Giá khí đốt tự nhiên tăng và tình hình bất ổn ngày càng gia tăng sẽ chi phối triển vọng năng lượng của châu Âu trong mùa Đông này. Nhiều nguồn tin cho rằng, khủng hoảng năng lượng mới sẽ một lần nữa “gõ cửa” khu vực.
Liên minh châu Âu (EU) đã lưu trữ đủ lượng khí đốt dự trữ trong kho chứa dưới lòng đất. (Nguồn: AP) |
Giá khí đốt tự nhiên chuẩn của châu Âu đang đi lên. Điều này cho thấy sự không chắc chắn về nguồn cung và nhu cầu của người dân tăng đang bước vào mùa Đông thứ ba kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Cụ thể, theo hãng tin Bloomberg, giá khí đốt tại khu vực đã tăng khoảng 45% trong năm nay do căng thẳng leo thang ở Kiev.
Liên minh châu Âu (EU) đã lưu trữ đủ lượng khí đốt dự trữ trong kho chứa dưới lòng đất, nhưng vẫn chưa đủ.
Áp lực của châu Âu
TS. Yousef Alshammari, Chủ tịch Trường Cao đẳng Kinh tế Năng lượng London (Anh) nhận định: “Tình trạng cung vượt cầu vẫn tiếp tục chi phối thị trường. Công suất lưu trữ khí đốt của EU đã đạt 90% vào tháng 8/2024, sớm hơn nhiều so với thời hạn. Hiện tại, công suất lưu trữ khí đốt đã đạt mức 95%.
Nhưng nhu cầu sưởi ấm và điện tăng cao do nhiệt độ thấp đã thử thách năng lực cung cấp khí đốt của khối trong những tuần đầu tiên của tháng 11″.
Theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, nửa tháng 11, khi nhiệt độ xuống thấp, châu Âu đã khai thác gần 4% (tương đương 4,29 tỷ m3) tổng công suất dự trữ khí đốt trong kho.
TS. Alshammari dự kiến, đến mùa Xuân năm 2025, mức lưu trữ sẽ không cao như mùa Xuân năm 2024. Thời điểm đó, mức lưu trữ khí đốt trong kho của khu vực đạt 60% công suất.
Căng thẳng địa chính trị, do Mỹ và Nga thúc đẩy, là yếu tố rủi ro hàng đầu đối với giá năng lượng trên lục địa.
TS. Alshammari nêu quan điểm: “Dù tôi dự đoán rằng, căng thẳng này có thể sẽ giảm bớt dưới thời Tổng thống đắc cử Trump, nhưng có vẻ như những ngày còn lại của chính quyền Mỹ hiện tại đang khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Giá dầu mỏ và khí đốt đang biến động từng ngày”.
Ngày 21/11, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã đạt mức cao nhất trong một năm. Giá tăng cao khi Tập đoàn Gazprom của Nga ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Áo vào ngày 16/11 do tranh chấp giữa hai nước.
Trong khi đó, hợp đồng vận chuyển khí đốt từ Nga qua Ukraine đến châu Âu sẽ kết thúc vào ngày 1/1/2025. Khi hợp đồng này kết thúc, một nửa lượng khí đốt còn lại của Moscow sang EU sẽ dừng lại. Điều đáng bàn là, đó là thời điểm nhu cầu khí đốt tự nhiên ở khu vực đang ở mức đỉnh.
TS. Alshammari cho biết, bất kỳ sự gián đoạn nào trong việc cung cấp khí đốt của Moscow cho châu Âu có thể khiến tình hình trở nên khó khăn hơn, nhất là đối với các quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung cấp này.
“Đây là yếu tố khiến kho dự trữ của EU chịu thêm áp lực. Tôi dự đoán, giá khí đốt sẽ tiếp tục tăng trong những tuần tới nếu nguồn cung tiếp tục bị gián đoạn hoặc có thêm bất ổn”, TS. Alshammari nói.
Chủ tịch của Trường Cao đẳng Kinh tế Năng lượng London cho biết, việc thiếu nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga có thể dẫn đến sự quay trở lại sử dụng than, từ đó, tác động rộng hơn đến thị trường năng lượng.
Việc nhập khẩu khí đốt từ xứ bạch dương giảm cùng với nhu cầu năng lượng tăng sẽ thúc đẩy việc nhập khẩu LNG nhiều hơn vào châu Âu.
TS. Alshammari dự đoán: “Về lâu dài, tôi nghĩ năng lượng hạt nhân nên được sử dụng ở châu Âu, có thể thông qua hoạt động buôn bán năng lượng giữa các nước trong khu vực có năng lượng hạt nhân. Điều này sẽ làm giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu LNG từ nước ngoài”.
Khủng hoảng năng lượng: Chuẩn bị cho mùa Đông tốt hơn tưởng tượng, châu Âu vẫn chưa thể ăn mừng (Nguồn: Reuters) |
Cách để châu Âu thoát khủng hoảng năng lượng
Tính từ năm 2022 đến nay, nhu cầu khí đốt tại châu Âu đang giảm. Năm 2022 ở mức 350 bcm và giảm xuống còn 295 bcm vào năm ngoái.
Theo Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính, mức tiêu thụ khí đốt của EU đã giảm 3,2% trong 6 tháng đầu năm 2024 so với năm trước.
Sự sụt giảm này dường như là kết quả của việc tăng công suất năng lượng tái tạo và cải thiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả.
Theo TS. Alshammari, tỷ trọng năng lượng tái tạo đã tăng đáng kể trong năm qua, lên tới 44,7% sản lượng điện của EU, tăng 12,4% so với năm 2022. Trong khi đó, tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch đã giảm 19,7% xuống còn 32,5% tổng sản lượng điện của EU.
Tuy nhiên, ông cũng nhận thấy, khủng hoảng năng lượng và giá điện tăng đột biến không thể tránh khỏi chỉ bằng cách dựa vào năng lượng tái tạo.
“Một số quốc gia ở châu Âu như Áo, Na Uy và Iceland có vị thế tốt để sử dụng thủy điện mà không làm giá năng lượng tăng đột biến. Nhưng một số nước khác không thể áp dụng theo cách này”, TS. Alshammari khẳng định.
Ông này cho hay, một trong những yếu tố chính đã “cứu” châu Âu trong cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2021 và 2022 là tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng than và tái kích hoạt nhiều nhà máy điện hạt nhân.
Năm nay, khi một cuộc khủng hoảng năng lượng mới có thể “gõ cửa” châu Âu, khu vực cũng có thể áp dụng những yếu tố trên để ngoạn mục vượt khó, như những gì đã từng trải qua trong mùa Đông năm 2022.
Nguồn: https://baoquocte.vn/khung-hoang-nang-luong-chau-au-bom-cang-kho-du-tru-khi-dot-van-lo-mot-mua-dong-co-ro-295128.html