Dịch vụ tốt, khách chi tiêu cao
Cuối tuần, khách trong và ngoài nước tìm đến các cơ sở y tế, spa… để chăm sóc sức khỏe, làm đẹp khá đông, trong đó tập trung nhiều vào sản phẩm ít xâm lấn.
Chị Nguyễn Minh Tuyết, ngụ ở Hà Nội, có dịp trải nghiệm dịch vụ tại Phòng Chẩn trị y học cổ truyền Hương Sen (Hương Sen Healthcare, đường Nguyễn Thiện Thuật, quận Bình Thạnh, TPHCM), chia sẻ: “Nhân viên làm việc chuyên nghiệp, tận tâm; khách thực sự cảm thấy thư giãn, bớt đau nhức cơ, nhất là cổ vai gáy khi sử dụng dịch vụ trị liệu xoa bóp, bấm huyệt… Sau trị liệu, khách được thưởng thức buffet nhiều món bồi bổ sức khỏe”.
Ông Phạm Văn Tùng, Quản lý Hương Sen Healthcare, cho biết, đơn vị đang phối hợp với các doanh nghiệp du lịch đón khách trong và ngoài nước đến tham quan TPHCM, dừng chân thư giãn, trải nghiệm ngâm bồn gỗ thuốc của dân tộc Dao đỏ, sục lá giải cảm… sau chuỗi hành trình vui chơi tại TPHCM.
Bên cạnh dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trị liệu bằng y học cổ truyền thì các dịch vụ chăm sóc răng cũng được đông đảo bà con Việt kiều, khách quốc tế quan tâm, bởi đội ngũ bác sĩ tay nghề cao, giá dịch vụ cạnh tranh so với các quốc gia khác.
Du khách nhỏ tuổi trải nghiệm tour “Em là bác sĩ” do Lữ hành Chim Cánh Cụt tổ chức |
Ông Lê Quốc Bình, một Việt kiều Mỹ về TPHCM, cho biết, chi phí làm răng tại Mỹ rất cao nên nhiều người quyết định về Việt Nam vừa được vui chơi dài ngày, vừa được làm răng giá ưu đãi. Ông cũng tự tin khoe hàm răng sáng bóng, đều đặn với tổng giá chưa tới 100 triệu đồng được làm tại một cơ sở lớn có địa chỉ ở quận 1 (TPHCM), trong khi nếu làm tại Mỹ giá phải đến 300 triệu đồng.
Bác sĩ Lê Trung Chánh, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM, cho hay, nha khoa Việt Nam đủ sức cạnh tranh về chi phí và chất lượng so với các quốc gia khác. Phần lớn các công nghệ mới đã có mặt tại Việt Nam, với giá thành cạnh tranh rất nhiều.
Chẳng hạn, làm cầu cho răng tại Australia có giá khoảng 4.500 AUD, trong khi ở Việt Nam chỉ từ 500-800 AUD. Mức chi phí cho dịch vụ làm răng sứ tại Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với Mỹ và Australia. Thực chất, công nghệ mới được áp dụng đồng đều ở các quốc gia, nên cạnh tranh nhau chủ yếu là dịch vụ kỹ thuật (độ tinh xảo, thẩm mỹ…) và chất lượng phục vụ.
Ở thời điểm hiện tại, Sở Du lịch TPHCM đã kết nối với hơn 50 đơn vị là các bệnh viện, cơ sở y tế, spa, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú du lịch… cùng xây dựng 30 sản phẩm du lịch y tế giới thiệu đến người dân và du khách.
Tăng cường quảng bá, kết nối
Là một trong những bệnh viện thu hút nhiều khách nước ngoài, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đã tiếp nhận khám ngoại trú khoảng 15.000 lượt và điều trị nội trú hơn 1.000 lượt người nước ngoài mỗi năm. Trong đó, tập trung vào thẩm mỹ, chăm sóc da, tim mạch, tiêu hóa, gan mật tụy, thần kinh, hô hấp, …
Thạc sĩ Trần Văn Hùng, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, thông tin, các kỹ thuật y khoa được bệnh viện liên tục cập nhật, bắt kịp với nền y tế tiên tiến của thế giới, đội ngũ y bác sĩ đảm nhận vai trò quan trọng ở nhiều tổ chức y tế trong và ngoài nước. Hơn nữa, để tiếp tục thu hút lượng bệnh nhân là người nước ngoài, bệnh viện còn có chủ trương bố trí bác sĩ giỏi chuyên môn lẫn ngoại ngữ thăm khám tại Phòng khám Quốc tế.
Theo bác sĩ Mai Đức Huy, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (quận 1, TPHCM), mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.000 lượt bệnh nhân nước ngoài đến từ nhiều quốc gia.
“Bệnh viện có lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng khang trang, lực lượng bác sĩ trẻ chuyên nghiệp, giao tiếp ngoại ngữ tốt. Tuy vậy, bệnh viện đang bị hạn chế về mặt truyền thông quảng bá dịch vụ rộng rãi đến du khách. Vì vậy, chúng tôi đã xin chủ trương thành lập phòng quản lý chất lượng – chăm sóc khách hàng”, bác sĩ Mai Đức Huy cho hay.
Ở góc độ cơ quan chuyên môn, Sở Du lịch TPHCM cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện các gói sản phẩm du lịch y tế phù hợp đáp ứng thị trường khách nội địa và quốc tế; đẩy mạnh các video quảng bá sản phẩm trên địa bàn TPHCM.
