Nam PhiHai con rắn mamba đực kiệt sức vì trận chiến giành bạn tình bị chuyên gia bắt rắn tóm gọn và mang ra xa khu dân cư.
Hai con rắn mamba đen cỡ lớn bị cuốn vào cuộc chiến dữ dội trong sân nhà một cư dân ở Queensland, Nam Phi. Chúng chiến đấu hơn 30 phút trong nỗ lực đè đối phương xuống đất. Con rắn lớn hơn dài 2,6 m và nặng 300 kg tìm cách ghì chặt cổ kẻ thù nhỏ hơn dài 2,5 m, theo mô tả hôm 3/7 của chuyên gia bắt rắn Nick Evans. Hành động này lặp lại 3 lần trước khi con rắn nhỏ hơn đầu hàng và chạy trốn. Sau đó, Evans bắt đôi rắn đã kiệt sức sau trận chiến và thả chúng ở xa nơi ở của người dân. Anh cho biết nhiều khả năng chúng đang tranh giành rắn cái trong mùa giao phối.
Rắn mamba đen (Dendroaspis polylepis) không cắn nhau khi chiến đấu, thay vào đó, chúng vật lộn cho tới khi một con đầu hàng. Đây là một trong những loài rắn độc nhất trên Trái Đất và nguy hiểm nhất châu Phi, sinh sống ở phía đông và phía nam châu lục, theo John Dunbar, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Đại học Galway, Ireland.
Nọc độc của rắn mamba đen nhắm vào kết nối giữa dây thần kinh và cơ bắp của con mồi. Rắn mamba đen có thể nhanh chóng làm tê liệt và giết chết một người trong 20 phút. Tuy nhiên, chúng là loài nhút nhát và chỉ tấn công con người khi cảm thấy bị đe dọa.
Dunbar cho biết hành vi trong video có tên gọi “plaiting combat”, chỉ xảy ra khi có mặt rắn cái. Tên gọi này xuất phát từ cách rắn mamba đen xoắn quanh cơ thể nhau để chiếm thế thượng phong và giành bạn tình. Mục tiêu của chúng là giành chiến thắng bằng cách buộc tình địch khuất phục.
Rắn cũng sở hữu khả năng miễn dịch đối với nọc độc của bản thân. Việc tiếp xúc với nọc độc trong hoạt động giao phối hoặc kiếm ăn có thể tạo ra phản ứng miễn dịch nhẹ, trong đó kháng thể của con rắn vô hiệu hóa độc tố. Chính kháng thể này giúp bảo vệ chúng khi bị cắn bởi đồng loại. Tuy nhiên, rắn không hoàn toàn miễn dịch và đôi khi có thể chết do nọc độc từ cá thể cùng loài nếu nhiễm liều lượng cao.
An Khang (Theo Live Science)