Nhân Lễ Phật đản (15/4 âm lịch), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng tăng ni, phật tử cả nước. Tại Việt Nam quốc tự (TP. Hồ Chí Minh), hàng nghìn tăng ni, Phật tử trọng thể cử hành Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567.
Trong thông điệp Đại lễ Phật đản năm nay, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam bày tỏ: “Đây là dịp cho tất cả chúng ta cùng ôn lại lịch sử của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, là cơ hội để mọi người chiêm nghiệm, sống theo lời dạy chân thực, có giá trị vượt thời gian của Ngài.
Những lời dạy đó gợi ý các giải pháp xây dựng nền hòa bình thế giới, hạnh phúc thực sự cho con người và sự phát triển bền vững cho xã hội”.
Đức Pháp tắm Phật. (Ảnh: Đ.H) |
Theo Đức Pháp chủ, trong bối cảnh nhân loại vừa trải qua đại dịch Covid-19, xung đột còn diễn biến phức tạp đây đó trên thế giới, noi theo hạnh nguyện của Bồ-tát Thích Quảng Đức, tất cả tăng ni, Phật tử chúng ta cùng nhau dấn thân hơn nữa trên con đường thực hành Bồ-tát hạnh như lời Đức Thế Tôn đã dạy trong kinh Tư Ích Phạm Thiên sở vấn: “Bồ-tát là người có thể chịu đựng khổ đau thay cho tất cả chúng sinh, vì hạnh phúc của tất cả chúng sinh mà hy sinh hạnh phúc của bản thân mình”.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng nói: “Tôi kêu gọi tăng ni, Phật tử các giới càng nên ra sức làm thiện sự, tích cực góp phần xây dựng đất nước, kiến tạo hòa bình tự thân để kết nên một đài sen cúng dường Đức Thế Tôn trong mùa Phật đản năm nay”.
Cũng trong thông điệp Phật đản, Đức Pháp chủ cho rằng, mùa Phật đản năm nay, những người Phật tử Việt Nam cũng đồng thời thành kính kỷ niệm 60 năm ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963-2023).
Trưởng lão Hòa thượng chia sẻ: “Chúng ta tự hào về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc và trong đó có dấu ấn về hạnh nguyện cao cả của Bồ-tát Thích Quảng Đức trên con đường phụng sự đạo pháp và dân tộc. Ngọn lửa từ bi cùng với trái tim bất diệt của Ngài có năng lực soi sáng và thức tỉnh lương tri của con người, hóa giải tất cả hận thù.
Ngọn lửa đó đã chỉ cho mỗi người sống là phải biết vượt lên mọi chủ nghĩa cá nhân ích kỷ hẹp hòi và mọi ý niệm cực đoan. Ngài là biểu tượng sáng ngời của tinh thần Bi, Trí, Dũng của bậc Bồ-tát hiện thế và tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam”.
Trong khi đó, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì nhận định, ngày nay, nhân loại đang sống trong một thế giới có nhiều biến động, thách thức khôn lường không thể dự báo. Nó được sinh ra từ căn nguyên của khủng hoảng lòng tham và mất niềm tin lẫn nhau đã gây ra biết bao khổ đau cho con người và đồng loại.
Hòa thượng nói: “Hơn lúc nào hết, những lời dạy vô giá về tình thương yêu, sự sẻ chia, lòng từ bi, tinh thần bất bạo động, con đường giải thoát khổ đau cho nhân loại chúng sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thực sự là kim chỉ nam đưa đến các giải pháp cho những vấn đề nan giải của con người”.
Qua đó, Hòa thượng bày tỏ mong muốn toàn thể tăng ni, cư sĩ, Phật tử Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài, hãy tinh tấn tu học, nỗ lực trong tu tập Giới-Định-Tuệ. Nêu cao pháp hành trì giới luật thực hiện phương châm: Kỷ cương-Trách nhiệm-Đoàn kết-Phát triển để trang nghiêm Giáo hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Hòa thượng Thích Thiện Nhơn tại chùa Quán Sứ sáng 2/6. (Ảnh: Đ.H) |
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhắn nhủ: “Năm nay các cấp Giáo hội chúng ta phải thành tựu nhiều Phật sự để bày tỏ lòng tri ân và nguyện noi theo công hạnh, sự nghiệp lớn lao của các bậc Thiền sư, Quốc sư Phật giáo Việt Nam trong lịch sử.
Đó là kỷ niệm 1.005 năm ngày Quốc sư Vạn Hạnh viên tịch, 715 năm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn và Đại lễ Kỷ niệm 60 năm ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Đó chính là những di sản vô giá của Phật giáo Việt Nam được lịch sử khắc sâu ghi nhớ để lại muôn đời cho hậu thế”.