Anh và Australia siết visa việc làm sẽ tác động mạnh nhất đến nhóm người du học để tìm đường định cư nhưng không xuất sắc về tay nghề, theo các chuyên gia.
Bộ Nội vụ Anh hồi đầu tháng cho biết sẽ rà soát các chương trình visa làm việc sau tốt nghiệp của du học sinh (Graduate Route). Hiện, loại visa này cho phép sinh viên quốc tế ở lại làm việc 2-3 năm.
Ngoài ra, sinh viên quốc tế phải kiếm được 38.700 bảng (hơn 49.000 USD), thay vì 26.200 để xin visa lao động tay nghề cao (được ở lại 5 năm), bắt đầu từ mùa xuân 2024. Hồi tháng 5, nước này đã hạn chế du học sinh đưa người thân nhập cảnh và không cho phép chuyển từ visa sinh viên sang visa làm việc trước khi tốt nghiệp.
Australia hôm 11/12 cũng công bố chiến lược nhập cư mới. Theo đó, từ đầu năm tới, visa làm việc sau tốt nghiệp cho sinh viên quốc tế (visa 485) chỉ còn 2-3 năm, thay vì 3-6 năm như chính sách hồi tháng 7. Ngoài ra, độ tuổi để xin thị thực này giảm từ 50 xuống còn dưới 35 tuổi.
Các chính sách được đưa ra nhằm giảm số người nhập cư ròng, trong bối cảnh sinh viên quốc tế đến Australia, Anh sau đại dịch Covid-19 tăng kỷ lục. Đây là hai trong 6 điểm đến du học được người Việt ưa thích nhất. Hiện gần 29.700 sinh viên Việt ở Australia, trong đó hơn 7.500 theo các khóa học nghề từ 6 đến 24 tháng. Trong khi đó, khoảng hơn 12.000 du học sinh Việt ở Anh, theo một thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2020.
Các quy định mới với mục tiêu giảm nhập cư và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, có thể khiến việc xin giấy phép du học Anh và Australia khó khăn hơn, du học sinh cũng giảm thời gian trải nghiệm và cơ hội định cư sau tốt nghiệp.
GS Trần Thị Lý, chuyên gia giáo dục quốc tế tại Đại học Deakin, Australia, nhận định việc xin visa du học vào Anh và Australia sẽ không còn dễ dàng như những năm qua, nhưng cụ thể thế nào thì còn phải chờ chính sách đi vào thực tế.
“Visa sau tốt nghiệp được xem là một trong những con át chủ bài để thu hút sinh viên quốc tế nên với chính sách thắt chặt, số du học sinh đến các nước này sẽ bị ảnh hưởng”, bà Lý nói.
Tác động thứ hai rõ nét hơn là du học sinh giảm cơ hội việc làm và nhập cư, đặc biệt ở Australia vì các chính sách trước đây cởi mở hơn Anh, theo GS Hoàng Lan Anh, chuyên gia nghiên cứu di dân ở Đại học Melbourne.
Số sinh viên diện này khá lớn. Trong một đề tài do bà Lý chủ trì, khi khảo sát hơn 1.100 sinh viên quốc tế có visa làm việc tạm thời sau tốt nghiệp (visa 485), 76% nói cơ hội xin được visa này là yếu tố quan trọng khi chọn du học. Còn theo một nghiên cứu định tính mà bà Lan Anh thực hiện ba năm qua, phần lớn sinh viên Việt Nam sang Australia du học với mục đích định cư.
Trong đó, bà Lan Anh nhận định những người có năng lực tài chính, tiếng Anh tốt, học đúng những nghề mà Australia đang cần thì visa ở lại hai hay 4 năm gần như không ảnh hưởng gì hoặc rất ít. Chính sách mới tác động lớn đến dòng người thứ hai: sinh viên học nghề và đại học nhưng không quá xuất sắc, tốt nghiệp xong sẽ làm bất kể việc gì để ở lại.
Bà Lan Anh dẫn số liệu một nghiên cứu năm 2019 với người di cư tay nghề ở bang Tây Australia: 41% người được hỏi thiếu việc làm, 20% thất nghiệp, gần 40% phải làm công việc đòi hỏi yêu cầu thấp hơn trình độ. Đây là vấn đề lớn nhất với lao động di cư, trong đó có người Việt. Người Việt di cư cũng bị đánh giá là một trong những cộng đồng có trình độ tiếng Anh thấp nhất.
