Sáng nay (4/1), Học viện Tài chính (Viện Kinh tế – Tài chính) tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo 2024”. Tại đây, chuyên gia đưa ra 3 kịch bản lạm phát với mức tăng tương ứng là 2,5%, 3% và 3,5%.
PGS. TS. Nguyễn Mạnh Thiều, Phó Giám đốc Học viện Tài chính khai mạc Hội thảo |
Lạm phát cơ bản bình quân năm 2023 tăng 4,16%
Khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Thiều, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, tình hình kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức: Lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao, nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao; thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu tiếp tục suy giảm; hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại xu hướng gia tăng… ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của khu vực và thế giới. Nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, tăng trưởng chậm lại, nợ công tăng cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro, tổng cầu thế giới suy giảm… đã tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được các tổ chức quốc tế điều chỉnh so với dự báo trước đó nhưng hầu hết các dự báo đều thấp hơn tốc độ tăng trưởng năm 2022. Báo cáo cập nhật tình hình thương mại toàn cầu tháng 12/2023 của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đưa ra dự báo tổng thương mại toàn cầu năm 2023 giảm khoảng 5,0% so với năm 2022. Giá các loại hàng hóa nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới có xu hướng giảm khá mạnh, đặc biệt là giá các mặt hàng năng lượng, phân bón… do bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột ở Ukraine, lạm phát cao dai dẳng, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và bất ổn tài chính có nguy cơ xuất hiện.
Trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện một cách quyết liệt… Những giải pháp kịp thời này đã góp phần quan trọng giúp cho kinh tế – xã hội Việt Nam năm 2023 đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát… giúp Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
GDP năm 2023 tăng 5,05% so với năm 2022; CPI bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với bình quân năm 2022, là mức tăng cao hơn của bình quân các năm 2015, 2016, 2019 – 2022 nhưng thấp hơn khá nhiều so với mức tăng CPI bình quân của các năm còn lại trong giai đoạn 2008 – 2023; Lạm phát cơ bản bình quân năm 2023 tăng 4,16% so với năm 2022…
Về diễn biến lạm phát năm 2023, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính cho biết, các số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy diễn biến lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 có thể chia thành 2 giai đoạn. Thứ nhất, trong nửa đầu năm 2023, lạm phát so với cùng kỳ có xu hướng giảm từ mức 4,9% vào tháng 1/2023 xuống còn 2,0% vào tháng 6/2023. Có một số nguyên nhân chính khiến lạm phát so với cùng kỳ giảm mạnh trong giai đoạn này là: (1) tổng cầu trong nửa đầu năm 2023 rất yếu, thể hiện qua việc GDP tăng trưởng rất thấp (quý I/2023 tăng 3,41%, quý II/2023 tăng 4,25%); (2) giá hàng hóa cơ bản trên thế giới, đặc biệt là giá dầu, cũng có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ; (3) do ảnh hưởng của việc tốc độ tăng trưởng cung tiền thấp trong nửa đầu năm 2023 (2,53%), còn lãi suất cho vay thực vẫn neo ở mức cao (6,9% vào tháng 6/2023).
Thứ hai, trong nửa sau của năm 2023, bên cạnh việc các nền tảng kinh tế vĩ mô dần cải thiện (tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, lãi suất huy động và cho vay giảm mạnh, cung tiền và tín dụng tăng nhanh hơn), lạm phát có xu hướng gia tăng chủ yếu do một loạt các cú sốc từ phía cung, bao gồm: (1) điều chỉnh tăng học phí khiến chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,06% trong tháng 9/2023 và tăng giá dịch vụ y tế khiến chỉ số giá nhóm này tăng 2,9% trong tháng 11/2023 và 2,15% trong tháng 12/2023; (2) giá gạo và giá xăng dầu có xu hướng tăng trở lại theo giá thế giới.
Điểm đáng chú ý là CPI đã tăng đột biến trong các tháng 8-9/2023 (tăng 0,88% trong tháng 8/2023 và 1,08% trong tháng 9/2023). Kết quả, lạm phát so với cùng kỳ đã tăng từ mức 2,0% vào tháng 6/2023 lên mức 3,58% vào tháng 12/2023. Tuy nhiên, do lạm phát giảm trong nửa đầu năm nên lạm phát trung bình năm 2023 cũng chỉ ở mức 3,25%, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là khoảng 4,5%.
