Đã từng là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong nhiều thế kỷ, tranh dân gian Việt Nam vì nhiều nguyên nhân, giờ chỉ còn là miền ký ức xa thẳm với nhiều cư dân đương đại. Tiếc nhớ những vàng son một thuở, nhiều dự án phục hưng tranh dân gian đã và đang được khởi động, nhằm mang đến “đời sống mới” cho nghệ thuật hội họa cổ xưa. Latoa Indochine là một trong số đó.
Thắp sáng tinh hoa dân tộc Từ phương thức làm tranh mới mẻ, Latoa Indochine đã thắp sáng “màu dân tộc” trong dòng chảy nghệ thuật đương đại, ngay lập tức thu hút sự quan tâm, yêu thích của cộng đồng yêu tranh, luôn thiết tha với những giá trị văn hóa truyền thống. Từ triển lãm đầu tiên được mở ra tại Bảo tàng Hà Nội, Latoa Indochine góp mặt tại nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá nghệ thuật dân gian trong nước và quốc tế, như: Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội - năm 2022; Không gian văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc…, cho người xem những cảm nhận mới lạ, độc đáo, đầy thú vị về tranh truyền thống, qua đó khơi dậy ý thức bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp văn hóa, lịch sử của dân tộc nói chung, giá trị nghệ thuật của các dòng tranh dân gian nói riêng, tạo tiền đề đưa tranh dân gian trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của Thủ đô Hà Nội. Họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê đánh giá: “Không chỉ gói ghém, truyền tải nhuần nhị hồn cốt của tranh dân gian, nghệ thuật sơn mài khắc với các lớp dát vàng, dát bạc còn tạo ra những mảng màu đối lập và bắt sáng, khiến họa tiết dân gian trở nên sang trọng và mới mẻ hơn. Các hình ảnh trong tranh sơn mài khắc được thể hiện sắc nét, có chiều sâu, quan sát kỹ sẽ thấy tầng tầng, lớp lớp màu lộng lẫy và uyển chuyển, góp phần nâng tầm giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Đây thực sự là một dự án bảo tồn và phát huy tranh dân gian có ý nghĩa, cần được nhân rộng và phát triển”. Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, tranh dân gian sơn mài khắc là một sáng kiến rất đáng ghi nhận, vừa phát huy được giá trị của nghệ thuật truyền thống là sơn mài, sơn khắc, vừa phát huy được tinh hoa của tranh dân gian, mà nếu không có niềm đam mê vốn cổ thì không thể thực hiện được. “Trong bối cảnh đời sống xã hội ngày càng hiện đại, nhu cầu chơi tranh và sử dụng tranh dân gian không còn phổ biến như trước đây, việc mang đến đời sống mới cho tranh dân gian rất cần được khích lệ, nhằm khơi dậy, lan tỏa tình yêu, niềm tự hào với nghệ thuật truyền thống”, ông Trương Quốc Bình nêu. Thấu hiểu điều này, mới đây Latoa Indochine đã mở ra chương trình giới thiệu, hướng dẫn cách thức hoàn thành một tác phẩm tranh dân gian sơn mài khắc dưới định dạng workshop, nhằm giới thiệu sâu hơn tới công chúng, nhất là các bạn trẻ về nghệ thuật sơn mài, sơn khắc truyền thống, lịch sử các dòng tranh dân gian cũng như cái hay, cái đẹp của hội họa cổ xưa; đồng thời được hướng dẫn thực hành, trải nghiệm một số kỹ thuật cơ bản của nghệ thuật sơn mài khắc, để làm ra một tác phẩm nghệ thuật cho riêng mình. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Latoa Indochine Phạm Ngọc Long, với cách làm này, những tác phẩm xưa cũ sẽ trở nên gần gũi, những cái hay, cái đẹp của tranh dân gian sẽ ngày càng được nhiều người biết đến hơn. “Tranh dân gian là sự đúc kết văn hóa, nghệ thuật bao đời, nơi phản ánh dấu ấn của cả một thời vàng son lịch sử đất nước. Latoa Indochine mong muốn đưa công chúng “đi đến tận cùng của truyền thống”, trở về những ngày của hội họa dân gian xưa để ngắm nhìn, cảm nhận và trân quý, để rồi sau đó, cùng nhau gìn giữ, tiếp nối, lan tỏa tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc trên chặng đường phát triển mạnh mẽ của thời cuộc. Đó cũng là cách để truyền thống luôn được hiện diện trong đời sống hôm nay”, ông Phạm Ngọc Long bày tỏ.
Vietnam.vn
Bình luận (0)