“Nhiều người tiếng Anh đuối, không vững tay nghề, tốt nghiệp xong khó làm đúng ngành. Vì có mục đích lấy thẻ thường trú nhân nên thời hạn ở lại rất quan trọng, bởi càng kéo dài thì họ càng có nhiều thời gian để xoay xở”, bà Lan Anh phân tích. Bà nói thêm chính phủ Australia có đủ số liệu về những người học cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ nhưng sau tốt nghiệp lại đi làm lao động phổ thông. Chính sách mới là để giảm nhóm này.
Phương Anh, sinh viên năm thứ ba, trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi (SOAS) thuộc Đại học London, Anh, cho rằng hầu hết du học sinh đã trả học phí cao để theo học ở nước này, trung bình 22.000 bảng (trên 670 triệu đồng)/năm và thường mong muốn ở lại làm việc. Song rất ít công ty sẵn sàng trả mức lương 38.700 bảng mỗi năm.
“Để tìm được công việc với mức lương khởi điểm cao như vậy, lại được công ty tài trợ visa ở lại Anh hiện cực khó”, Phương Anh nhìn nhận, cho hay đang cân nhắc về nước hoặc tìm việc ở Trung Quốc.
Theo Telegraph, một khảo sát của Bộ Giáo dục Anh cho thấy sinh viên sau 5 năm tốt nghiệp có thu nhập trung bình chỉ khoảng 26.000-34.000 bảng/năm. Đại học danh tiếng Oxford trả lương cho nghiên cứu viên sau tiến sĩ cũng chỉ 36.000 bảng (bậc đầu tiên).
Nguyễn Huyền Trang, sinh viên năm thứ hai, Đại học Tasmania, Australia, cũng lo lắng về việc làm.
“Thời gian ở lại Australia bị giảm một năm so với hiện tại đồng nghĩa giảm cơ hội trải nghiệm môi trường làm việc và kinh nghiệm ở những công việc liên quan đến ngành học của mình”, Trang giải thích. Cô cho hay sẽ cố gắng xin visa theo diện tay nghề để ở lại dài hơn.
Quy định mới chắc chắn đem đến khó khăn cho du học sinh Việt, nhưng cũng hợp lý để đảm bảo quyền lợi cho du học sinh nghiêm túc.
Bà Lù Thị Hồng Nhâm, Giám đốc Công ty Tư vấn Du học và Dịch thuật Đức Anh, nhìn nhận khi Australia nới lỏng các chính sách visa sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp lợi dụng để đưa người sang du học trá hình. Không ít phụ huynh và học sinh bị lừa.
“Chính phủ Australia đang ‘dọn dẹp’ những chỗ cần, để có thêm không gian cho các du học sinh nghiêm túc và đủ năng lực”, bà nói.
Ông Nguyễn Thanh Sang, Tổng giám đốc khu vực Việt Nam, Singapore, của IDP Education, cho rằng những thay đổi ở Anh hay Australia giúp sinh viên quốc tế tập trung vào mục tiêu học tập. Riêng với Australia, kể cả rút ngắn thời gian thị thực 485 thì những du học sinh giỏi vẫn tiềm năng với thị thực theo diện tay nghề.
Chuyên gia cho rằng các du học sinh và phụ huynh cần cân nhắc kỹ khi chọn điểm đến du học.
Bà Hồng Nhâm nói điều đầu tiên các gia đình cần là tình hình tài chính ổn định, thay vì kỳ vọng con em kiếm tiền khi du học. “Nhiều trường hợp sang không kiếm được tiền mà vẫn phải trả tiền học nên xôi hỏng bỏng không”, bà Nhâm nói.
Giáo sư Hoàng Lan Anh khuyên du học sinh chọn những nghề mình thích và có năng lực. Theo bà, nhiều người thường tham khảo danh sách ngành nghề được ưu tiên định cư nhưng danh sách này biến động liên tục. Bà ví dụ trước đây Australia ưu tiên kế toán hay thợ cắt tóc, dẫn tới sinh viên quốc tế đổ xô học những nghề này, nhưng một thời gian sau họ bỏ hoặc tăng điểm để xét thị thực tay nghề.
“Nếu chỉ nhằm theo danh sách nghề được ưu tiên thì không chắc chắn sau 2-5 năm học xong, nghề đó vẫn còn”, bà Lan Anh lưu ý.
Ngoài ra, sinh viên Việt Nam cần chú trọng phát triển khả năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, mạng lưới quan hệ và tích lũy kinh nghiệm làm việc ngay từ khi nhập học thay vì đợi đến lúc gần tốt nghiệp, theo GS Lý.
“Du học sinh cần cân nhắc nhiều yếu tố, kể cả cơ hội việc làm sau tốt nghiệp và nguyên vọng nghề nghiệp, để đưa ra quyết định du học”, bà nói.
Bình Minh – Huy Quân