Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cơ hội để Việt Nam vươn lên nhờ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Theo ông Hà Sơn Tùng, vấn đề cốt lõi để thực hiện Nghị quyết 57 là vai trò của Nhà nước để giúp doanh nghiệp và giới khoa học tìm được tiếng nói chung và cùng hướng về một mục tiêu thống nhất.

VietnamPlusVietnamPlus01/04/2025

Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia mở ra cơ hội để Việt Nam vươn lên nhờ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để thành công, Việt Nam cần phải có một kế hoạch toàn diện, tầm nhìn dài hạn, với sự vào cuộc của nhiều bộ ngành và thành phần kinh tế trong xã hội.

Đây là nhận định được ông Hà Sơn Tùng - chuyên viên cao cấp, Phó Trưởng khoa công nghệ quang học tiên tiến, Viện Hàn lâm Khoa học Singapore, A*STAR đưa ra trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Singapore.

Trên thực tế, theo ông Hà Sơn Tùng, Nghị quyết 57 là điều mà giới trí thức, khoa học Việt Nam vô cùng chờ đón. Kết hợp với quyết tâm chính trị chưa từng có của Đảng và nhà nước, Việt Nam có thể đạt được những bứt phá về đổi mới sáng tạo một cách thực tế, góp phần giúp đất nước đạt được những mục tiêu về kinh tế.

Ông cho rằng vấn đề cốt lõi để thực hiện Nghị quyết 57 là vai trò của Nhà nước để giúp doanh nghiệp và giới khoa học tìm được tiếng nói chung và cùng hướng về một mục tiêu thống nhất. Tiếng nói chung ở đây không chỉ là cách nhìn nhận về đổi mới sáng tạo mà còn là cách thực hiện và phối hợp để đạt được cộng hưởng về hiệu quả. Điều này đòi hỏi sự dẫn dắt của nhà nước về 3 mặt: chiến lược, cơ chế và quản lý.

Về mặt chiến lược, Việt Nam cần xác định được những ngành trọng điểm để đầu tư. Thời gian gần đây, rất nhiều hội thảo, chuyên gia có nói đến ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là 2 ngành trọng tâm sẽ đóng góp lớn nhất cho kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới, do đó, Việt Nam cần có chiến lược đúng đắn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào kinh nghiệm từ Singapore, họ đã có chiến lược bán dẫn từ những năm 70 của thế kỷ trước và chiến lược AI từ những năm 2010. Chính vì vậy, ngoài 2 ngành trên, Việt Nam cần có tầm nhìn dài hạn để có thể đầu tư chiến lược vào những lĩnh vực tiềm năng lớn nhưng còn ở giai đoạn sớm như công nghệ lượng tử.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Giám đốc điều hành Google, ông Sundar Pichai, nhấn mạnh: “Nghiên cứu về máy tính lượng tử hiện nay cũng giống như nghiên cứu về AI vào những năm 2010” và ông cũng dự đoán công nghệ này sẽ bùng nổ trong 10-15 năm tới. Do đó, thay vì chỉ chạy theo những ngành hấp dẫn nhưng đã muộn, Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ tương lai để có thể tìm được chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Về mặt cơ chế, đây là vấn đề cấp thiết để tạo ra khung hành lang pháp lý, chất xúc tác để kích thích sự tham gia của doanh nghiệp và người làm nghiên cứu. Cách đây vài năm, Việt Nam cũng đã có những cơ chế thử nghiệm linh hoạt hay còn gọi là Sandbox trong công nghệ blockchain. Đó cũng là một trong những lý do Việt Nam có sự bùng nổ về ứng dụng trong lĩnh vực blockchain và tiền ảo, tiêu biểu là những startup đã gây tiếng vang trên toàn cầu như: Axie Infinity hay Kyber Network.

Về mặt quản lý, điều cốt lõi là tạo được sự cộng hưởng giữa cộng đồng nghiên cứu khoa học Việt Nam và doanh nghiệp để tạo ra những công trình thiết thực, mang lại giá trị kinh tế.

