Các chuyên gia cho rằng du lịch Việt năm 2024 còn nhiều thách thức nếu các nút thắt năm 2023 như vé máy bay không được tháo gỡ, khiến khách tiếp tục rời bỏ sân nhà.
Theo bà Đinh Thị Thu Thảo, Giám đốc Thương mại của Mustgo, nền tảng đặt phòng với 2.000 đối tác toàn quốc, tình hình du lịch nội địa trong năm 2024 sẽ còn gặp nhiều thử thách. Bà Thảo nhận xét ngành du lịch sẽ tiếp tục phục hồi nhưng trong giai đoạn suy thoái kinh tế, khách hàng có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn.
Một số hãng hàng không lớn như Bamboo Airways hay nhỏ hơn như Pacific Airlines, Vietravel Airlines cũng đã cắt khá nhiều tàu bay, đường bay đến các địa điểm du lịch lớn như Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, khiến giá vé máy bay tăng cao, khó tiếp cận. Ngoài ra, giá vé máy bay có thể tăng khi mức trần mới được áp dụng từ 1/3/2024.
Thông tin từ các đối tác của Mustgo cho thấy để đối mặt với điều này, nhiều khách sạn khu vực biển đã đưa ra chương trình khuyến mại, kích cầu sớm, kỳ vọng lượng khách sẽ không sụt giảm so với năm 2023.
“Tôi nghĩ các điểm đến nội địa phụ thuộc vào đường bay sẽ gặp khó, đặc biệt khi việc xuất ngoại ngày càng dễ với chi phí không quá cao”, bà Thảo nói.
Giám đốc marketing Bùi Thanh Tú của Best Price dự đoán khách nội địa chuyển hướng đi du lịch đường bộ, kéo dài 1-2 đêm. Việc lưu trú ít khiến tỷ lệ lấp đầy của các khách sạn thấp đáng kể.
Ông Tú cũng chỉ ra hoạt động về đêm nghèo nàn khiến khách cũng không mặn mà du lịch trong nước. Nếu điểm qua, hoạt động đêm chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu ở các thành phố như Hà Nội, TP HCM, Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long. Các vấn đề khác như chặt chém, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là lý do cản trở du lịch nội địa.
Trong khi đó, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch Châu Á (ATI), nhận xét năm 2023 đã phản ánh sự hỗn loạn của du lịch nội địa khi thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành, hàng không và chính điểm đến. Vì thế, sang năm mới, ngành du lịch cần sự hợp tác chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi cho tất cả bên tham gia. Điều đó thể hiện qua việc thiết lập các cơ chế hỗ trợ và đảm bảo trong quá trình hợp tác, đồng thời tạo ra những chính sách thúc đẩy, khuyến khích hợp tác bền vững.
“Vấn đề hợp tác giữa ba bên nói trên vẫn là bài toán khó giải”, ông Quỳnh nói. Hiện tại, ông Quỳnh đánh giá các bên còn hoạt động riêng lẻ, hàng không chưa thể mượn sức từ doanh nghiệp lữ hành và ngược lại.
Bà Phạm Phương Anh, Tổng giám đốc Du lịch Việt, chung quan điểm và cho biết muốn sản phẩm du lịch nội địa cạnh tranh, yếu tố giá vận chuyển đầu vào như máy bay, xe cần ổn định. Giá đầu vào ổn định sẽ giúp các doanh nghiệp lữ hành có chiến lược xây dựng sản phẩm sớm, chất lượng và các chương trình quảng bá phù hợp đến đông đảo du khách.
Tuy còn nhiều khó khăn, đại diện Best Price nói có thể nhìn thấy nhiều triển vọng ở khía cạnh tour đường bộ nhờ giao thông thuận lợi. Năm 2023, việc cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đi vào hoạt động đem lại tín hiệu khá tích cực cho du lịch Bình Thuận. Các sự kiện thể thao, âm nhạc quốc tế được tổ chức ở Việt Nam sắp tới cũng sẽ góp phần thúc đẩy lượng khách nội địa lẫn xây dựng hình ảnh ra ngoài thế giới.
Sang năm, đại diện nhiều doanh nghiệp dự báo các sản phẩm du lịch nước ngoài vẫn chiếm ưu thế. Bà Trần Phương Linh – Giám đốc Tiếp thị, Công nghệ Thông tin của BenThanh Tourist, nói các điểm đến nước ngoài có sức hút từ cảnh quan, văn hóa và sự ổn định trong chi phí, chất lượng dịch vụ.
Từ quý IV năm 2023, công ty đã nhận thấy du khách Việt Nam có xu hướng ưu tiên dòng tour cao cấp, chi phí từ 35 triệu đồng mỗi người, hành trình dài ngày đến các thị trường xa và dự đoán đây là một trong những ưu tiên lựa chọn của du khách trong năm 2024.
