Ngày 6 – 7.12, Hội Phẫu thuật thần kinh Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) tổ chức Hội nghị Phẫu thuật thần kinh Việt Nam lần thứ 23.
Hội nghị không chỉ là sự kiện y khoa thường niên mà còn là cột mốc quan trọng đánh dấu những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh. Sự kiện quy tụ hơn 400 đại biểu, chuyên gia đầu ngành từ Việt Nam và quốc tế, tạo nên một diễn đàn khoa học đa chiều và đầy ý nghĩa.
Phó giáo sư – tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Minh Anh, Phó giám đốc BV ĐHYD, nhận định: “Sọ não – cột sống, vốn là cấu trúc giải phẫu phức tạp và quan trọng nhất của người bệnh. Hội nghị là cơ hội quý giá để chúng tôi trao đổi kinh nghiệm lâm sàng từ các ca bệnh điển hình và cập nhật những nghiên cứu mới trong lĩnh vực thần kinh, hướng đến mục tiêu cao nhất là điều trị hiệu quả, giúp người bệnh có cuộc sống khỏe mạnh, giảm gánh nặng cho gia đình và cộng đồng”.
Tâm điểm của Hội nghị là những tiến bộ đột phá trong phẫu thuật thần kinh, bao gồm các kỹ thuật tiên tiến như bóc tách sợi chất trắng, định vị thần kinh, nhuộm khối u với chất chỉ thị màu và theo dõi điện sinh lý trong mổ. Những công nghệ này không chỉ giúp tăng tỷ lệ loại bỏ tổn thương mà còn bảo tồn tối đa các chức năng thần kinh, cải thiện chất lượng sống của người bệnh. Ngoài ra, công nghệ in 3D và cộng hưởng từ chức năng được ứng dụng để lập kế hoạch phẫu thuật chi tiết, nâng cao tính chính xác và an toàn.
Hội nghị cũng giới thiệu hàng loạt công nghệ hiện đại như phẫu thuật nội soi, xâm lấn tối thiểu và trí tuệ nhân tạo (AI). AI được ứng dụng để phân tích hình ảnh y khoa, lập kế hoạch phẫu thuật cá nhân hóa và tối ưu hiệu quả điều trị. Công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) hỗ trợ đào tạo, mô phỏng phẫu thuật, giúp bác sĩ nâng cao kỹ năng và lập kế hoạch chính xác hơn. Hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật cũng được sử dụng như một công cụ giúp tăng độ chính xác và giảm biến chứng.
Không dừng lại ở các tiến bộ kỹ thuật, Hội nghị còn là nơi để các chuyên gia trao đổi về những ứng dụng tiên tiến trong các lĩnh vực phẫu thuật thần kinh ít xâm lấn, phẫu thuật nền sọ, đặt điện cực kích thích não sâu (DBS) cho bệnh Parkinson và kích thích tủy sống điều trị đau mãn tính. Sự tích hợp công nghệ vào phòng mổ thông minh được kỳ vọng sẽ cách mạng hóa ngành phẫu thuật, mang lại hiệu quả tối ưu và giảm thiểu rủi ro.
Một điểm đáng chú ý đã diễn ra trong khuôn khổ hội nghị năm nay là lễ ký kết hợp tác giữa Hội Phẫu thuật thần kinh Việt Nam và Hội Phẫu thuật thần kinh châu Á. Đây là bước tiến lớn trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc tế về đào tạo, giáo dục, hỗ trợ chuyên môn và trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia trong khu vực. Thỏa thuận này không chỉ mở ra cơ hội phát triển chuyên môn mà còn khẳng định vị thế của ngành phẫu thuật thần kinh Việt Nam trên trường quốc tế.
Phiên điều dưỡng nổi bật với việc kết hợp hội thảo của Hội Điều dưỡng phẫu thuật thần kinh châu Á, nhấn mạnh vai trò quan trọng của người điều dưỡng trong thực hành phẫu thuật thần kinh. Đây là cơ hội quý báu để điều dưỡng Việt Nam học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn và tăng cường hợp tác với các đồng nghiệp quốc tế trong lĩnh vực điều dưỡng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/hoi-nghi-phau-thuat-than-kinh-viet-nam-lan-thu-23-dot-pha-trong-linh-vuc-khoa-hoc-than-kinh-185241207143830977.htm