Ông Hà Sơn Tùng đã chia sẻ kinh nghiệm làm nghiên cứu từ Hàn Quốc nơi ông từng học tập và làm việc nghiên cứu trong một thời gian dài hơn 15 năm về trước. Khi đó, ông đã tham gia những dự án nghiên cứu quốc gia quan trọng của Hàn Quốc - tiêu biểu là dự án nghiên cứu cáp truyền điện một chiều 500 kV ứng dụng công nghệ nano - sản phẩm hồi đó trên thế giới chưa có.

Dự án này có sự tham gia của tập đoàn LS, tập đoàn LG, viện nghiên cứu KAIST và một số trường đại học hàng đầu của Hàn Quốc. Dự án được tài trợ 50% từ chính phủ và 50% vốn đối ứng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ đặt ra đề bài về công nghệ và sản phẩm họ muốn phát triển đồng thời cũng là bên điều phối dự án, trong khi viện nghiên cứu và các trường đại học với những nhóm nghiên cứu phù hợp sẽ hỗ trợ doanh nghiệp.

Sự kết hợp giữa 3 bên: doanh nghiệp-viện nghiên cứu-trường đại học là một tiêu chí quan trọng để chính phủ cấp vốn cho dự án. Kết quả là sau 5 năm nghiên cứu cộng thêm 2 năm sản xuất thử, tập đoàn LS đã cho ra mắt một trong những sản phẩm cáp dẫn điện 1 chiều cao áp đầu tiên trên thế giới.

Theo ông Hà Sơn Tùng, hình thức đầu tư nghiên cứu đổi mới sáng tạo này có rất nhiều điểm mạnh mà Việt Nam có thể học hỏi.

Thứ nhất, doanh nghiệp hào hứng tham gia do họ có thể tiết kiệm chi phí nghiên cứu, vì chỉ phải bỏ ra 50%. Họ cũng là người định hướng nghiên cứu cho dự án, do vậy tính thực tiễn là rất cao.

Thứ hai, doanh nghiệp luôn là những nhà quản lý tài chính tốt nhất, họ sẽ giúp tối ưu chi phí và tránh lãng phí trong quá trình thực hiện dự án. Cuối cùng, hình thức này sẽ tạo ra được sự cộng hưởng lớn nhất trong cộng đồng nghiên cứu và doanh nghiệp, giúp đổi mới sáng tạo được phát huy một cách tối đa.

Bên cạnh đó, Phó Trưởng khoa công nghệ quang học tiên tiến, Viện Hàn lâm Khoa học Singapore, A*STAR cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm về đổi mới sáng tạo của Singapore - một nước nhỏ trong khu vực, với nguồn lực tài nguyên hạn hẹp, nhưng đã đạt được những thành tựu về kinh tế, khoa học kỹ thuật vượt trội trong hơn 50 năm qua, vươn lên từ một nước thuộc thế giới thứ 3 lên thứ nhất trong chỉ một thế hệ. Theo ông Hà Sơn Tùng, trước hết Singapore rất ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

singapore.jpg

Một góc Singapore. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngay từ khi lập nước, Chính phủ Singapore đã xác định nguồn lực lớn nhất của họ là con người. Chính vì vậy, họ đã có chiến lược phát triển dài hạn để nâng cao năng lực nguồn lao động của mình.

Hệ thống giáo dục của Singapore được đánh giá là một trong những nền giáo dục tốt nhất thế giới, nổi bật với 2 trường đại học thuộc top đầu như Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Công nghệ Nanyang. Quốc gia này cũng có hệ thống giáo dục xuyên suốt từ tiểu học, trung học, cao đẳng và đại học. Hệ cao đẳng của họ mất tổng cộng 13 năm tính từ lớp 1 và hệ đại học mất 16 năm. Họ không đầu tư đại học tràn lan mà phân chia giáo dục đại học và cao đẳng tùy thuộc vào nhu cầu phát triển kinh tế.

Ví dụ những năm 70 của thế kỷ trước, khi nhu cầu công nghiệp hóa cao, cứ 1 sinh viên đại học thì có đến 4-5 sinh viên cao đẳng, nghề. Hiện nay, với sự chú trọng vào chất xám và ưu tiên công nghiệp tạo giá trị cao, tỷ lệ này dần về mức 50-50.

Để làm được điều này, vấn đề dự đoán nhu cầu lao động ở mức trung và dài hạn rất quan trọng vì họ có thể định hướng được trước cho mỗi thế hệ lao động của mình. Ủy ban kinh tế nhà nước sẽ là bên nghiên cứu, dự đoán và phối hợp chặt chẽ với bộ giáo dục Singapore.

Không chỉ vậy, Singapore còn chú trọng thu hút đầu tư thông minh. Với xuất phát điểm thấp, Singapore biết rằng chỉ có thu hút đầu tư từ những tập đoàn lớn trên thế giới, họ mới có thể phát triển kinh tế một cách nhanh nhất. Ngay sau khi tách khỏi Malaysia những năm 60, Ủy ban kinh tế nhà nước Singapore (EBD) đã đề ra mục tiêu thu hút đầu tư sản xuất công nghệ cao. Họ tạo điều kiện về chính sách, ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Lộ trình của họ cũng rất rõ ràng, những năm 70 của thế kỷ trước, họ thu hút những công ty lớn về bán dẫn, tập trung vào khâu đơn giản nhất là đóng gói để nhanh chóng đưa Singapore vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau đó, trong giai đoạn những năm 80-90, Singapore dần chuyển hướng sang những hoạt động tạo giá trị cao hơn trong chuỗi sản xuất bán dẫn, như nghiên cứu, chế tạo chip bán dẫn. Hiện Singapore đóng góp hơn 10% sản lượng chip bán dẫn công nghệ cao toàn cầu.

Điều đáng nói ở đây là sau khi đã thu hút khu vực FDI thành công, người Singapore đã thành lập những viện nghiên cứu chính phủ với 2 mục tiêu chính. Một là, hỗ trợ tối đa những công ty, tập đoàn đang hoạt động ở Singapore bằng cách hỗ trợ, hợp tác nghiên cứu sản phẩm cho họ.

Bằng cách này, người Singapore vừa có thể giúp các công ty hoạt động thành công hơn, vừa có thể giữ chân họ ở lại lâu dài. Hai là thông qua viện nghiên cứu với những ngành chiến lược, Singapore đã đào tạo được nguồn lao động bản địa chất lượng cao, dần thay thế người nước ngoài trong các công ty mà họ mời về. Đây là một chiến lược thu hút đầu tư dài hơi và rất thông minh, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ, ngành mà Việt Nam cần tham khảo.

Ngoài ra, Singapore còn đầu tư khoa học trọng điểm và mang tính thực tiễn. Do nguồn lực có hạn, Singapore ưu tiên các dự án nghiên cứu có khả năng thương mại hóa cao trong tương lai. Để làm được điều này, Singapore phải dựa trên những thế mạnh trong nền công nghiệp của mình, những công ty, tập đoàn đang hoạt động tại Singapore.

Đơn cử, đầu những năm 90, khi thấy ngành công nghiệp chế tạo thiết bị lưu trữ dữ liệu có tiềm năng, Singapore đã lập ra trung tâm nghiên cứu từ học -sau này đổi thành viện nghiên cứu công nghệ lưu trữ với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho Seagate - một công ty của Mỹ mới hoạt động ở Singapore. Điều này sau đó đã góp phần giúp cho Seagate mở rộng sản xuất và trở thành một "ông lớn" trong ngành sản xuất ổ cứng máy tính.

