Doanh thu du lịch 4 ngày dịp 2/9 của Thanh Hóa bằng 24% so với đợt 30/4, trong khi Nghệ An giảm 70%.
Trong 4 ngày nghỉ lễ, toàn tỉnh Thanh Hóa đón 320.000 lượt khách, mang về doanh thu 663 tỷ đồng, công suất phòng đạt 29%. Riêng công suất phòng tại khu du lịch Pù Luông đạt 100%. Tuy nhiên, nếu so với dịp 30/4, cả lượng khách và doanh thu đều giảm mạnh, lần lượt bằng 26,6% và 24%.
Dịp 30/4, Thanh Hóa đứng top hai về doanh thu du lịch với hơn 2.800 tỷ đồng và đón 1,2 triệu lượt khách, sau TP HCM. Thời điểm đó, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Nguyên Hồng cho biết tỉnh đã đón lượng khách “cao kỷ lục” dù thời tiết không thuận lợi, trời mưa những ngày đầu nghỉ lễ.
Nghệ An đón 270.000 lượt khách, tổng thu du lịch đạt trên 500 tỷ đồng, công suất phòng đạt trên 50%. Tuy nhiên, kết quả này chỉ bằng 30% so với 780.000 lượt khách và 1.500 tỷ đồng dịp 30/4.
Ngoài Thanh Hóa, nhiều tỉnh thành dịp 30/4 dẫn đầu cả nước về doanh thu du lịch hoặc là điểm nóng du lịch, như TP HCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Nghệ An đều thu về ít hơn trong dịp Quốc khánh.
TP HCM ước đón 960.000 lượt khách trong 4 ngày nghỉ lễ, theo thống kê từ Sở Du lịch thành phố, doanh thu ước đạt 2.890 tỷ đồng, công suất phòng ước đạt 80%. Lượng khách tăng nhẹ so với dịp 30/4 (950.000 lượt), công suất phòng cao hơn 10% nhưng doanh thu thấp hơn, chỉ đạt 93%.
Hà Nội ước đón 640.000 lượt khách, doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng, công suất phòng khách sạn đạt 59,5%. Cả ba chỉ số này tăng so với cùng kỳ 2022 nhưng lượng khách và doanh thu thấp hơn so với dịp 30/4. Vào kỳ nghỉ lễ 30/4, Hà Nội đón hơn 720.000 lượt khách, thu về 2.400 tỷ đồng và công suất phòng đạt 58%.
Khánh Hòa đón hơn nửa triệu lượt khách, doanh thu đạt 662 tỷ đồng, công suất phòng đạt 69%. Con số này thấp hơn 850 tỷ đồng và 800.000 lượt khách mà tỉnh đón dịp 30/4.
Kiên Giang nói chung và thành phố Phú Quốc nói riêng cũng sụt giảm 50% lượng khách ghé thăm so với 30/4. Trong 4 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh, Kiên Giang ước đón gần 127.000 lượt khách. Thành phố Phú Quốc ước đón gần 63.000 lượt. Dịp 30/4, Kiên Giang đón 265.000 lượt, riêng Phú Quốc đón 112.000 lượt.
Trong khi đó, Hà Giang vẫn giữ vững ngôi vị là một trong những tỉnh thành có công suất phòng cao nhất nước. Trong hai ngày 2 và 3/9, công suất phòng toàn tỉnh đạt 95-100%. Vào ngày đầu và cuối kỳ nghỉ lễ, công suất phòng đạt 80-93%. Dịp 30/4, công suất phòng của Hà Giang cũng vào top cao nhất nước, trung bình 5 ngày nghỉ lễ đạt 95%.
Theo Sở Du lịch tỉnh, năm nay Hà Giang có nhiều hoạt động khác biệt so với những năm trước. Thành phố Hà Giang và các huyện Vị Xuyên, Quản Bạ đã đầu tư các xe chở hoa với chủ đề sắc thu, trong khi huyện Đồng Văn tổ chức lễ hội khèn Mông nhằm thu hút khách du lịch. Tổng thu du lịch đạt gần 178 tỷ đồng, bằng 59% so với dịp 30/4.
Một trong những lý do khiến nhiều tỉnh thành là điểm du lịch nổi tiếng cả nước có lượng khách và doanh thu không bằng 30/4 là dịp nghỉ lễ 2/9 ít hơn một ngày, nhiều du khách đã đi chơi dịp hè nên Quốc khánh không có kế hoạch đi tiếp. Trẻ nhỏ cũng chuẩn bị vào năm học mới nên các gia đình hạn chế đi chơi xa hoặc dài ngày. Thời tiết ở một số điểm đến tại các thành phố biển miền trung và nam như Đà Nẵng, Bình Định, Phú Quốc không thuận lợi do ảnh hưởng của bão hoặc có mưa.
Nhóm phóng viên