay là lần đầu tiên trường Đại học Văn Lang (TP HCM) tuyển sinh ngành Y khoa bằng các phương thức: xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp, dựa vào học bạ và xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM.
Với cách xét điểm thi tốt nghiệp và học bạ, trường sử dụng bốn tổ hợp, trong đó có tổ hợp D12 (Văn, Hóa, Anh). Ngoài ra, trường xét tuyển các tổ hợp truyền thống, gồm A00 (Toán, Lý, Hóa), B00 (Toán, Hóa, Sinh), D08 (Toán, Sinh, Anh).
Trường Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) và Tân Tạo (Long An) thì cùng sử dụng tổ hợp khối B03 (Toán, Văn, Sinh) để tuyển ngành Y khoa, áp dụng với thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Các tổ hợp khác là B00, D08 và A02 (Toán, Lý, Sinh).
Trong 26 đại học có đào tạo ngành Y khoa của cả nước, chỉ ba trường này sử dụng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển.
TS.BS Nguyễn Hùng Vĩ, Trưởng khoa Y, trường Đại học Văn Lang, cho hay việc này nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của nghề y và xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho những em có học lực tốt muốn trở thành bác sĩ.
Theo ông, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày nay rất đa dạng, ngoài khám chữa bệnh còn có các chuyên ngành khác như tư vấn, truyền thông – giáo dục sức khỏe, tâm lý trị liệu, y học dự phòng, quản lý sức khỏe gia đình. Xã hội cũng đòi hỏi ngày càng cao hơn ở bác sĩ, ngoài giỏi chuyên môn cần có thái độ tốt, khả năng lắng nghe, chia sẻ, tư vấn hợp lý. Bác sĩ cần có kỹ năng truyền đạt, thuyết phục, tạo sự tin tưởng cho bệnh nhân.
“Những tố chất của người học giỏi môn Văn rất cần thiết cho công việc này”, ông Vĩ nói.
Quy định xét tuyển học bạ ngành Y khoa của Đại học Văn Lang yêu cầu học sinh phải có học lực loại giỏi năm lớp 12, điểm trung bình mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển từ 8 trở lên. Theo ông Vĩ, học sinh có học lực tốt thường giỏi đều các môn. Học sinh giỏi Văn, Hóa, Tiếng Anh cũng sẽ có nền tảng tốt ở các môn Toán, Sinh, Lý, do đó không quá lo về khả năng học tập, tiếp thu kiến thức y khoa của những em này.
“Chúng tôi quyết định đưa tổ hợp này vào tuyển sinh ngành Y khoa dựa trên kinh nghiệm làm việc và đào tạo trong ngành Y, cũng như khảo sát riêng một số bác sĩ”, ông Vĩ nói.
Quyết định này gây ý kiến trái chiều. Một bác sĩ ở Hà Nội cho rằng Y khoa là ngành khoa học đòi hỏi tính chính xác. Điều kiện cần đầu tiên để trở thành bác sĩ là phải có kiến thức nền về khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh).
“Kiến thức môn Văn quan trọng nhưng nó không có ý nghĩa trong việc quyết định một người trở thành bác sĩ”, vị này nêu quan điểm. Theo ông, giao tiếp thuộc về kỹ năng mềm và ngành nghề nào cũng cần có. Không phải vì muốn bác sĩ giỏi giao tiếp mà tuyển sinh bằng môn Văn.
Hồi năm 2014, Bộ trưởng Y tế từng hưởng ứng đề xuất của một số hiệu trưởng Y, Dược về việc đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y. Lãnh đạo ngành Y tế khi đó cho rằng môn Văn rất cần cho cán bộ ngành y, giúp nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp. Khi đó, nhiều người cũng cho rằng đề xuất này không hợp lý.
Dương Tâm – Lệ Nguyễn