Khách quốc tế và doanh nghiệp lữ hành đều mong chờ Việt Nam sớm thông qua chính sách visa mới để “đôi bên cùng có lợi”.
Sáng 27/5, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã trình Quốc hội dự thảo sửa đổi luật, trong đó đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên tối đa 3 tháng, thị thực điện tử (e-visa) có giá trị nhiều lần thay vì một lần như trước, mở rộng diện cấp e-visa (hiện có 80 nước) và nâng thời hạn tạm trú từ 15 lên 45 ngày, nâng số nước đơn phương cấp thị thực (hiện 25 nước).
Ông Phạm Hà, CEO Lux Group – đơn vị chuyên khai thác sản phẩm du thuyền nghỉ dưỡng – nói không chỉ các đơn vị ở Việt Nam mà cả đối tác nước ngoài cũng đang chờ đợi việc sửa đổi. Tới nay Việt Nam mới xem xét sửa đổi chính sách visa cho khách quốc tế là “hơi chậm” nhưng “vẫn tốt hơn không”.
Ông dẫn chứng Thái Lan có tới 7 lần thay đổi chính sách liên quan đến xuất, nhập, quá cảnh và lưu trú đối với người nước ngoài từ khi mở cửa. Vì thế, Việt Nam cũng cần linh hoạt hơn để thích ứng, “tránh vụt mất cơ hội đón khách quốc tế như thời gian qua”.
Khách quốc tế đến Việt Nam vào quý I, giai đoạn cao điểm, ước đạt 2,7 triệu lượt, bằng 60% trước dịch, trong khi mục tiêu cả năm là 8 triệu. Năm 2022 khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,5 triệu lượt, khoảng 70% so với kế hoạch và bằng 19% so với kết quả năm 2019.
Trong khi đó, Thái Lan vượt mục tiêu về lượng khách du lịch trong quý I, với gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế. Nước này kỳ vọng ít nhất 30 triệu khách quốc tế sẽ đến trong năm nay, với tổng chi tiêu lên đến 1,5 nghìn tỷ baht (gần 44 tỷ USD). Năm 2022 Thái Lan cũng vượt qua mục tiêu 10 triệu, khi đón hơn 11 triệu lượt khách quốc tế.
Ông Hoàng, đại diện một doanh nghiệp chuyên đón khách Đông Nam Á, cho rằng Việt Nam đã “đúng và trúng” khi mở cửa du lịch sớm vào tháng 3/2022, thời điểm chưa nhiều nước làm điều tương tự. Dù vậy, suốt một năm qua, chính sách về nhập cảnh, lưu trú cho khách quốc tế gần như không đổi, khiến sự phục hồi du lịch của Việt Nam chậm so với các nước trong khu vực.
Hồi tháng 2, đài CNBC công bố bảng thống kê về tốc độ hồi phục du lịch của các nước Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 7 với tỷ lệ phục hồi là 19%, kém xa nhóm dẫn đầu gồm Campuchia (35%), Indonesia (34%), Singapore (33%).
Ông Hoàng kiến nghị cần “khôi phục ngay” chính sách visa như trước dịch Covid-19, đồng thời mở rộng thêm danh sách miễn thị thực. Trước dịch, du khách xin visa vào Việt Nam theo dạng công văn nhập cảnh có thể lưu trú tối đa 3 tháng. Tuy nhiên, hiện du khách chỉ có thể ở tối đa 30 ngày.
“Các khách của tôi yêu thích Việt Nam hơn các nước Lào, Campuchia… Tuy nhiên, chính sách visa phức tạp, hạn chế của chúng ta đang cản trở họ đến đây du lịch”, ông nói.
John Keefe, du khách Australia, từng tới Việt Nam năm 1994 và quay trở lại vào năm ngoái, nói chính sách visa hiện tại của Việt Nam “đang không có lợi cho cả hai phía” – du khách lẫn Việt Nam. 30 ngày lưu trú là không đủ với cá nhân Keefe khi ông thích dành khoảng một tuần tại mỗi điểm đến. Keefe kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm nâng thời gian lưu trú lên 90 ngày.
“Tôi biết nhiều người buộc phải rời Việt Nam dù họ chưa muốn. Các bạn đã tự đánh rơi rất nhiều tiền từ những du khách như thế”, ông nói.
PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng cởi mở trong chính sách visa sẽ đem đến “lợi ích kép”.
Việc khách quốc tế nhìn nhận Việt Nam là điểm đến hấp dẫn hay không phụ thuộc chính sách visa. Độ mở về chính sách visa theo Nghị quyết 82/NQ-CP là tiêu chí để so sánh năng lực phát triển du lịch Việt Nam và lữ hành của điểm đến. Khi chính sách visa cởi mở hơn được Quốc hội thông qua, Việt Nam hứa hẹn thu hút nhiều du khách quốc tế hơn và với thời gian lưu trú của họ được lâu hơn, chi tiêu của du khách sẽ lớn hơn.
“Chúng ta sẽ đạt ‘lợi ích kép’ là vừa tăng số lượng khách, vừa tăng mức chi tiêu của khách”, ông Long trả lời.
Bênh cạnh đó, PGS.TS Phạm Hồng Long đề xuất việc cấp visa điện tử nên được mở rộng cho tất cả các quốc gia. Thủ tục visa tại chỗ cũng cần thuận tiện, dễ dàng hơn cho du khách. Các thị trường khách có mức chi tiêu cao như Đức, Italy, Thụy Sĩ, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển cần được tăng số ngày lưu trú lên tối đa 3 tháng.
Theo ông Long, nhiều quốc gia đã và đang tạo đòn bẩy du lịch hiệu quả từ chính sách visa. Singapore miễn visa cho công dân 162 nước; du khách nước ngoài có thể lưu trú tới 90 ngày và có thể tiếp tục gia hạn thêm từ 30 đến 89 ngày. Gần đây, Singapore còn công bố chính sách “visa tinh hoa” với thị thực có thời hạn 5 năm.
Ông Phạm Hà cho rằng thay đổi chính sách visa trước mắt sẽ tác động đến những thị trường gần, quanh khu vực châu Á. Để có thể hấp dẫn những thị trường xa, có sức chi cao, Việt Nam cần có các đường bay thuận tiện, hạ tầng tốt để khách đến dễ dàng và có nhiều trải nghiệm.
Ngoài ra, ông mong muốn Việt Nam định vị lại thương hiệu quốc gia, tập trung vào một số thị trường mục tiêu chất lượng, thay vì chỉ quan tâm số lượng và tận dung ưu thế là điểm đến với nhiều khu nghỉ dưỡng biển nổi tiếng thế giới. Điều này sẽ giúp khách từ các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Trung Đông, Đông Âu gia tăng.
Tú Nguyễn