Ví dụ này cho thấy mỗi quyết định đầu tư vào khoa học kỹ thuật cần dựa vào sự phát triển của công ty, tập đoàn đang hoạt động tại nước mình bởi người Singapore biết rằng chỉ có thông qua công ty - với việc tạo ra sản phẩm giá trị - họ mới thu lời được từ những đầu tư cho khoa học của mình.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Singapore chỉ dám đầu tư vào những lĩnh vực nghiên cứu "an toàn." Một trong những ví dụ là lĩnh vực công nghệ lượng tử. Mặc dù chưa có nhiều ứng dụng thực tiễn, nhưng nhận ra tiềm năng to lớn của lĩnh vực này, Singapore đã đầu tư rất nhiều cho công nghệ lượng tử trong 1 thập kỷ qua.

Trên thực tế, nếu tính theo đầu người hay GDP, Singapore là nước đầu tư lớn nhất cho lượng tử. Điều này minh chứng cho tư duy đổi mới sáng tạo của người Singapore, họ không muốn đứng ngoài cuộc trong bất cứ xu thế công nghệ nào của tương lai bởi họ biết về lâu dài, việc có được nguồn lao động chất lượng cao và đi đầu trong công nghệ sẽ mang lại những ưu thế to lớn trong việc gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó mang lại lợi ích về kinh tế.

Đề cập tới việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, ông Hà Sơn Tùng khẳng định vấn đề này luôn là ưu tiên hàng đầu của Singapore trong việc phát triển kinh tế.

Trước hết, Singapore đã dự đoán trước nhu cầu nhân lực với kế hoạch đào tạo bài bản. Theo đó, nước này dự đoán xu hướng công nghệ từ sớm và đầu tư vào giáo dục một cách bài bản từ bậc phổ thông đến đại học. Ví dụ, khi có chiến lược trở thành nước công nghiệp, sản xuất công nghệ cao từ những năm 70, họ đã chú trọng vào các môn STEM (Khoa học, Kỹ thuật, Toán) từ các cấp. Điều này cũng lý giải vì sao Singapore luôn đứng đầu thế giới về số lượng học sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi sát hạch về toán trên thế giới.

Một ví dụ thành công nữa về Singapore trong chương trình chuyển đổi số là dự án SkillsFuture - tạm dịch là Kỹ năng thời đại mới. Đây là một sáng kiến quốc gia được Chính phủ Singapore triển khai từ năm 2015, nhằm thúc đẩy văn hóa học tập suốt đời và nâng cao kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu thay đổi nhanh chóng.

Mục tiêu chính của chương trình là trang bị cho người dân Singapore các kỹ năng cần thiết để thích nghi với nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số và ngành công nghiệp 4.0.

SkillsFuture không chỉ dành cho sinh viên mà còn hướng đến tất cả công dân ở mọi độ tuổi, từ người mới ra trường đến lao động trung niên, giúp họ duy trì tính cạnh tranh và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Singapore còn luôn chú trọng hợp tác quốc tế trong giáo dục. Singapore luôn xác định nền kinh tế của mình gắn với sự hội nhập toàn cầu. Việc quyết định sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thống từ những năm đầu lập quốc là một ưu thế vượt trội của Singapore so với các nước trong khu vực.

Từ lâu, một luật bất thành văn là các giáo sư từ các trường Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Công nghệ Nanyang đều phải là những người tốt nghiệp tiến sỹ từ các trường nổi tiếng nhất trên thế giới, thậm chí phải từ những nhóm nghiên cứu mạnh nhất. Điều này thực sự đã mang lại cho 2 trường đại học trên những sự kết nối mạnh mẽ với cộng đồng nghiên cứu tiên phong của thế giới.

Từ đây, chất lượng giáo dục được nâng cao và theo những tiêu chuẩn tốt nhất. Bằng chứng là 2 trường đại học này của Singapore luôn lọt vào top 20, thậm chí top 10 của thế giới những năm gần đây.

Trong đào tạo nguồn nhân lực, Singapore luôn cố gắng gắn kết các khâu đào tạo của mình để phù hợp nhất với mục đích cuối cùng là phục vụ doanh nghiệp. Chính phủ Singapore luôn khuyến khích hợp tác giữa các trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp nội địa nhằm tạo ra một hệ sinh thái đào tạo gắn kết.

