Lo dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài, khó vận hành trong tháng 6, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư “đổi mới cách làm, huy động tổng lực để hoàn thành dự án”.
Sáng 28/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với 9 địa phương thúc đẩy tiến độ dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch – Phố Nối.
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài gồm 4 dự án thành phần, có chiều dài 514 km nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên) với tổng vốn đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD). Các dự án này đều khởi công tháng 10/2023 và tháng 1/2024. Đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài được Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành vào tháng 6/2024, để tăng cung ứng, giảm thiếu điện cho miền Bắc.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thi công thực tế tại một số dự án thành phần chiều 27/1, ông lo lắng với cách làm hiện nay sẽ khó hoàn thành dự án như mục tiêu đưa ra là đóng điện vào tháng 6 năm nay. Bởi, khối lượng công việc rất lớn, thời hạn yêu cầu hoàn thành dự án ngắn (12 tháng), trong khi dự án đi qua nhiều địa phương.
Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đường dây này đã triển khai chậm vài năm nên cần “đổi mới cách làm, huy động tổng lực bằng các giải pháp, trách nhiệm cao nhất hoàn thành dự án”.
Chẳng hạn, các công việc như giải phóng mặt bằng, đào móng, xây dựng hố móng có thể huy động lực lượng địa phương, tạo việc làm tại chỗ và giảm chi phí. Các hạng mục khác như dựng cột, kéo dây sẽ do EVNNPT đảm trách do liên quan tới kỹ thuật, chuyên môn cao.
Dự án đường dây 500 kV có 1.179 vị trí móng cột, đi qua 9 địa phương. Ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cho biết phần lớn các địa phương bàn giao mặt bằng vị trí móng cọc cho chủ đầu tư. Nhưng trong đó Nghệ An, Hà Tĩnh bàn giao mặt bằng vị trí móng cột chậm, lần lượt mới đạt hơn 7% và 9%.
Tuy vậy, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch EVNNPT phải nêu rõ từng địa phương đang gặp khó ở đâu, số vị trí móng cột đã bàn giao được bao nhiêu, những vị trí nào còn vướng? Khâu giải phóng mặt bằng gặp những bất cập gì, việc phối hợp và huy động nguồn lực từ địa phương ra sao để đảm bảo hiệu quả dự án này.
Đáp lại, ông Tùng nói thời gian thi công móng cọc thường kéo dài nên cần địa phương bàn giao trong tháng 2 để không ảnh hưởng tiến độ thi công các hạng mục tiếp theo.
Là một trong hai địa phương đang bàn giao mặt bằng vị trí móng thi công chậm, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch tỉnh Nghệ An, cho biết hiện tỉnh này thông báo thu hồi được 85% vị trí móng cột, nhưng mới vận động được 7% hộ dân bàn giao. Để khắc phục, ông đề nghị chủ đầu tư sớm bàn giao hồ sơ mốc vị trí cho địa phương để đẩy nhanh việc đo đạc, kiểm đếm…
“Nghệ An cam kết vận động người dân bàn giao mặt bằng 80% từ nay tới Tết Nguyên đán 2024”, ông Trung nói.
Tương tự, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nhận trách nhiệm khi mới bàn giao trên 9% mặt bằng sạch vị trí móng cột cho dự án và cam kết sẽ hoàn thành bàn giao mặt bằng trong thời gian sớm nhất.
Khối lượng công việc còn lại nhiều, EVNNPT kiến nghị Thủ tướng cho phép UBND các tỉnh chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích rừng thuộc phạm vi móng cột.
Chủ đầu tư cũng đề nghị Chính phủ giao UBND các tỉnh quyết định chủ trương về tác động vào rừng để làm đường và các công trình tạm phục vụ thi công mà không chờ sửa đổi, bổ sung Nghị định 156.
Song các kiến nghị này của EVN, theo ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, hiện chưa được pháp luật quy định. Vì thế, Bộ này sửa đổi, bổ sung Nghị định 156 hướng dẫn một số điều Luật Lâm nghiệp, trong đó cập nhật hướng xử lý các vướng mắc EVN nêu. Dự kiến tuần tới hồ sơ dự thảo nghị định này sẽ được Bộ trình Chính phủ, và có hiệu lực từ 1/4/2024.
Dẫu vậy, Thủ tướng “giục” Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, đồng thời giao Phó thủ tướng Trần Lưu Quang xử lý các vấn đề liên quan, hoàn thành sửa đổi, bổ sung Nghị định 156 trước Tết Âm lịch, với tinh thần đã “cam kết là làm, thực hiện và có kết quả”.
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài sẽ tăng cung ứng điện cho miền Bắc khoảng 2.000 MW khi hoàn thành. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp lưu ý cần thực hiện, thi công song song các dự án nguồn điện đấu nối với đường dây này để phát huy hiệu quả.
Theo ông, trong số các dự án nguồn điện trên có nhiều dự án do doanh nghiệp ngoài Nhà nước đầu tư. Trường hợp các dự án này không triển khai, chậm tiến độ, ông đề xuất Chính phủ xem xét, giao lại cho Nhà nước thực hiện.
Bởi, hiện EVN, PVN và TKV chiếm khoảng 48% công suất nguồn điện hệ thống, còn lại thuộc các thành phần kinh tế tư nhân trong, ngoài nước. “Với sản lượng này thì không đảm bảo công suất tối thiểu, khi có vấn đề gì xảy ra rất khó xử lý”, ông Hoàng Anh góp ý.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý EVN, EVNNPT phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch, tiến độ với từng công việc để triển khai, tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Ông giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Công Thương giao ban hàng tháng và báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền.