Từng là một huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang với số hộ nghèo chiếm tới 60%, những năm gần đây, nhờ áp dụng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc thiểu số, đời sống người dân Mèo Vạc đã đổi thay rõ nét.
Dù mới tháng Ba nhưng tới thời điểm này, Mèo Vạc đã đón một lượng lớn du khách, cả nội địa lẫn quốc tế ghé thăm các điểm đến du lịch nổi tiếng như đèo Mã Pí Lèng, hẻm vực Tu Sản, sông Nho Quế, chợ tình Khâu Vai… Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm, lượng du khách đến với huyện rẻo cao của tỉnh Hà Giang đã tăng 180% so với cùng kỳ.
Những ngày này, nhiều nẻo đường dẫn đến các làng văn hóa dân tộc của huyện Mèo Vạc luôn chật kín những đoàn xe du lịch lớn nhỏ. Lượng du khách đổ về nơi đây mỗi dịp cuối tuần lên tới hàng trăm người, nhiều người phải đặt trước khá lâu mới có chỗ.
Một góc dòng sông Nho Quế (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) nhìn từ trên cao. (Ảnh: Hồng Châu) |
Sức hút từ mô hình du lịch cộng đồng
Kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều địa phương, trong đó có huyện Mèo Vạc bắt đầu nghiên cứu triển khai mô hình du lịch cộng đồng nhằm nâng cao đời sống kinh tế – xã hội, tạo sinh kế cho người dân.
Hiện huyện Mèo Vạc có 5 làng văn hóa du lịch cộng đồng: Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông (thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi), Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Lô Lô (thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc), Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Giấy (thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà), Làng văn hóa du lịch dân tộc Tày (xã Niêm Sơn), Làng văn hóa du lịch dân tộc Nùng (thôn Khâu Vai, xã Khâu Vai).
Nằm yên bình dưới chân đèo Mã Pí Lèng, Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pả Vi Hạ (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc) tựa như một bông hoa rực rỡ với cảnh sắc thơ mộng ở nơi địa đầu Tổ quốc. Là nơi sinh sống của 26 hộ dân tộc người Mông với không gian đậm đà bản sắc văn hóa, từ năm 2019, làng chính thức được cấp phép kinh doanh dịch vụ homestay, triển khai hoạt động đón khách du lịch.
Ông Thò Mí Pó – Trưởng thôn Pả Vi Hạ cho biết, trước khi có mô hình du lịch cộng đồng, người Mông ở đây chủ yếu trồng ngô, chăn nuôi gia súc nhỏ, đời sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn, thường xuyên thiếu nước và điện phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất.
Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông (thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi). (Ảnh: Hồng Châu) |
“Ban đầu khi vận động người dân cùng tham gia triển khai mô hình làng du lịch cộng đồng, chính quyền xã và thôn gặp rất nhiều khó khăn do phần lớn là đồng bào người dân tộc thiểu số, hiểu biết còn hạn chế. Tuy nhiên, sau một thời gian kiên trì thuyết phục để bà con thấy rõ được lợi ích của mô hình, nhiều người đã đồng ý quyết tâm chung tay cùng chính quyền xây dựng”, ông Pó thông tin.
Theo chồng lên Mèo Vạc sinh sống cách đây 15 năm, nhận thấy lượng khách du lịch đến với Hà Giang gia tăng đáng kể, chị Hoàng Thị Hiên, chủ Pả Vi Homestay đã bàn với gia đình tham gia đầu tư và kinh doanh homestay tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông (thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi).
Do chi phí đầu tư xây dựng khá lớn, gia đình thời gian đầu cũng có lúc đắn đo, lưỡng lự nhưng nhìn thấy những tiềm năng và triển vọng của mô hình này, gia đình chị Hiên đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để triển khai. Sau vài năm làm homestay, đời sống của gia đình chị Hiên đã được nâng cao rõ rệt, thu nhập hàng tháng lên tới 30-40 triệu đồng, gấp nhiều lần so với hoạt động nông nghiệp trước kia. Không chỉ cải thiện đời sống gia đình, homestay của chị Hiên còn góp phần tạo công ăn việc làm cho các lao động trẻ người địa phương. Hiện homestay có 3-5 lao động thường xuyên và thời vụ, thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng/người.
“Khi mới đi vào hoạt động, các hộ dân kinh doanh homestay đều khá bỡ ngỡ, từ vận hành cơ sở vật chất cho đến làm dịch vụ. Tuy nhiên, được sự tư vấn, góp ý của chính quyền huyện, người dân… chúng tôi dần hoàn thiện để bảo đảm tốt nhất nhu cầu của khách du lịch. Kết thúc 2 năm Covid-19, homestay của chúng tôi đón lượng khách khá ổn định và gia tăng hàng năm. Trung bình mỗi ngày Pả Vi Homestay đón khoảng hơn 20 lượt khách, đặc biệt tăng mạnh vào dịp cuối tuần. Vào những dịp lễ, du khách nếu không đặt trước thì sẽ không có phòng”, chị Hiên cho hay.
