Chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết 12 năm thực hiện Chỉ thị số 124 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới và 10 năm thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” (viết gọn là Đề án), các đại biểu dự hội nghị đều thống nhất đánh giá: Triển khai thực hiện chỉ thị, đề án, Đảng ủy Quân khu 3 đã cụ thể hóa, ban hành Nghị quyết số 99-NQ/ĐU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác GDCT tại đơn vị trong giai đoạn mới; đồng thời ban hành các chỉ thị, kế hoạch triển khai thực hiện bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc.
Hằng năm, trong nghị quyết lãnh đạo thường kỳ, chuyên đề về công tác huấn luyện, Đảng ủy Quân khu 3 chỉ đạo cấp ủy các cấp kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện, xác định chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, đưa nội dung công tác GDCT vào quy chế, kế hoạch công tác, chương trình hành động của người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên; khắc phục triệt để biểu hiện “giao khoán” công tác GDCT cho cơ quan chính trị, cán bộ chính trị.
Đại tá Vũ Văn Hoài, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 3 khẳng định: Được Bộ Quốc phòng chọn làm điểm đổi mới nội dung biên soạn tài liệu GDCT do đơn vị tự xác định, Cục Chính trị tham mưu cho Đảng ủy Quân khu 3 chỉ đạo, lựa chọn các cơ quan, đơn vị làm điểm từng nội dung của Đề án. Trong đó: Cục Chính trị và Sư đoàn 350 đổi mới việc biên soạn tài liệu học tập chính trị do đơn vị tự xác định; Trung đoàn 8 (Sư đoàn 395) đổi mới giảng dạy chính trị bằng giáo án điện tử; Bộ CHQS tỉnh Hải Dương nghiên cứu chuyên đề của sĩ quan; Lữ đoàn 454 thực hiện ngày chính trị và văn hóa tinh thần; Lữ đoàn 513 thông báo chính trị-thời sự, từ đó nhân rộng trong các cơ quan, đơn vị. Lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá kết quả, lấy kết quả GDCT, tư tưởng và chấp hành kỷ luật là một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên, tổ chức quần chúng và đoàn viên, hội viên, bình xét thi đua khen thưởng hằng năm.
Là đơn vị chủ lực đủ quân làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 395 luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc việc đổi mới công tác GDCT cho bộ đội; coi đó là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.
Đại tá Nguyễn Đình Khiêm, Chính ủy Sư đoàn 395 cho biết: “Thực hiện Đề án, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và cơ quan chính trị đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Cục Chính trị Quân khu về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác GDCT tại đơn vị trong giai đoạn mới, tập trung đột phá nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị và đổi mới nội dung, phương pháp GDCT. Đơn vị đầu tư bảo đảm tốt cơ sở vật chất, mua sắm đồ dùng phục vụ cho công tác GDCT, nhất là bảo đảm về hệ thống máy chiếu và phòng học cho bộ đội. Bằng nguồn kinh phí trên cấp và quỹ vốn của đơn vị, Sư đoàn đã mua sắm được 36 bộ máy chiếu, xây dựng được 3 phòng học tập trung, qua đó góp phần khắc phục được tình trạng thiếu phòng học. Cùng với đó, phát huy tốt vai trò của các đồng chí cán bộ là giảng viên của Học viện Chính trị về thực tập, thực tế để bồi dưỡng về phương pháp và truyền thụ kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị của đơn vị. Nhờ đó, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ về nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện công tác GDCT tại đơn vị”.
Đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục chính trị
Tìm hiểu thực tế về công tác GDCT ở các đơn vị thuộc Sư đoàn 395, chúng tôi có dịp được tham dự một buổi GDCT bài: “Đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta hiện nay” do Trung úy Trương Công trình, Chính trị viên Đại đội 11, Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 8, Sư đoàn 395) lên lớp cho đối tượng hạ sĩ quan-chiến sĩ (HSQ-CS) nhập ngũ năm 2022. Điều khiến tôi hết sức ấn tượng là, từ một vấn đề tưởng chừng “khô cứng”, thiếu sự hấp dẫn, nhưng dưới sự phân tích, giảng giải của đồng chí Chính trị viên Đại đội, nội dung đã được “mềm hóa” trở nên sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn người học; bằng những ví dụ thực tiễn, có tính thời sự, kết hợp chặt chẽ giữa thuyết trình với trình chiếu Powerpoint để minh họa cho từng vấn đề, từng nội dung, giáo viên đã khéo léo gợi mở câu hỏi để học viên trao đổi, thảo luận.
Trung úy Trương Công Trình chia sẻ: “Phương pháp truyền thống “thầy đọc-trò ghi” làm cho người học nhàm chán, dễ buồn ngủ. Áp dụng phương pháp dạy học nêu vấn đề, đối thoại giữa người dạy và người học khuyến khích tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong tư duy của người học. Tuy nhiên đòi hỏi người giáo viên không chỉ có khả năng sư phạm tốt mà phải có kiến thức sâu, rộng. Trước khi lên lớp, tôi thường chuẩn bị kỹ nội dung câu hỏi, nghiên cứu tài liệu, cập nhật kiến thức thời sự để phân tích, dẫn chứng cụ thể cho học viên; đồng thời đặt ra các tình huống sư phạm giúp bài giảng thêm sinh động”.
Để công tác giáo dục chính trị đi vào nền nếp, hiệu quả, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiến hành đổi mới toàn diện cả 6 hình thức GDCT tại đơn vị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nâng cao chất lượng hình thức học tập chính trị cho các đối tượng, từng bước đưa công nghệ thông tin vào phục vụ giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng học tập chính trị ở các cơ quan, đơn vị. Vận dụng linh hoạt các hình thức giáo dục phù hợp với từng đối tượng.
Bên cạnh đó, Quân khu chỉ đạo tích cực đổi mới nội dung, hình thức kiểm tra nhận thức chính trị phù hợp với từng đối tượng; trong đó, đội ngũ sĩ quan cấp tá kiểm tra bằng hình thức viết thu hoạch; sĩ quan cấp úy, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) kiểm tra viết; HSQ-CS kiểm tra vấn đáp kết hợp với trắc nghiệm; biên soạn hệ thống câu hỏi theo hướng mở, nhằm phát huy tối đa tính năng động, sáng tạo của đối tượng kiểm tra. Kết quả kiểm tra hằng năm, 100% đạt yêu cầu, trong đó, sĩ quan, QNCN có trên 84,6% khá, giỏi, HSQ-CS có trên 76% khá, giỏi; đồng thời, gắn kết quả kiểm tra nhận thức chính trị với bình xét thi đua, khen thưởng, nhận xét cán bộ, đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm.
Chia sẻ về kết quả và kinh nghiệm trong công tác GDCT ở cơ quan quân sự địa phương, Đại tá Hồ Sỹ Quyện, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hải Dương cho biết: “Với đặc thù đa số cán bộ, sĩ quan, QNCN khi về cơ quan quân sự địa phương đều đã qua công tác tại các đơn vị chủ lực, tuổi đời khá cao, nhiều đồng chí có động cơ phấn đấu tốt; bên cạnh đó, cũng có đồng chí hết tuổi quy hoạch, bổ nhiệm, năng lực còn hạn chế, có biểu hiện ngại học, ngại nghiên cứu dẫn đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chưa cao. Căn cứ vào đặc điểm tình hình thực tiễn hoạt động công tác quốc phòng, quân sự địa phương (QP, QSĐP) và đối tượng GDCT, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung đột phá nâng cao chất lượng nghiên cứu chuyên đề của sĩ quan và thông báo chính trị, thời sự cho cán bộ, chiến sĩ. Từ đó đã khắc phục được tình trạng sao chép tài liệu trong chuẩn bị bài giảng, giúp đội ngũ cán bộ các cấp có tri thức toàn diện hơn, năng động, sáng tạo hơn trong tham mưu, triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị”.
