Ngày 12/6, hãng thông tấn DPA của Đức đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt thứ 14 đối với Nga, song động thái này đã bất ngờ vấp phải sự phản đối từ Berlin.
Đức bất ngờ phản đối gói trừng phạt mới chống Nga. (Nguồn: Reuters) |
Một đại diện EU giấu tên tiết lộ Brussels có cảm giác “như thể Đức đã trở thành Hungary mới”.
Gói trừng phạt mới của EU nhằm mục đích khắc chế những biện pháp né tránh các quy định hạn chế. Brussels đã lên kế hoạch trừng phạt cứng rắn đối với lĩnh vực khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga.
Theo giới ngoại giao, Ủy ban châu Âu (EC) mong muốn cấm sử dụng cảng Zeebrugge của Bỉ để vận chuyển LNG của Moscow tới nước thứ ba.
Khối 27 thành viên kỳ vọng, với bước đi này, Nga sẽ bán được ít LNG hơn.
DPA dẫn nguồn tin trên tiết lộ những nghi ngờ của Đức chủ yếu liên quan đến các biện pháp được soạn thảo nhằm gây khó khăn hơn cho nỗ lực “lách” các biện pháp trừng phạt.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang kêu gọi hạn chế hoặc từ bỏ hoàn toàn những biện pháp trừng phạt các doanh nghiệp giúp đất nước của Tổng thống Putin né tránh lệnh trừng phạt. Quan điểm này dựa trên lo ngại rằng các doanh nghiệp Đức có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Không chỉ thế, chính phủ Đức cũng coi “một số nghĩa vụ báo cáo nhất định” là không cần thiết và muốn nới lỏng biện pháp được thiết kế nhằm hạn chế Nga sử dụng SPFS – hệ thống thanh toán thay thế cho SWIFT.
Theo kế hoạch ban đầu, gói trừng phạt thứ 14 nhằm vào Nga sẽ được công bố trước khi bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào ngày 13/6.
Giới ngoại giao khẳng định, Đức khiến G7 không thể đạt được thỏa thuận chính trị cho đến ngày 14/6.