3 kịch bản lạm phát cho năm 2024
Dự báo lạm phát năm 2024, TS. Nguyễn Đức Độ cho biết, trong năm 2024, áp lực lạm phát được dự báo sẽ không lớn bởi một số nguyên nhân. Thứ nhất, kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, đồng thời nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái chưa được loại trừ. Các số liệu trong lịch sử từ năm 1982 đến nay cho thấy khi lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 tháng cao hơn so với kỳ hạn 10 năm (đường cong lãi suất âm), thì nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái sau 3-6 quý. Như vậy, với việc đường cong lãi suất tại Mỹ đạt mức âm vào quý IV/2022, khả năng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2024 là hoàn toàn có thể xảy ra.
Thứ hai, với triển vọng kinh tế thế giới không thật sự khả quan, giá dầu sẽ khó tăng mạnh, thậm chí có thể giảm mạnh nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Dự báo giá dầu WTI trong năm 2024 sẽ xoay quanh mức trung bình 5 năm của giai đoạn 2019-2023 là 67 USD/thùng.
Thứ ba, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 được dự báo cũng sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải dù chỉ phải so với nền thấp của năm 2023 (mục tiêu trên 6% – cao hơn một chút so với năm 2022). Hơn nữa, do thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, khu vực công nghiệp – xây dựng nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung cũng sẽ bị ảnh hưởng và tăng trưởng thấp trong năm 2024. Nếu tăng trưởng GDP trong năm 2024 chỉ xoay quanh mức 6% như nhiều dự báo, tính chung giai đoạn 2020-2024, GDP sẽ chỉ tăng trưởng trung bình 4,64%, tức là nền kinh tế trong năm 2024 vẫn sẽ hoạt động ở mức dưới tiềm năng. Đây là yếu tố kiềm chế lạm phát trong thời gian tới.
Thứ tư, áp lực lạm phát từ yếu tố tỷ giá tăng trong năm 2024 được dự báo sẽ không lớn khi đồng USD đang trong xu hướng giảm giá, còn Fed nhiều khả năng sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ quý II/2024. Hơn nữa, cho dù đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường thế giới, NHNN sẽ can thiệp để ổn định tỷ giá. Nói cách khác, môi trường tiền tệ – tỷ giá đang ở mức trung tính và sẽ không khiến giá cả tăng đột biến trong năm 2024.
Với các phân tích ở trên, có thể nhận định rằng trong năm 2024, có nhiều nhân tố hỗ trợ cho việc kiểm soát lạm phát. Bởi vậy, tốc độ tăng CPI hàng tháng trong năm 2024 nhiều khả năng sẽ không cao hơn so với mức trung bình của giai đoạn 2015-2023 là 0,24%/tháng.
Trong bối cảnh đó, TS. Nguyễn Đức Độ đưa ra 3 kịch bản lạm phát cho năm 2024. Theo đó, trong kịch bản cao (kinh tế thế giới và Việt Nam tăng trưởng bình thường, giá nhiên, nguyên, vật liệu ổn định), CPI có thể tăng trung bình 0,24%/tháng. Lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ ở mức 2,9%, còn lạm phát trung bình năm 2024 sẽ ở mức 3,5%.
Trong kịch bản thấp (kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong nửa sau của năm 2024 và Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh, giá nhiên, nguyên, vật liệu giảm mạnh như năm 2020), CPI tăng trung bình 0,05%/tháng. Lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ ở mức 0,6%, còn lạm phát trung bình sẽ ở mức 2,5%.
Trong kịch bản trung bình (kinh tế thế giới tăng trưởng chậm nhưng không rơi vào suy thoái, Việt Nam bị ảnh hưởng không nhiều, giá nguyên, nhiên, vật liệu giảm nhẹ), CPI tăng trung bình 0,15%/tháng. Lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ ở mức 1,8%, còn lạm phát trung bình sẽ ở mức 3,0%.
“Trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam kém lạc quan, giá hàng hóa cơ bản trên thế giới khó tăng mạnh, đồng thời môi trường tiền tệ, tỷ giá ở mức trung tính, CPI được dự báo sẽ tăng trung bình 3,0% (+/- 0,5%) trong năm 2024”, TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.