Miền biển bãi ngang Kê Gà (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam) địa danh du lịch có thắng cảnh nổi tiếng là tháp hải đăng Kê Gà hơn trăm năm tuổi. Bờ biển có rặng phi lao cổ thụ nép bóng bên cồn cát duyên hải còn đậm nét hoang sơ, ngọn sóng bạc đầu đùa vui bãi cát và gió đại dương vượt hành trình ngàn dặm là giai điệu hoành tráng, sinh động, rộn ràng hấp dẫn du khách hội tụ về.
Miền biển nơi đó có giai điệu rộn ràng dễ thương quyến rũ lòng tôi không chỉ một lần. Mỗi khi lòng nhớ là tôi lên đường tới bãi ngang Kê Gà để nhìn ngắm, lắng nghe không bao giờ chán.
Kỷ niệm lần ấy, sau ngày rong chơi trên đảo hải đăng, tôi nghỉ đêm ở phòng trọ thôn Kê Gà. Tôi thức dậy từ sớm tinh sương nghe vang vọng tiếng máy ghe nổ bành bạch, tiếng người gọi nhau ơi ới. Tôi rảo bước theo bờ biển ngắm và nghe sự vận động của cuộc sống bãi ngang. 4 giờ khuya, thời khắc giao hòa giữa ngày và đêm, khi làn sương mờ còn lãng đãng trên khói sóng, đằng đông ưng ửng chân trời, bãi ngang đã chộn rộn vang lên giai điệu ngày mới. Từ ngoài khơi, những thuyền thúng, thuyền nhỏ – chắc là nhỏ nhất trong các bạn thuyền – lần lượt tiến vào bờ. Tiếng chân vịt bành bạch đẩy nước vọng tới gần bờ rồi dừng hẳn.
Ấy là lúc xôn xao, chộn rộn. Đàn ông, thanh niên vai u đùi bắp thoăn thoắt gánh cá, khiêng cá lên bãi. Đàn bà, con gái lựa cá, chọn cá, ra giá, trả giá, thuận mua, vừa bán. Khách mua cá lái xe hon đa kẹp hai giỏ bội từ các chợ xã tập trung về bãi từ sớm. Tiếng cười rang rảng; tiếng gọi râm ran; tiếng nói to rền hòa lẫn vào nhau tạo nên giai điệu hợp xướng rộn ràng át tiếng sóng biển.
Tôi cảm thấy vui sướng khi được ngắm nhìn những đồng tiền lẻ chuyển động trao tay; những đồng tiền lẻ thấm đẫm ướt mềm; những đồng tiền lẻ ôm trọn mùi vị mặn nồng của biển; những đồng tiền lẻ gói ghém sự lao khổ gắng công của ngư dân. Mạch đập cuộc sống sôi động, mạnh mẽ, rộn ràng tạo nên luồng sinh khí nhiệt thành đầy năng lượng như làn gió biển thổi ào ạt căng đầy lồng ngực.
Những con sóng biển len lén, thẹn thò buồn ý vì không ai ngó tới chúng; không ai ngó tới mặt trời như cái dĩa to tướng màu vàng cam từ từ ló lên nơi khơi xa; cũng không ai ngó tới một cánh quạt hồng khổng lồ lộng lẫy đang xòe ra trên đại dương. Tất cả mọi người đều tập trung ánh nhìn vào những mẻ cá tươi chông. Thuyền gặp may trúng đậm luồng cá hơn một tấn. Chủ thuyền mặt rạng rỡ tay cầm nắm tiền trả công cho bạn. Cũng có thuyền về vài chục ký cá đủ ăn trong ngày, cũng không lo buồn, không được bữa nay, mình được bữa khác. Cá tươi được xếp gọn vào các giỏ, các sịa, các ky tỏa đi bốn phương. Phương nào xa, cá vận chuyển đi có đá lạnh xay ướp vào. Phương nào gần xe máy chở cá bon bon nửa giờ là tới chợ sáng, cá vẫn còn tươi ngon.
