Để mở rộng kinh doanh, không ít doanh nghiệp niêm yết chọn đường tắt là gia tăng nợ vay để tài trợ nguồn vốn thực hiện các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) trong cùng lĩnh vực.
Doanh nghiệp chọn “đường tắt”, mở rộng kinh doanh bằng M&A theo chiều ngang
Để mở rộng kinh doanh, không ít doanh nghiệp niêm yết chọn đường tắt là gia tăng nợ vay để tài trợ nguồn vốn thực hiện các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) trong cùng lĩnh vực.
Nhà máy Thủy điện Hủa Na (Ảnh: Lê Toàn) |
Thực hiện M&A cả công ty cảng và công ty vận tải
Khi công suất gần đạt tối đa, khả năng mở rộng hạn chế, để có thể nhanh chóng mở rộng kinh doanh, các doanh nghiệp niêm yết chọn phương án đi tắt bằng việc thâu tóm đối thủ cạnh tranh, thay vì đầu tư từ đầu.
Chẳng hạn, tháng 7/2024, Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship, mã VSC) mua thêm 65% vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ, tương ứng khoảng 2.179 tỷ đồng để nâng sở hữu từ 35%, lên 100%.
Theo kỳ vọng của lãnh đạo Viconship, khi thâu tóm cảng Nam Hải Đình Vũ, Công ty sẽ tiếp nhận lượng hàng hóa từ cảng Green và Vip Green trong trường hợp trùng lịch tàu diễn ra, giúp giảm chi phí dịch vụ thuê ngoài, từ đó, cải thiện biên lợi nhuận gộp của Viconship.
Để mở rộng kinh doanh thông qua hoạt động M&A, cả Viconship và Thủy điện Hủa Na đều gia tăng nợ vay.
Bên cạnh đó, cảng Nam Hải Đình Vũ nằm chính giữa 2 cảng thuộc sở hữu của Viconship là Vip Green và VIMC Đình Vũ. Việc cảng Nam Hải Đình Vũ “liền thổ” với Vip Green tạo ra hệ thống cầu cảng liền mạch dài trên 800 m, giúp Viconship tối ưu chi phí vận hành, gia tăng năng lực làm hàng.
Theo tìm hiểu, cảng Nam Hải Đình Vũ nằm tại khu vực hạ lưu sông Cấm, phía trước cầu Bạch Đằng, công suất thiết kế đạt 550.000 TEU và có thể đón tàu tới 48.000 TEU. Sau khi thâu tóm cảng Nam Hải Đình Vũ, Viconship sở hữu 5 cảng, với tổng công suất thiết kế đạt 2,45 triệu TEU, xấp xỉ 30% tổng công suất cụm cảng Hải Phòng.
Mặc dù vậy, các đơn vị phân tích đưa ra dự báo thận trọng về việc khai thác cảng Nam Hải Đình Vũ sau khi Viconship chính thức nâng sở hữu lên 100%. Trong đó, Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank Securities) dự báo, cảng Nam Hải Đình Vũ sẽ đạt hiệu suất 40% trong năm 2024 và 45% trong năm 2025. Chứng khoán DSC cũng dự báo, công suất khai thác cảng Nam Hải Đình Vũ năm 2024 đạt 40%, chủ yếu nhờ nguồn hàng chuyển từ 2 cảng chính của Viconship.
Vietcombank Securities dự báo, đến năm 2025-2026, tại khu vực Hải Phòng, nguồn cung tăng khoảng 34% so với hiện nay. Mặc dù áp lực nguồn cung tăng, nhưng các chuyên gia cho rằng, về dài hạn, ngành cảng biển Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, việc tăng phí dịch vụ bốc xếp, nên doanh nghiệp tiếp tục gia tăng công suất, xây dựng mới để mở rộng năng lực tại các khu vực chính.