Cũng theo chị Hiên, kể từ khi huyện Mèo Vạc đưa vào triển khai rộng rãi mô hình du lịch cộng đồng, các chủ homestay thường xuyên được chính quyền xã, huyện tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch, buồng phòng lễ tân; tham quan học tập kinh nghiệm các điểm du lịch cộng đồng ở nhiều tỉnh, thành như Hòa Bình, Sơn La, Mộc Châu…
Chị Hoàng Thị Hiên, chủ Pả Vi Homestay tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông. (Ảnh: Hồng Châu) |
Nhanh chóng nắm bắt công nghệ và sự phổ biến của mạng xã hội, đặc biệt là thông qua các ứng dụng đặt phòng du lịch phổ biến như Agoda, Booking… nhiều chủ homestay trong làng tiếp cận dễ dàng hơn với lượng khách quốc tế, đặc biệt là khách nội địa là giới trẻ thích khám phá văn hóa bản địa và cảnh sắc vùng cao.
Hà Thu Thảo (24 tuổi, Hà Nội) đã quyết định lựa chọn Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thay vì đặt phòng tại một khách sạn ở thị trấn Mèo Vạc vì muốn được trải nghiệm cuộc sống của người dân tộc nơi đây.
“Trong 3 ngày lưu trú tại đây em đã có những kỷ niệm rất đáng nhớ khi được thưởng thức các món ăn dân tộc đặc sắc; tham gia những trò chơi dân gian như ném pao, đá cầu, bập bênh, đánh đu…; hòa mình vào những bài hát dân ca của người Mông”, Thảo hào hứng chia sẻ.
Gắn bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển bền vững
Trao đổi với TG&VN, ông Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cho biết, huyện Mèo Vạc gồm 18 xã, thị trấn với 199 thôn, tổ dân phố, 17 dân tộc cùng chung sống, hơn 17.200 hộ dân, trong đó cộng đồng dân tộc Mông chiếm 78%. Là một trong 4 huyện nằm trong vùng Công viên địa chất toàn cầu, công viên đá Đồng Văn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, Mèo Vạc xác định bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống cũng như phát triển du lịch cộng đồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
“Sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế, trong 2 năm 2022-2023, lượng khách du lịch đến Mèo Vạc tăng đột biến, đặc biệt trong dịp đầu năm 2024. Đến nay, Mèo Vạc đã đón trên 300.000 lượt khách, trong đó lượt khách quốc tế chiếm khoảng 30%. Mèo Vạc định hướng phát triển du lịch nhưng gắn với bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống, phát triển bền vững, thân thiện về cảnh quan, quản lý chặt chẽ để không bị phá vỡ quy hoạch”, ông Cường khẳng định.
Theo ông Ngô Mạnh Cường, mỗi làng văn hóa du lịch của từng dân tộc lại có bản sắc văn hóa, từ trang phục đến món ăn với những đặc sắc riêng biệt. Việc triển khai các mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng đã mang lại giá trị kinh tế, tạo công văn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo bền vững cho huyện Mèo Vạc.
Thời gian tới, trên cơ sở thành công của mô hình Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông tại xã Pả Vi, tới đây, huyện sẽ đẩy mạnh xây dựng một làng du lịch văn hóa cộng đồng của người Lô Lô ngay chính tại thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc để thu hút thêm khách du lịch.
Ông Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc trao đổi với báo chí. (Ảnh: Giáng Hương) |
“Người Lô Lô có những bản sắc rất riêng, không ở đâu có. Ngoài trang phục rất đẹp mắt, người Lô Lô còn lao động chăm chỉ, hát hay, múa dẻo… Cái gì họ cũng làm tốt. Người Lô Lô là một trong 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người, cần phải bảo tồn. Khi quy hoạch xây dựng làng văn hóa của người Lô Lô, chúng tôi cũng sẽ rất chú trọng đến việc thể hiện bản sắc văn hóa của họ. Quy hoạch như vậy để cơ sở hạ tầng tốt hơn, đón được nhiều khách cùng lúc và các phương tiện có thể di chuyển dễ dàng”, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc nhấn mạnh.
Bên cạnh bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, để tăng sức hút và uy tín cho du lịch Mèo Vạc nói riêng và của tỉnh Hà Giang nói chung, chính quyền huyện cũng xác định đến với Mèo Vạc là đến với du lịch xanh, du lịch thân thiện, hạn chế và xử lý nghiêm những trường hợp du lịch chặt chém, gây phản cảm cho du khách.
“Kết hợp cùng lực lượng công an, UBND huyện, xã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh những nhà hàng, cơ sở lưu trú có biểu hiện chặt chém, tăng giá bất thường, đặc biệt là các dịp lễ, tết, mục tiêu chung là tạo ấn tượng tốt nhất cho du khách khi đến với Mèo Vạc, Hà Giang”, ông Cường thông tin.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm và đồng lòng của chính quyền và người dân trong việc phát triển và nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng, thời gian tới, huyện Mèo Vạc kỳ vọng sẽ khoác thêm nhiều “tấm áo mới”, trở thành một địa chỉ đỏ về du lịch không chỉ của tỉnh Hà Giang mà còn trên cả nước.