Dựa trên cuốn Cẩm nang Du lịch y tế năm 2018, Sở Du lịch cập nhật, điều chỉnh thông tin thêm nhiều ngôn ngữ gồm Anh, Thái Lan, Campuchia, Lào, Trung Quốc để du khách quốc tế dễ tiếp cận thông tin. Trước đó, Sở Du lịch cũng đã có các chuyến tham quan, khảo sát mô hình sản phẩm du lịch y tế tại Thái Lan; thúc đẩy, quảng bá du lịch tại Campuchia…
Tới đây, tại Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM vào tháng 9, sở cũng tổ chức gian hàng giới thiệu rộng rãi các sản phẩm du lịch y tế của thành phố. Sở Y tế TPHCM cho hay, ưu thế nổi trội của TPHCM chính là có nhiều trung tâm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe uy tín và chất lượng, kết hợp trung tâm mua sắm lớn, giúp khách có thêm cơ hội trải nghiệm dịch vụ tốt, cao cấp như nghỉ dưỡng, mua sắm, ẩm thực… Chính vì vậy, Sở Y tế xác định phát triển loại hình du lịch y tế góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao và hiện đại hóa quy trình khám chữa bệnh cho người dân, du khách.
* Bà BÙI THỊ NGỌC HIẾU, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM:
Xây dựng hơn 30 sản phẩm du lịch y tế
Trong năm nay, Sở Du lịch TPHCM phối hợp cùng Sở Y tế, các doanh nghiệp du lịch… xây dựng hơn 30 sản phẩm du lịch y tế, bao gồm dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại các bệnh viện uy tín, chất lượng, trải nghiệm dịch vụ cao cấp, ăn uống, mua sắm, nghỉ dưỡng kết hợp tham quan các di tích, điểm đến nổi tiếng của TPHCM.
Trong số này, có 3 dịch vụ y tế được khách quan tâm như khám sức khỏe tổng quát; tầm soát bệnh lý; thực hiện kỹ thuật chuyên sâu, y học cổ truyền… với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, chi phí khám chữa bệnh hợp lý. TPHCM đang có 131 bệnh viện công lập, bệnh viện tư nhân và bệnh viện thuộc bộ, ngành có khả năng tiếp nhận bệnh nhân, khách du lịch có nhu cầu chữa trị và chăm sóc sức khỏe.
* Bác sĩ LÊ TRUNG CHÁNH, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM:
Cần cơ quan điều hành, kết nối dịch vụ
Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM ứng dụng nhiều công nghệ kỹ thuật hiện đại, kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo… trong chuyên ngành nha khoa đã rút ngắn thời gian điều trị và hạn chế số lần hẹn trong nhiều lĩnh vực.
Do đó, du khách sẽ trải nghiệm tốt hơn, thuận lợi, hài lòng hơn khi kết hợp giữa du lịch và chăm sóc y tế. Bệnh viện cũng cải tiến quy trình khám chữa bệnh riêng dành cho khách nước ngoài và gói dịch vụ riêng kèm giá cụ thể, tạo thuận lợi cho các đơn vị lữ hành có thể dễ dàng chào bán tour cho sản phẩm du lịch y tế. Đặc biệt, xây dựng các quy trình điều trị phù hợp với lịch trình du lịch nghỉ dưỡng của du khách.
Tuy vậy, bệnh viện vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, chưa có cơ quan hay hiệp hội điều hành việc kết nối giữa cơ sở y tế cung ứng dịch vụ y tế và cơ sở cung ứng sản phẩm du lịch hiệu quả để xây dựng 1 gói dịch vụ gồm y tế và du lịch.
Bên cạnh đó, bệnh viện chưa đạt các tiêu chuẩn quốc tế như JCI hay ISO. Mặc dù giá cả của bệnh viện có ưu thế cạnh tranh nhưng khách quốc tế thường dựa vào tiêu chuẩn chất lượng để chọn nơi cung ứng dịch vụ. Ngoài ra, mạng lưới truyền thông, quảng bá đến khách quốc tế để giới thiệu về các dịch vụ y tế chưa hiệu quả.
* Bà PHAN YẾN LY, chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch:
Khai thác sản phẩm ít xâm lấn
Doanh nghiệp lữ hành đang cân nhắc, đánh giá cho ra các gói sản phẩm phù hợp với xu hướng thị trường, nhất là sau dịch Covid-19. Qua ghi nhận thực tế, cho thấy việc lựa chọn các sản phẩm thiên về chăm sóc sức khỏe ít xâm lấn như dịch vụ trị liệu xoa bóp, bấm huyệt, làm răng… được khách quan tâm hơn.
Hiện nay, khách quốc tế quay trở lại TPHCM chưa nhiều, trong khi đây chính là nhóm khách hàng tiềm năng, chi tiêu tốt. Với khách nội địa, họ có thể đến thăm khám, sử dụng dịch vụ trực tiếp mà không cần thông qua các hãng lữ hành và đây cũng chính là một trong các vướng mắc khó triển khai, liên quan đến quyền lợi đôi bên.
Vì đối với phần lớn các bệnh viện, dù bạn đến khám trực tiếp hay giới thiệu người đến khám bệnh, thì giá dịch vụ khám chữa bệnh vẫn thế, không có gì thay đổi. Do vậy, cân đối hài hòa lợi ích các bên là bài toán chưa có lời giải, ảnh hưởng trực tiếp đến việc khai thác các sản phẩm du lịch y tế tại TPHCM.