Bỏ bữa sáng, ăn bữa trưa, tối có tốt cho sức khỏe?

Báo Thanh niênBáo Thanh niên07/02/2025

'Tôi thấy trên mạng xã hội có trào lưu bỏ bữa sáng, chỉ ăn bữa trưa, chiều tối, cách ăn này có tốt cho sức khỏe không? Xin bác sĩ chỉ ra những tác hại khi bỏ bữa sáng, cảm ơn bác sĩ!'. (Q.M.Nhựt, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM).


Bác sĩ chuyên khoa 1 Đinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải đáp: Hiện nay, có một số trào lưu ăn uống như nhịn ăn gián đoạn (Intermittent Fasting) hoặc bỏ bữa sáng với mục đích giảm cân hoặc cải thiện sức khỏe.

Tuy nhiên, việc bỏ bữa sáng không phải là phương pháp phù hợp cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người có lối sống năng động, trẻ em, thanh thiếu niên, người cao tuổi hoặc những người có vấn đề sức khỏe như tiểu đường hay bệnh dạ dày.

bỏ bữa sáng

Bữa ăn sáng rất cần thiết cho cơ thể

Tác hại của việc bỏ bữa sáng

Giảm năng lượng, ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và học tập. Bữa sáng cung cấp năng lượng sau một đêm dài nhịn ăn. Nếu không ăn sáng, não bộ thiếu glucose để hoạt động, dẫn đến mất tập trung, giảm hiệu suất làm việc, học tập và có thể gây mệt mỏi, cáu gắt.

Đặc biệt ở Việt Nam, đa số mọi người kể cả người đi làm, học sinh - sinh viên, trẻ em đều khởi đầu ngày mới khá sớm (khoảng 6-7 giờ) nên việc bỏ bữa sáng sẽ không đủ năng lượng cho cơ thể làm việc.

Việc bỏ bữa sáng sẽ phù hợp với những người làm việc trễ bắt đầu từ khoảng 9-10 giờ sáng, việc bỏ ăn sáng và chỉ ăn trưa tối giúp cắt giảm bớt năng lượng, bữa ăn đầu tiên trong ngày và thời gian làm việc tương đối thích hợp và họ có thể không cần ăn sáng mà vẫn minh mẫn, có thể hỗ trợ việc giảm cân nếu cần.

Tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa. Các nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên bỏ bữa sáng có nguy cơ cao mắc các vấn đề như béo phì, tiểu đường loại 2, rối loạn lipid máu (mỡ máu cao) và tăng huyết áp. Điều này là do khi bỏ bữa sáng, cơ thể dễ có xu hướng ăn nhiều hơn vào các bữa sau, đặc biệt là tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng nhưng nghèo dinh dưỡng.

Bác sĩ 24/7: Bỏ bữa sáng, ăn bữa trưa, tối có tốt cho sức khỏe?- Ảnh 2.

Các nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên bỏ bữa sáng có nguy cơ cao mắc các vấn đề như béo phì, tiểu đường loại 2

Tác động tiêu cực đến hệ tiêu hóa. Những người bị đau dạ dày hoặc trào ngược dạ dày thực quản sẽ dễ gặp tình trạng ợ nóng, đau dạ dày nặng hơn nếu nhịn ăn sáng thường xuyên.

Tăng nguy cơ ăn vặt và tăng cân ngoài ý muốn. Khi nhịn đói vào buổi sáng, nhiều người có xu hướng thèm ăn và tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh như bánh ngọt, trà sữa, thức ăn nhanh vào giữa buổi sáng hoặc chiều, làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì. Các nghiên cứu gần đây cho thấy việc ăn sáng đầy đủ, đặc biệt bữa sáng lành mạnh giàu đạm sẽ giúp cơ thể kiểm soát tốt cơn đói và đạt hiệu quả giảm cân tốt hơn.

Ảnh hưởng đến tâm trạng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bỏ bữa sáng có thể làm tăng mức độ căng thẳng, lo âu, thậm chí làm giảm khả năng điều chỉnh cảm xúc. Do đó thay vì bỏ bữa sáng, bạn nên lựa chọn một bữa ăn sáng lành mạnh với đầy đủ các nhóm chất:

  • Chất bột đường: Yến mạch, bánh mì nguyên cám, khoai lang.
  • Chất đạm: Trứng, sữa, thịt nạc, đậu hũ.
  • Chất béo lành mạnh: Bơ, hạt chia, các loại hạt.
  • Chất xơ và vitamin: Rau xanh, trái cây.

Nếu ai đó muốn thử phương pháp nhịn ăn gián đoạn, nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo phù hợp với thể trạng cá nhân.



Nguồn: https://thanhnien.vn/bac-si-24-7-bo-bua-sang-anh-huong-suc-khoe-the-nao-185250205191200957.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available