Nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Bình Ðịnh (31.3.1975 - 31.3.2025), Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh tổ chức trưng bày tài liệu lưu trữ với chủ đề “Bình Ðịnh - 50 năm xây dựng và phát triển”, tái hiện những chặng đường lịch sử đáng tự hào của quê hương.
Từ lịch sử hào hùng đến khát vọng vươn xa
Trưng bày diễn ra từ ngày 28.3 - 5.5, giới thiệu hơn 1.000 tài liệu, tư liệu, hình ảnh qua hệ thống các pa nô ngoài trời, phòng trưng bày các nội dung theo 3 chủ đề.
Ở chủ đề thứ nhất “Phát huy hào khí Tây Sơn, kiên cường quật khởi, tốc chiến tốc thắng”, khách tham quan được xem nhiều tài liệu, tư liệu, hình ảnh tái hiện những mốc son lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ (từ năm 1954 đến năm 1975), các sự kiện tiêu biểu trong kháng chiến chống Mỹ: Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh, Chiến thắng An Lão, Chiến thắng Thuận Ninh (Tây Sơn), Chiến thắng Đồi 10 (Hoài Nhơn), Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu (Phù Mỹ)…, giải phóng tỉnh Bình Định và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975).
Khách tham quan trưng bày. Ảnh: H.THU |
Không gian trưng bày thêm phần sinh động với các mô hình tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh, Chiến thắng Quy Nhơn. Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Bộ CHQS tỉnh Bình Định, còn có một số hiện vật quý trong kháng chiến chống Mỹ được trưng bày, như chiếc võng của cụ Trần Dụ (Mỹ Đức, Phù Mỹ) từng dùng để cùng bà con vận chuyển nhiều thương binh, hay khung nắp hầm bí mật ở An Nhơn - nơi nuôi giấu thương binh, cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Ngoài ra còn phần giới thiệu thông tin, tư liệu về nhiều liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng LLVT nhân dân, anh hùng lao động… của quê hương Bình Định.
Trưng bày mô hình Tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh. Ảnh: H.THU |
Chủ đề thứ hai “Trên đường đổi mới và phát triển” (từ năm 1975 đến nay) giới thiệu tài liệu, tư liệu, hình ảnh chứng minh những thành tựu nổi bật, quyết tâm thực hiện đổi mới, xây dựng Bình Định giàu đẹp và thịnh vượng cũng như định hướng quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, tại đây còn có khu vực riêng dành để trưng bày các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng văn hóa và sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh.
Chủ đề thứ ba về “Danh xưng và địa giới hành chính tỉnh Bình Định” với nhiều tài liệu, tư liệu lịch sử có giá trị, bản đồ, tư liệu về địa giới hành chính tỉnh Bình Định. Theo ông Lâm Trường Định, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, Trung tâm dành riêng một phòng thực hiện trưng bày chủ đề này, nhằm bám sát vấn đề thời sự hiện nay được mọi người quan tâm, đó là sắp xếp đơn vị hành chính, sáp nhập các tỉnh trong cả nước.
Tờ mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy Mặt trận tỉnh Bình Định ngày 3.3.1975. Ảnh: H.THU |
Ông Định cho biết: Chủ đề thứ ba giới thiệu với khách tham quan nhiều thông tin về tên gọi của vùng đất Bình Định gắn với lịch sử hình thành và phát triển, cùng nhiều bản đồ, tư liệu về địa giới hành chính tỉnh. Như tấm bản đồ thời Pháp thuộc cho thấy tỉnh Bình Định rộng lớn hơn bây giờ nhiều, trong đó có cả những khu vực thuộc các tỉnh Tây Nguyên ngày nay.
Khơi dậy niềm tự hào về một thời hoa lửa
Trưng bày đã thu hút được nhiều người ở gần xa quan tâm đến tham quan, trong đó có ông Phạm Đình Phong (73 tuổi, quê TX An Nhơn, đang sống tại TP Hồ Chí Minh). Ông Phong cảm thấy rất ý nghĩa khi được xem nhiều hình ảnh, tư liệu về cuộc chiến đấu anh hùng của quân và dân tỉnh Bình Định nhân dịp 50 năm giải phóng quê hương.
Một số hiện vật có giá trị trong kháng chiến chống Mỹ được trưng bày thu hút nhiều người xem và tìm hiểu. Ảnh: H.THU |
“Đặc biệt, tôi vô cùng xúc động khi thấy hình ảnh tại Bình Định thời điểm chuyển quân tập kết ra Bắc. Bởi năm 1954, khi tôi mới 2 tuổi, ông ngoại và cha tôi cũng nằm trong số những người con Bình Định đi tập kết. Đến khi giải phóng tỉnh năm 1975, cha tôi trở về tìm gặp thì tôi mới lần đầu tiên biết mặt ông; còn ông ngoại đã hy sinh ở miền Bắc”, ông Phong chia sẻ.
Nhiều tư liệu, tài liệu có giá trị như tờ mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy Mặt trận tỉnh Bình Định ngày 3.3.1975, được trưng bày trang trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều người về một thời khắc lịch sử đầy cam go, khi Hiệp định Paris bị phá vỡ, quân và dân ta buộc phải tiếp tục cầm súng chiến đấu để bảo vệ thành quả cách mạng.
Trưng bày hồ sơ, kỷ vật của những cán bộ người Bình Định đi B. Ảnh: H.THU |
Từng câu, từng chữ trong mệnh lệnh thấm đẫm tinh thần quật khởi, ý chí kiên cường của quân dân Bình Định, với lời hiệu triệu vang dội, thúc giục: “Bộ Chỉ huy Mặt trận tỉnh Bình Định ra lệnh: Các LLVT nhân dân giải phóng hãy thần tốc ra quân với khí thế tấn công như sấm vang, chớp giật, kiên quyết đánh thắng trận đầu, diệt thật gọn, bắt tù binh, thu vũ khí, thừa thắng tiến nhanh bao vây, tấn công liên tục, diệt cho kỳ được những đơn vị ác ôn ngoan cố, nòng cốt của địch, quét nhanh, quét sạch chỗ dựa của chúng ở nông thôn để hỗ trợ đắc lực cho đồng bào nổi dậy, giải phóng thôn, xã…”.
Trưng bày đã góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm trong công cuộc phát triển quê hương, đất nước. Em Trần Hữu Huy, sinh viên năm nhất ngành Tâm lý giáo dục, khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Quy Nhơn, cùng các bạn trong khoa đến tham quan trưng bày sáng 28.3. Huy kể, khi còn học cấp II, cấp III ở An Nhơn, Huy cũng từng được đến thăm bảo tàng, di tích lịch sử trong tỉnh, nhưng tham quan trưng bày lần này lại là một cảm xúc khác - sâu sắc hơn, tự hào hơn trong Huy.
“Nhìn những bức ảnh, đọc tài liệu, em bỗng thấy lòng mình dâng lên cảm xúc thật khó tả. Để có được cuộc sống hòa bình hôm nay, biết bao thế hệ cha ông đã phải hy sinh, đã đổ xương máu... Thế hệ trẻ chúng em hôm nay luôn phải khắc ghi và tiếp nối truyền thống cách mạng, chung tay đóng góp xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước”, Huy bộc bạch.
HOÀI THU
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=82&mabb=343538
Bình luận (0)