Trên thực tế, đa phần các khóa học ở các trường cao đẳng tại Singapore được tạo ra là để phục vụ cho những ngành công nghiệp nhất định và chương trình giảng dạy cũng được tham vấn rất nhiều từ các doanh nghiệp. Thêm vào đó, các chương trình giảng dạy của Singapore cũng luôn đề cao tính thực hành để phù hợp nhất với nhu cầu và tình hình công nghệ của các doanh nghiệp.

Do đó, đa phần các sinh viên tốt nghiệp tại Singapore có thể nhanh chóng thích nghi với môi trường doanh nghiệp và ít khi phải đào tạo lại. Năng suất lao động trung bình của Singapore luôn đứng đầu trong khu vực là minh chứng cho chất lượng đào tạo của họ.

Cũng theo ông Hà Sơn Tùng, trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực chiến lược cho Nghị quyết 57 và sẽ là một trong những nhân tố quan trọng góp phần cho công cuộc đổi mới sáng tạo của nước nhà. Người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài tham gia vào hầu hết các ngành công nghệ thiết yếu trên thế giới, trong đó có rất nhiều người nắm những vị trí quan trọng và có tầm ảnh hưởng trong ngành.

Điều quan trọng nhất là tinh thần hướng về Tổ quốc, luôn muốn được đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. Do đó, có nhiều hình thức để cộng đồng trí thức Việt Nam ở nước ngoài có thể đóng góp cho công cuộc đổi mới sáng tạo, tiêu biểu là 2 hình thức:

Một là, chuyển giao tri thức tiên tiến: tham gia tích cực vào các cuộc hội thảo khoa học công nghệ, kết nối các trường đại học và viện nghiên cứu Việt Nam với các tổ chức nghiên cứu quốc tế nhằm trao đổi những ý tưởng, công nghệ mới nhất, giúp Việt Nam hội nhập với cộng đồng nghiên cứu tiên tiến trên thế giới.

Hai là, khởi nghiệp công nghệ: với kinh nghiệm quốc tế và kiến thức về công nghệ tiên tiến, họ có thể thành lập các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nước nhà. Đây cũng là một trong những xu thế gần đây khi có rất nhiều người Việt Nam từ bỏ những vị trí, cơ hội phát triển ở nước ngoài để về cống hiến cho Việt Nam.

doi-moi-sang-tao-robot.jpg

Tương tác với robot. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Để khuyến khích hơn nữa các hoạt động trên, chính phủ cũng cần có những biện pháp khuyến khích phù hợp. Việc đầu tiên là cần tạo ra những cơ chế để khuyến khích đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, tạo môi trường kinh doanh, khung pháp lý thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp công nghệ cao.

Tiếp đó, để thu hút sự đóng góp của cộng đồng trí thức Việt Nam tại nước ngoài, chính phủ cần tạo ra môi trường để họ có thể đóng góp một cách thiết thực và chính thống nhất. Ví dụ, trong ngành công nghệ bán dẫn và lượng tử, nếu chính phủ có thể lập ra một trung tâm nghiên cứu và thực hành theo tiêu chuẩn quốc tế, điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các công ty đầu tư sản xuất bán dẫn trong nước, giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn tạo một sân chơi để các kỹ sư, nhà nghiên cứu nổi tiếng của Việt Nam trên thế giới trở về để trao đổi chuyên môn và kỹ thuật.

Theo ông Hà Sơn Tùng, chỉ cần chính phủ ra lời kêu gọi và đưa ra hình thức khuyến khích phù hợp, rất nhiều trí thức người Việt sẽ sẵn sàng cống hiến cho đất nước. Hy vọng với sự quyết tâm và cầu thị của hệ thống chính trị, chúng ta - người Việt Nam cả trong và ngoài nước sẽ cùng chung tay cống hiến cho sự phát triển của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/co-hoi-de-viet-nam-vuon-len-nho-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-post1024073.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm