Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hiện tại gồm 6 chương, 59 điều (tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012). Trong đó kế thừa 4 điều của Luật Thủ đô năm 2012 (Điều 2, Điều 4, Điều 5 và Điều 6), 23 điều còn lại kế thừa một phần và có sửa đổi, bổ sung.

Với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, Dự thảo Luật Thủ đô đã quy định một số cơ chế đặc thù để phát triển KH&CN Thủ đô. Theo đó, hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN được hưởng nhiều ưu đãi như: Áp dụng hình thức khoán kinh phí theo kết quả sản phẩm. Thu nhập của chuyên gia, nhà khoa học từ việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm Thủ đô, Vùng Thủ đô được xác định là thu nhập không phải chịu thuế thu nhập cá nhân; được hỗ trợ một phần chi phí thuê nhà, phương tiện đi lại trong thời gian chủ trì nhiệm vụ. Các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN được hỗ trợ từ ngân sách TP Hà Nội kinh phí mua sắm, chi phí vận hành máy, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ KH&CN trọng điểm. Hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Thủ đô. Hỗ trợ việc áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, ứng dụng giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao…

Quang cảnh buổi làm việc. 

Cùng với đó, Dự thảo Luật Thủ đô quy định về Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, chính sách ưu đãi cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; phân quyền từ UBND TP Hà Nội, UBND quận, huyện, thành phố thuộc TP Hà Nội cho Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hà Nội, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố trong lĩnh vực quy hoạch, môi trường…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, đây là luật rất quan trọng, cần tạo được cú hích đột phá cho Thủ đô Hà Nội. Trong 10 năm qua, việc triển khai Luật đã có nhiều kết quả, tuy nhiên kỳ vọng tạo đột phá chưa đạt yêu cầu đề ra. Với Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ KH&CN đã chủ động góp ý, chỉnh lý dự thảo và gửi lấy ý kiến sở KH&CN 10 tỉnh thuộc Vùng Thủ đô. Trên cơ sở đó, hoàn thiện và gửi Bộ Tư pháp.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại buổi làm việc. 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cùng các đại biểu đã trao đổi, bàn luận một số vấn đề liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ KH&CN được quy định tại các điều của Dự thảo Luật Thủ đô: Điều 18 về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Điều 25 về phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Điều 42 về mô hình thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực KH&CN; Điều 45 về thu hút nhà đầu tư chiến lược; Điều 46 về ưu đãi đầu tư. Một số vấn đề mới liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&CN đã được đặt ra.

THU HIỀN