Nhờ sản xuất an toàn và có nguồn gốc rõ ràng nên các sản phẩm của Hợp tác xã nông sản nếp vải Ôn Lương (Phú Lương) được đông đảo khách hàng tin dùng. |
Hợp tác xã (HTX) nông sản nếp vải Ôn Lương, xã Ôn Lương (Phú Lương) được thành năm 2020 với 9 thành viên, sản phẩm chính là gạo nếp vải đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Bên cạnh đó, HTX còn sản xuất các loại bánh truyền thống như bánh chưng, bánh dày, bánh gai… theo đơn đặt hàng của khách.
Để chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất, HTX đã liên kết với 100 hộ dân tại xóm Bản Đông xây dựng vùng nguyên liệu, với tổng diện tích 16,5ha. Chị Hoàng Thị Hồng Tú, Giám đốc HTX nông sản nếp vải Ôn Lương, cho biết: Toàn bộ quy trình từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc đến thu hoạch lúa đều được HTX kiểm soát chặt chẽ. Trong quá trình canh tác, người dân phải áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao.
Chị Nguyễn Thị Nhung, ở phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên): Tôi thường xuyên chọn mua gạo của HTX nông sản nếp vải Ôn Lương vì sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Loại gạo này rất phù hợp để nấu xôi và làm các món bánh truyền thống. Khi nấu, mùi thơm tỏa ra ngay từ lúc nước sôi, hạt gạo dẻo mềm, ăn vào cảm nhận được vị ngọt cùng độ bùi ngậy đặc trưng.
Trước đây, cơ sở sản xuất chè của chị Dương Thị Chang, xóm Ba Quà, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) phải nhập nguyên liệu từ các hộ dân trong xã. Điều này khiến cơ sở gặp không ít khó khăn do không chủ động về nguyên liệu, chất lượng sản phẩm không đồng đều và chi phí sản xuất tăng do phải mua qua trung gian.
Với việc quy hoạch vùng nguyên liệu, Hợp tác xã chè Văn Hán (Đồng Hỷ) có thể dễ dàng triển khai các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. |
Để khắc phục tình trạng này, năm 2019, khi thành lập HTX chè Văn Hán, chị Chang đã quyết định xây dựng vùng nguyên liệu riêng với diện tích 6ha. Nhờ đó, HTX không chỉ chủ động được nguồn nguyên liệu mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chị Dương Thị Chang: HTX phối hợp với ngành các cơ quan chuyên môn để chuyển đổi từ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP sang canh tác hữu cơ. Đến cuối năm 2024, sản phẩm trà của HTX đã được cấp chứng nhận hữu cơ, giúp tăng giá trị sản phẩm gấp 2 lần so với trước đây. Hiện, chè búp khô của HTX bán với giá 500-600 nghìn đồng/kg.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 541 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong quá trình hoạt động, nhiều HTX đã đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng vùng nguyên liệu. Bởi vùng nguyên liệu là nguồn cung cấp đầu vào quan trọng cho sản xuất, yếu tố quyết định đến chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh và sự ổn định lâu dài. Ngoài ra, đây cũng là một trong những tiêu chí hàng đầu để xây dựng sản phẩm OCOP của mỗi HTX.
Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cho các HTX là hết sức cần thiết. Do vậy, thời gian qua, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các HTX thì ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, như: Hỗ trợ giống, phân bón; vốn và chính sách ưu đãi; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý vùng nguyên liệu...
Với lợi thế về đất đai và kinh nghiệm canh tác, việc phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao không chỉ giúp các HTX chủ động trong sản xuất mà còn góp phần khẳng định chất lượng, thương hiệu nông sản. Qua đó, mở ra cơ hội xuất khẩu, thúc đẩy nông nghiệp tỉnh phát triển bền vững.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202503/phat-trien-vung-nguyen-lieu-chia-khoanang-cao-chat-luong-nong-san-95901a0/
Bình luận (0)