Áp dụng hiệu quả các mô hình hay, sáng kiến vào GDCT
Khảo sát thực tế ở các đơn vị, chúng tôi nhận thấy một trong những điểm nổi bật được coi như chất xúc tác góp phần nâng cao chất lượng GDCT, giúp bộ đội dễ nhớ, dễ hiểu, dễ tiếp thu bài đó chính là việc áp dụng hiệu quả các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác GDCT như: Mô hình “vui để học”, “ba tổ chuyên sâu” của Sư đoàn 395; phong trào “Dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt”, “1 giảm, 1 tăng, 3 thiết thực” của Trường Quân sự Quân khu; “Đơn vị 4 tốt, cá nhân điển hình tiên tiến” của Lữ đoàn 242; “Mỗi ngày một việc tốt” của Lữ đoàn 273; “Chi đoàn không có đoàn viên vi phạm pháp luật, kỷ luật”, “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân” của Lữ đoàn 454; “Mỗi tuần 1 điều luật” trên truyền thanh nội bộ của Bộ CHQS tỉnh Ninh Bình… các mô hình trên đã đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kiến thức pháp luật của bộ đội.
Cùng với đó việc áp dụng hiệu quả các sáng kiến bổ trợ học tập chính trị như: “Phần mềm tổng hợp phục vụ GDCT và kiểm tra nhận thức” của Ban CHQS thành phố Nam Định (Nam Định); “Hộp báo thao trường điện tử” của Lâm trường 155 (Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327); “Vòng quay thao trường” của Lữ đoàn 454, “Nấc thang kiến thức” của Lữ đoàn 214 đã góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác GDCT ở các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu.
Thượng úy Nguyễn Mạnh Hiếu, Trợ lý Cán bộ-Chính sách (Phòng Chính trị, Lữ đoàn 214) là tác giả của sáng kiến “Nấc thang kiến thức” chia sẻ: “Áp dụng sáng kiến này giúp phát huy tính tích cực, chủ động của người học trong quá trình giảng dạy chính trị. Thông qua đó, cán bộ nắm bắt được khả năng tiếp thu bài của bộ đội; đồng thời góp phần tăng thêm khả năng suy nghĩ, tổng hợp kiến thức, động cơ học tập của cán bộ, chiến sĩ. Sáng kiến này có thể áp dụng vào nhiều hoạt động như: Giảng bài, ôn luyện bài sau khi học, diễn đàn thanh niên, hội thao chính trị, tìm hiểu kiến thức lịch sử truyền thống, các văn bản chỉ thị, nghị quyết của các cấp”…
Một trong những điểm sáng, nét mới trong công tác GDCT cho lực lượng dân quân tự vệ của Bộ CHQS thành phố Hải Phòng chính là việc áp dụng sáng kiến, cải tiến mô hình học tập chính trị cho lực lượng này. Đại tá Phạm Văn Vương, Chính ủy Bộ CHQS thành phố Hải Phòng cho biết: “Sau 12 năm thực hiện Chỉ thị 124, 10 năm thực hiện Đề án, LLVT thành phố đã có 12 mô hình, sáng kiến của lực lượng dân quân tự vệ được cấp ủy, chỉ huy các cấp công nhận, trong đó nhiều mô hình, sáng kiến GDCT có giá trị thực tiễn cao như “Mô hình tuyên truyền, giáo dục chủ quyền biển, đảo” của LLVT huyện Thủy Nguyên; “Phần mềm hỗ trợ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” của LLVT quận Dương Kinh. Quá trình thực hành giảng dạy đội ngũ cán bộ chính trị đã kết hợp nhiều phương pháp như đàm thoại, thuyết trình, nêu vấn đề; tăng cường trao đổi, thảo luận với nhiều cách làm sáng tạo, như: “Tiểu đội tôi hỏi, tiểu đội đồng chí trả lời”, “Tiểu đội ngôi sao”… từ đó chấm dứt hiện tượng “thầy đọc-trò ghi”, tương tác một chiều, giúp người học có tầm bao quát, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thuộc hơn”.
Bài, ảnh: NGUYỄN THANH