(NLĐO) - Cảnh quan hùng vĩ của khu vực quanh biên giới Iran - Iraq đã được định hình bởi hoạt động của một mảnh vỏ Trái Đất cổ xưa.
Vỏ Trái Đất của chúng ta không liền lạc như Sao Hỏa và nhiều thế giới ngoài hành tinh khác, mà bao gồm khoảng hơn 20 mảnh lớn nhỏ gọi là mảng kiến tạo, liên tục di chuyển và định hình cảnh quan bên trên, cũng như cung cấp những động lực quan trọng cho sự sống.
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Solid Earth cho thấy một mảng kiến tạo như thế vẫn đang góp phần làm thay đổi chậm rãi địa hình khu vực Tây Á.
Thú vị hơn, nó là mảnh vỏ Trái Đất từng cõng trên lưng siêu đại dương Neotethys.
Theo Science Alert, Neotethys hình thành khi siêu lục địa Pangaea tách thành lục địa phía Bắc Laurasia và lục địa phía Nam Gondwana cách đây khoảng 195 triệu năm, tức vào đầu kỷ Jura.
Mặc dù Neotethys đã khép lại hoàn toàn hơn 20 triệu năm trước, nhưng lớp vỏ đại dương từng nâng đỡ nó vẫn đang ảnh hưởng đến vùng núi Zagros, dãy núi lớn nhất nằm ở khu vực biên giới Iran - Iraq.
"Mảng kiến tạo này đang kéo khu vực này xuống từ bên dưới" - nhà địa chất học Renas Koshnaw từ Đại học Göttingen (Đức), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Khi Neotethys khép lại, mảnh vỏ Trái Đất từng cõng nó trên lưng đã gần như chui gọn xuống dưới, nằm bên dưới mảng kiến tạo cõng lục địa Á - Âu ngày nay.
Trong khi đó, mảng Ả Rập, là nền tảng của Iraq và Ả Rập Saudi ngày nay, bị kéo về phía sau, dẫn đến va chạm với Á-Âu.
Va chạm này tạo ra các dãy núi, đè lớp vỏ xung quanh chúng xuống. Kết quả là những ngọn núi này bị xói mòn thành vùng trũng này trong hàng triệu năm, trầm tích của chúng hình thành nên đồng bằng Lưỡng Hà, nơi sông Tigris và Euphrates chảy qua.
TS Koshnaw và các đồng nghiệp của ông đã thấy rằng ở phía Đông Nam của khu vực này có một lớp trầm tích dày bất thường, sâu 3-4 km.
Họ đã lập bản đồ khu vực và sử dụng một mô hình máy tính để chứng minh chỉ riêng trọng lượng của các ngọn núi không thể giải thích cho một hố lõm sâu như vậy.
Thay vào đó, khu vực này đang bị kéo xuống bởi phần còn lại của mảng đại dương Neotethys, vẫn đang chìm vào lớp phủ. Nhưng mảng này cũng đang bị xé toạc khi nó chìm xuống.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, vùng trũng chứa đầy trầm tích trở nên nông hơn nhiều, cho thấy phiến đá khổng lồ đã vỡ ra ở khu vực này, làm giảm lực kéo xuống dưới.
Theo nhóm nghiên cứu, việc hiểu được những động lực này có thể giúp cung cấp thông tin cho lĩnh vực khai thác khoáng sản, ví dụ như sắt, phốt phát và đồng, vốn hình thành trong đá trầm tích.
Bên cạnh đó, các đứt gãy hình thành trong vụ va chạm giữa các mảng Ả Rập và Á - Âu cũng có thể tạo ra những trận động đất lớn, chết người mà các khu vực liên quan cần có phương án đề phòng trong tương lai.
Nguồn: https://nld.com.vn/ben-duoi-iran-va-iraq-vo-trai-dat-dang-tach-doi-196250206091845075.htm
Bình luận (0)