Thực tế, không chỉ mở rộng lĩnh vực cảng, gần đây, Viconship còn có động thái muốn thông qua M&A để mở rộng lĩnh vực vận tải. Trong đó, Viconship đã hoàn tất nhận chuyển nhượng hơn 12,76 triệu cổ phiếu CTCP Vận tải biển Vinaship (mã VNA) để nâng sở hữu từ 2,46%, lên 40,01% vốn điều lệ, tương ứng số tiền 344,72 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Vận tải biển Vinaship tiền thân là Công ty Vận tải biển III, thành lập năm 1984. Nguồn thu của Công ty chủ yếu vẫn từ hoạt động kinh doanh vận tải biển quốc tế và một phần từ hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải, bốc xếp, khai thác bãi container.
Trong đó, Vinaship đang sở hữu đội tàu gồm 5 chiếc với tổng tải trọng 95.861 DWT, độ tuổi bình quân hơn 20 tuổi, trong đó 3 tàu có trọng tải 22.000 – 27.000 DWT (28 tuổi), một tàu trọng tải 13.245 DWT (16 tuổi) và một tàu trọng tải 6.500 DWT (21 tuổi).
Có thể thấy, việc nâng sở hữu lên 40,01% tại Vinaship giúp Viconship tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh cốt lõi là vận tải, bên cạnh lĩnh vực cảng.
Sử dụng nợ vay để tài trợ thương vụ M&A doanh nghiệp cùng ngành
Tương tự Viconship, Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na (mã HNA) niêm yết trên sàn HoSE vào tháng 1/2024 khi chỉ sở hữu duy nhất một nhà máy là Nhà máy Thủy điện Hủa Na, công suất 180 MW, tổng vốn đầu tư 7.092 tỷ đồng, đưa vào vận hành từ năm 2013.
Việc sở hữu một nhà máy đã đi vào vận hành từ năm 2013 cũng đặt ra cho doanh nghiệp vấn đề tăng trưởng. Thay vì đầu tư dự án mới, lãnh đạo Thủy điện Hủa Na đã quyết định thâu tóm Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn (tỉnh Nghệ An) vào tháng 10/2024, công suất lắp đặt 20 MW với 2 tổ máy, đi vào vận hành từ ngày 6/9/2014, với tổng mức đầu tư 513 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý, để mở rộng kinh doanh thông qua hoạt động M&A, cả Viconship và Thủy điện Hủa Na cùng gia tăng nợ vay.
Nếu như tại thời điểm ngày 1/1/2022, Viconship không sử dụng nợ vay, thì tới ngày 30/9/2024, tổng nợ vay lên tới 2.182 tỷ đồng, bằng 47,4% vốn chủ sở hữu (trung bình ngành chỉ 39%).
Tương tự, dù chưa tăng nợ vay, nhưng Thủy điện Hủa Na thông qua kế hoạch vay vốn Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội để mua Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn, số tiền vay tối đa 487,62 tỷ đồng.
Ông Hoàng Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Thủy điện Hủa Na chia sẻ, Công ty có kế hoạch dùng 696,6 tỷ đồng để đầu tư Dự án Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn (cơ cấu vốn 30% vốn chủ sở hữu, khoảng 208,98 tỷ đồng và 70% vốn vay, tương ứng khoảng 487,62 tỷ đồng).
Như vậy, nếu cơ cấu vốn không đổi, ước tính sau khi nhận thêm nợ vay để thâu tóm Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn, tổng nợ vay của Thủy điện Hủa Na tăng lên 596,53 tỷ đồng, bằng 18,97% vốn chủ sở hữu.
Có thể thấy, cùng với chiến lược M&A, việc gia tăng sử dụng nợ vay đang tạo áp lực chi phí tài chính đáng kể đối với cả Thủy điện Hủa Na và Viconship hậu M&A và việc này sẽ làm giảm hiệu quả bởi các dự án M&A cần thêm thời gian để nâng cấp.
Nguồn: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-chon-duong-tat-mo-rong-kinh-doanh-bang-ma-theo-chieu-ngang-d229879.html