Hãy cho mình một kế hoạch phòng thân
Đó là chia sẻ của một bạn đọc dưới bài viết về chủ đề tuổi 30 – 35 thất nghiệp khó tìm việc trên Tuổi Trẻ Online.
Chủ đề này đã nhận được nhiều ý kiến bình luận của bạn đọc chia sẻ về tâm thế của người đi làm. Trong đó có những màu tối về sự đào thải nghiệt ngã của doanh nghiệp khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Nhiều người đã đưa ra lời khuyên từ câu chuyện của chính họ – từng là những người bị đào thải sau nhiều năm trời đi làm, gắn bó, cống hiến cho công ty.
Bạn đọc tên Vinh bình luận: “Lời thật thì mất lòng. Tôi biết nói thẳng ra thì các quản lý sẽ không thích. Người đi làm, nhất là các bạn trẻ, đừng bao giờ tin tưởng câu “công ty chúng ta là một đại gia đình” mà lãnh đạo hay sử dụng để rồi cống hiến hết cả tuổi xuân, trí óc, sức khỏe cho nơi đó.
Vì chẳng có gia đình nào khi có vấn đề thì lại thẳng tay đuổi chúng ta ra đường cả. Đồng ý là đi làm thì nên nỗ lực, cố gắng, nhưng nên có chừng mực nhất định, và cần phải có sự nghiệp khác của riêng mình làm đường lui nếu chẳng may công việc ở công ty có trục trặc”.
Một bạn đọc tự đặt cho mình cái tên “Hưu Non” bình luận: “Tôi hơn 27 năm cống hiến cho một công ty nước ngoài. Rồi khi tôi bước vào tuổi 48, họ đã lên kế hoạch đào thải mình từ trước đó 2 năm. Nhưng do mình quá nhiệt huyết với công việc, mình không suy nghĩ gì về con đường phòng thân.
Mình gia nhập vào công ty từ thuở sơ khai, khi công ty mới chân ướt chân ráo vào thị trường Việt Nam. Khi đó cái bàn ngồi làm việc còn phải xài ké người khác.
Mình đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, mọi ngăn trở để cùng công ty gầy dựng từ con số zero đi lên.
Đơn giản mình chỉ nghĩ vạn sự khởi đầu nan, nên mình dành hết tâm huyết, tuổi thanh xuân tràn đầy năng lượng và sức trẻ cho công ty. Cuối cùng, công ty lật kèo với mình một cách rất ngoạn mục”.
Bạn đọc này đã có một phép so sánh có vẻ kỳ khôi nhưng lại được không ít người đồng tình khi coi quan hệ người lao động – công ty với quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng: Dành hết tâm trí, tuổi xuân, nhưng cũng có thể đứt gánh giữa đường.
“Rút ra từ bài học xương máu của bản thân nên mình luôn nhắn nhủ với lớp trẻ đi sau hãy chuẩn bị cho riêng mình một cái gì đó để phòng thân và điều tốt nhất là không bao giờ đi làm ở một nơi quá lâu bởi vì ngay cả mối quan hệ giữa vợ chồng còn không chắc chắn chứ đừng nói là sự cộng tác với công ty bền bỉ và ổn định”, bạn đọc Hưu Non đưa ra lời khuyên.
Bạn đọc Kenman cũng cho biết ở độ tuổi hai mấy, ba mươi, bạn đọc này đã chứng kiến nhiều người lớn tuổi bị rơi vào tình thế buộc phải nghỉ việc. Từ đó, bạn đã có sự chuẩn bị cho bản thân.
“Chứng kiến tâm trạng thất vọng, buồn bực và không cam lòng của họ, tôi đã tự nhủ phải ra làm riêng, nếu không cũng rơi vào kết cục giống họ.
Để ra riêng, tôi đã chuyển sang công ty nhỏ, lương thấp, điều kiện làm việc tệ hơn. Nhưng ở những công ty này, tôi có thể học nghề và quan trọng là không cần nhiều vốn để khởi nghiệp.
Cho đến giờ, tuy vẫn còn vất vả nhưng tôi tự do, thoải mái và sống được”, bạn đọc này chia sẻ kết quả.
Giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội để tăng cạnh tranh cho lao động trung niên
Trong các phần bình luận, không ít bạn đọc cũng đưa ra gợi ý về chính sách thuế, chính sách ưu đãi để giải quyết bài toán hầu hết doanh nghiệp đều ưu tiên tuyển dụng lao động trẻ tuổi.
Bạn đọc Quốc Việt đề xuất nghiên cứu giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội cho những người trên 50 tuổi và đã đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.
Bạn đọc này cho rằng việc này sẽ tăng tính cạnh tranh của người lớn tuổi đối với doanh nghiệp. Qua đó cũng khuyến khích người lao động duy trì đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm để lo công việc khi quá 50 tuổi.
Bạn đọc tên An lại đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp có nhiều lao động lớn tuổi: “Nên có chính sách tăng thuế doanh nghiệp không có phần trăm người lao động trên 45 tuổi nhất định, để bù vào chính sách xã hội. Đồng thời, ưu đãi thuế với doanh nghiệp sử dụng một tỉ lệ phần trăm nhất định lao động trên 50 tuổi”.
Tương tự, một bạn đọc khác cũng cho rằng Nhà nước cần có quy định về các chính sách ưu đãi cho các công ty có tỉ lệ phần trăm nhất định người lao động trên 45 – 50 tuổi, và cho rằng “có như vậy thì mới giảm áp lực cho người lao động, chính sách an sinh, giảm tỉ lệ mất việc…”.