Bãi ngang không cãi cọ lộn xộn, không thấy giật dọc, móc túi, cũng không thấy bảo vệ, dân phòng. Tôi thấy tình người hồn hậu nơi chủ thuyền và bạn thuyền. “Mớ cá bạn cứ đem về ăn, bạn lấy thêm ăn cho đủ, không lấy tiền bạn”. Thỉnh thoảng, trong ý nghĩ, không nói ra: “Bạn nghèo nên bạn mới lấy mớ cá để ăn, không thèm trách bạn làm chi”. Du khách chịu khó cởi giày kẹp nách, xắn quần quá gối lỏm bỏm lội ra thuyền mua ký cá tươi, chủ thuyền hào phóng bán cá ngon rẻ. Khách sướng rơn ngó màu xanh biển trên lưng cá tươi chắc cứng. Cời bếp lửa than hồng, thưởng thức cá nướng chấm muối ớt ngay tại bãi ngang, thêm xị rượu ngon để tăng khoái khẩu ẩm thực dân dã. Tay bóc cá nướng cháy vàng nhểu mỡ thơm ngậy, phổng mũi hít hà, chu miệng thổi phù phù, nước miếng tứa ra đầu lưỡi. Nhậu hết ký cá nướng, bạn còn thòm thèm. Nếu bạn có nhu cầu ẩm thực cao hơn, muốn nhậu mực hấp gừng hoặc tôm nướng me, bên cạnh bãi ngang cũng có quán bán hải sản tươi sống bơi lội vòng vòng trong hồ ôxy.
Bãi ngang là miền biển của thuyền thúng, thuyền nhỏ đánh bắt hải sản gần bờ, không có năng lực vươn khơi xa. Bãi ngang là làng chài của nhóm cư dân đời sống còn khó khăn, vất vả. Bãi ngang là bến đợi thuyền về, là bãi cát rộng dài đủ chỗ cho thuyền thúng mươi cái lên bờ nghỉ xả hơi; đủ chỗ cho đàn bà, con gái ngồi vá lưới lúc chiều êm; đủ chỗ cho trăm người bán, người mua những mẻ cá tươi; đủ chỗ cho vài quán hàng ăn uống, tạp hóa; và có cả máy xay đá lạnh bạnh quai hàm kêu rầm rập.
Mùa bấc thổi cát rát mặt, bãi ngang “chạy” qua bên kia. Mùa nam dào dạt, bãi ngang lại về bên này. Cứ thế, mỗi năm hai bận chạy đi rồi lại về. Trăm con người nương nhờ theo bãi, đánh bắt, mua bán hải sản. Nơi đây con người có tay chân cơ bắp to khỏe để kéo lưới, kéo thuyền; vai rộng, ngực dày để đương đầu sóng gió. Đàn bà nói nhanh, nói to. Đàn ông bước lẹ, bước chắc. Không phải là hối hả, lật đật, cũng không phải bị rượt đuổi, lấn át. Mà chính là cuộc sống của bãi ngang đã hình thành nhịp điệu từ muôn thuở: 4 giờ khuya, bãi ngang rộ lên đông đúc, tới 8 giờ sáng là vắng lặng, quán hàng khép cửa. Trên bãi chỉ còn những thuyền thúng nằm trơ vơ dưới nắng chói chang. Nắng càng gắt thì gió càng mạnh. Mấy chục nóc nhà cúi thấp “né” ngọn gió biển thổi sóng cát tràn qua.
Chuyến du lịch bãi ngang Kê Gà, bạn cảm nhận niềm hạnh phúc, du lịch là được hưởng thụ vật chất và tinh thần; được ăn, uống ngon, lành; được thưởng ngoạn phong cảnh đẹp, lạ; được hít thở không khí tinh sạch; được biết người dân hiền hòa, chân chất, nơi miền biển quê hương mình. Chắc rằng bạn sẽ như tôi, khi vẫy tay chào tạm biệt Kê Gà, bạn cảm thấy vui sướng hẹn ngày trở lại.
Riêng tôi thích ngắm biểu cảm sinh động, dễ thương trên khuôn mặt của người bán, người mua những mẻ cá tươi ngon lành; ngắm sự chuyển động trao tay của những đồng tiền lẻ ướt mềm, thấm đẫm hương vị mặn nồng của biển. Đó là những luồng sinh khí mạnh mẽ nhất, hấp dẫn nhất thôi thúc dòng chảy cuộc sống mãi mãi vận động hướng về phía trước.