Botulinum nhiễm vào cơ thể qua tiêu thụ thực phẩm, vết thương hở, thậm chí là sữa công thức pha cho bé nhũ nhi.
Botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh. Khi vào cơ thể, nó gắn chặt vào các dây thần kinh, gây liệt toàn bộ cơ. Điểm đặc trưng của liệt do botulinum là liệt mềm, đối xứng hai bên, lan từ vùng đầu xuống chân. Liệt nặng có thể gây suy hô hấp, dẫn đến tử vong.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, dạng ngộ độc phổ biến nhất là qua đường ăn uống, thường gọi ngộ độc thực phẩm. Hầu hết ca ngộ độc botulinum thời gian qua là sau khi ăn thực phẩm nhiễm khuẩn, như pate chay (năm 2020), cá muối chua (tháng 3/2023), nghi do ăn giò lụa (tháng 5/2023 – chưa kết luận nguyên nhân).
Thịt hay rau, củ, quả, hải sản được đóng gói kín đều có thể nhiễm độc tố. Ví dụ, ở Thái Lan đã xảy ra trường hợp ngộ độc botulinum do ăn măng đóng lọ, còn Trung Quốc ghi nhận ca ngộ độc sau ăn đậu lên men.
Vi khuẩn Clostridium botulinum tồn tại nhiều ở môi trường dưới dạng có vỏ bọc (bào tử), có thể lẫn trong nhiều loại nguyên liệu thực phẩm và chịu đựng được nhiệt độ đun nấu thông thường.
Vi khuẩn có đặc điểm kỵ khí, tức chỉ phát triển trong môi trường thiếu không khí, không phát triển được trong môi trường chua (pH<4,6), mặn (nồng độ muối ăn >5%). Như vậy, thực phẩm khi chế biến có lẫn một vài bào tử vi khuẩn do quy trình sản xuất không đảm bảo sạch, hoặc được đóng gói kín vào chai, lọ, hộp, lon, túi trong khi không đủ độ chua, độ mặn, sẽ tạo điều kiện vi khuẩn phát triển và sinh độc tố botulinum.
Việt Nam cũng ghi nhận ca ngộ độc botulinum ở trẻ bú mẹ (nhũ nhi), theo bác sĩ Nguyên. Hai năm trước, một em bé điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, triệu chứng liệt gây nhầm với viêm não. Khi khai thác dịch tễ, các bác sĩ xác định bé ngộ độc botulinum, khả năng do bào tử từ môi trường như bụi, chai bẩn, lẫn trong sữa bé uống.
Đường tiêu hóa của trẻ dưới 12 tháng tuổi, nhất là 6 tháng đầu đời chưa hoàn thiện, chưa có đủ vi khuẩn có lợi để ngăn chặn vi khuẩn có hại trong đường ruột. Trẻ ăn sữa ngoài sớm, trong điều kiện môi trường không sạch, một vài bào tử lẫn vào sữa, thức ăn của trẻ. Lúc này, trong đường tiêu hóa của trẻ, bào tử “nở ra” sinh độc tố, gây nhiễm độc.
“Nguy hiểm hơn là nhiều trẻ nhiễm độc botulinum dễ bị nhầm lẫn với các bệnh viêm não, suy hô hấp, viêm phổi do triệu chứng như nhau”, bác sĩ Nguyên nói, khuyến cáo nên nuôi con bằng sữa mẹ. Trường hợp trẻ phải ăn sữa ngoài cần đảm bảo môi trường sạch sẽ, dụng cụ pha sữa vô khuẩn.
Dạng nhiễm độc tố botulinum nữa là qua vết thương. Những người có vết thương từ tai nạn lao động, giao thông, sinh hoạt… khi bị các bào tử từ môi trường xâm nhập vào sẽ phát triển và sinh ra độc tố. “Có bao nhiêu trường hợp uốn ván thì có bấy nhiêu trường hợp nhiễm botulinum, bởi các loại vi khuẩn cùng họ với nhau sẽ hoạt động tương tự nhau”, bác sĩ Nguyên so sánh.
Vì vậy, để phòng tránh dạng nhiễm độc này, mọi người cần tuân thủ nguyên tắc sơ cứu ban đầu, làm sạch, sau đó xử lý và chăm sóc vết thương theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, còn một dạng ngộ độc botulinum nữa là do khủng bố an ninh quốc phòng từ vũ khí sinh học, nhưng hiếm xảy ra.
Thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ ngộ độc botulinum. Mới nhất là 5 người ở TP Thủ Đức ngộ độc botulinum sau ăn giò lụa bán dạo và một người sau ăn mắm. Bệnh này cần thuốc giải độc ngay trong 72 giờ kể từ khi bị ngộ độc. Lúc này Việt Nam chỉ còn hai lọ thuốc giải độc BAT, được truyền cho ba em bé. Ba người còn lại chỉ có thể điều trị hỗ trợ triệu chứng. Một tuần sau, người ăn mắm chết trước khi được truyền thuốc giải độc do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ; hai người quá “thời gian vàng” truyền thuốc giải, liệt gần như hoàn toàn.
Lê Nga