Best Price thống kê tỷ lệ khách đặt những tour giá tầm trung – cao năm 2023 có mức tăng đáng kể so với năm 2019. Khách đặt tour Nhật Bản năm 2019 chiếm gần 1,5% tổng khách đã tăng lên gần 7,7% vào năm 2023; tương tự, tour Hàn Quốc tăng từ 4,4% lên 14%; châu Âu từ gần 0,1% lên 2,7% hay Đài Loan từ gần 1% lên 8,1%.
Công ty này dự báo thị trường du lịch nước ngoài vẫn sôi động, đặc biệt ở các thị trường tầm trung – cao cấp như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong hay Australia. Đây là các thị trường của những khách có mức thu nhập trung bình cao trở lên, ít chịu tác động từ suy thoái kinh tế. Các hoạt động ngoại giao trong năm 2023 giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Trung Quốc cũng hứa hẹn tác động tích cực tới hoạt động du lịch.
Cuối năm 2023, Google đưa ra một báo cáo về tình hình tổng quan của Việt Nam, trong đó cho thấy “nhóm người có mức chi tiêu cao chi tiêu nhiều hơn trung bình 5,4 lần so với nhóm người có mức chi tiêu thấp hơn”. Ở khía cạnh du lịch, nhóm chi tiêu cao chi gấp 4,9 lần nhóm chi tiêu thấp.
“Chúng tôi thấy sự dịch chuyển khá lớn về dịch vụ khách hàng đi tour, các sản phẩm trung cao cấp đang có sự tăng trưởng mạnh. Đây là nhóm khách hàng ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế”, ông Tú nói.
Đại diện Du lịch Việt cùng chung nhận xét về tín hiệu tích cực của thị trường outbound, nhấn mạnh khách hàng chi tiêu cao không quan tâm nhiều về giá. Bên cạnh nhu cầu lớn từ khách hàng, mức giá các tour nước ngoài cũng ít tăng trong năm tới. Về các tour tầm trung, bà Phương Anh nói có hiện tượng “cạnh tranh thiếu lành mạnh”, “giá rẻ nhưng chất lượng kém”. Vì thế, du khách cần cẩn trọng khi lựa chọn trong năm tới.
Trong “Dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024” Cục Du lịch Quốc gia công bố hôm 29/12, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024 sau khi năm 2023 thu hút 12,6 triệu lượt, bằng 70% so với trước dịch. Với mục tiêu này, du lịch Việt dự kiến phục hồi 95-100% so với năm 2019.
“Tôi nghĩ mức tăng 30% so với năm 2023 là đủ để phản ánh sự phục hồi tốt của ngành du lịch Việt Nam. Việc đạt 100% như năm 2019 vẫn còn khó trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp điêu đứng”, ông Quỳnh nói.
Ông cho biết việc đồng ý cho công dân tất cả quốc gia trên thế giới xin e-visa là “điểm sáng” trong nỗ lực thu hút khách du lịch quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề thời gian chờ lâu và quá trình xin e-visa không suôn sẻ vẫn là thách thức cần được giải quyết. Vì thế, ông Quỳnh kỳ vọng có sự đổi mới tiếp trong chính sách visa để thu hút khách du lịch hơn.
Theo ông Đặng Mạnh Phước, CEO The Outboux Company, công ty nghiên cứu thị trường du lịch tại Việt Nam, năm 2023, khách châu Á đang chiếm tới hơn 50% tổng lượng khách quốc tế đến khu vực Đông Nam Á. Nếu không tính Trung Quốc, con số này là xấp xỉ 40%.
Tính đến hết quý III năm nay, thị trường châu Á mới phục hồi được khoảng 62%, thuộc hàng thấp nhất thế giới. Trong khi đó, tỷ lệ phục hồi của thị trường châu Âu cùng thời điểm đã là 94%. Lý giải sự sụt giảm của khách Âu tại các quốc gia châu Á trong năm nay và các năm trước, ông Phước nói xét ở quy mô tổng thể, khách du lịch toàn cầu đang thay đổi nhu cầu du lịch, bên cạnh các yếu tố khách quan về kinh tế khác.
“Du khách ưu tiên chuyến đi gần, du lịch nội khối. Vì thế, tỷ lệ phục hồi của thị trường châu Âu tốt nhưng khách châu Âu đến châu Á lại thấp”, ông Phước cho biết.
Do đó, đại diện Outbox nói thị trường châu Á vẫn sẽ là động lực chính của du lịch khu vực, trong đó có Việt Nam. Trong năm 2023 và cả những năm tới, thị phần khách cá nhân của thị trường châu Á đang tăng nhanh chóng. Điều này buộc các công ty du lịch cần thay đổi cách tiếp cận cũ vốn phổ biến ở Việt Nam là chỉ ưu tiên các chuyến charter, trọn gói, giá rẻ.
Tú Nguyễn