Với nhiều doanh nghiệp, M&A là viết tiếp câu chuyện phát triển, củng cố sức mạnh, hoàn thiện hệ sinh thái và năng lực cạnh tranh dài hạn.
Với nhiều doanh nghiệp, M&A là viết tiếp câu chuyện phát triển, củng cố sức mạnh, hoàn thiện hệ sinh thái và năng lực cạnh tranh dài hạn.
M&A giúp doanh nghiệp cộng hưởng sức mạnh. Trong ảnh: Dự án Eaton Park của Gamuda Land sau khi mua lại quỹ đất từ Tâm Lực |
M&A để cộng hưởng sức mạnh
Sau 3 năm kể từ khi mua cổ phần của Bảo hiểm AAA từ Tập đoàn IAG (Australia), Tập đoàn Bamboo Capital đánh giá đây là thương vụ thành công điển hình mà doanh nghiệp tâm đắc trong và sau M&A.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Tùng Lâm, Tổng giám đốc Bamboo Capital cho biết, khi đó, Bảo hiểm AAA đối mặt với hàng loạt khó khăn, doanh thu năm 2022 chỉ đạt 196 tỷ đồng, quy trình bồi thường còn nhiều hạn chế và dịch vụ khách hàng chưa được tối ưu.
Sau khi tiếp quản, Bamboo Capital đã triển khai chiến lược tái cấu trúc toàn diện như đổi mới hình ảnh, thông điệp và chiến lược truyền thông để thu hút khách hàng. Thiết kế các sản phẩm bảo hiểm mới, phù hợp nhu cầu thị trường; cải thiện quy trình chăm sóc khách hàng và quy trình bồi thường “nhanh – đúng – đủ”.
M&A không phải là “cá lớn nuốt cá bé” hoặc thâu tóm, mà là giữ lửa để cùng nhau thiết lập một nền tảng phát triển lâu dài.
“Chỉ sau 3 năm, Bảo hiểm AAA đã lột xác ngoạn mục, từ vị trí thứ 27/32 trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ, vươn lên Top 15 công ty bảo hiểm phi nhân thọ tốt nhất Việt Nam. Doanh thu năm 2024 dự kiến đạt 1.500 tỷ đồng, tăng gần 8 lần so với thời điểm trước khi Bamboo Capital tiếp quản”, ông Lâm thông tin.
Nói thêm về giá trị cộng hưởng hậu M&A, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang cho rằng, khi liên doanh, hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài thì phải hướng đến dài hạn, bền vững. Đó là lựa chọn thông minh.
Cách đây 6 – 7 năm, Phúc Khang xúc tiến hợp tác đầu tư với Tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản và đã đầu tư thành công Dự án Diamond Lotus Riverside (quận 8, TP.HCM) với 800 căn hộ tiêu chuẩn xanh tầm quốc tế.
“Sau 5 năm, chúng tôi đã có đứa con đầu lòng là dự án bất động sản xanh. Với triết lý kinh doanh an toàn, bền vững, chúng tôi đã gặp được đối tác Mitsubishi có cùng triết lý như thế”, bà Mẫu chia sẻ.
Theo vị doanh nhân này, nhà đầu tư Nhật Bản khó tính, nhưng khi đã trở thành đối tác với họ thì doanh nghiệp sẽ được lợi rất nhiều, trưởng thành nhiều.
Còn với Coteccons – “ông lớn” trong ngành xây dựng, năm 2024 đã hoàn tất thủ tục giao dịch mua lại 100% vốn góp 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Sinh Nam Metal (Việt Nam) và Công ty TNHH Cơ và Điện UG Việt Nam (UG M&E). Bà Nguyễn Trần Thục Anh, Giám đốc đầu tư Covestcons (công ty thành viên của Coteccons) cho hay: “Cả hai công ty này đều là đối tác lâu năm của Convestcons. Trong thời gian hoạt động, họ đều tạo ra dấu ấn di sản nhất định và đều được đối tác công nhận”.
Theo bà Thục Anh, thương vụ đàm phán xong, nhưng giao dịch (deal) chưa đóng lại. Giá trị công ty mong muốn xây dựng là con đường dài sau giao dịch. Chính vì thế, công ty tận dụng thế mạnh nội tại của các bên để cùng tạo giá trị cho nhau và tạo giá trị cho xã hội.
“Cách tiếp cận của chúng tôi không chỉ đơn thuần là M&A như cá lớn nuốt cá bé hoặc thâu tóm, chúng tôi đi theo phương châm ‘Keep the fire burning’ – nghĩa là giữ lửa để cùng nhau thiết lập một nền tảng phát triển lâu dài”, bà Thục Anh nói thêm.
Chiến lược giúp thương vụ M&A thành công
Giải mã chiến lược thành công trong các thương vụ M&A, bà Lưu Thị Thanh Mẫu đúc kết, có 3 điều cần quản trị.
Thứ nhất là cần quản trị mục tiêu trước khi làm việc với nhà đầu tư nước ngoài. Khi làm với nước ngoài cần chuẩn bị và làm tốt về kỷ luật lao động, minh bạch, vấn đề tiền là sau cùng, thì lợi ích sẽ đến sau đó.
Thứ hai, quản trị sự thay đổi như thế nào. Khi Phúc Khang làm việc với Mitsubishi – một doanh nghiệp 9 tuổi với doanh nghiệp 130 tuổi, họ gửi email vào lúc 2 giờ sáng ngày mùng 2 Tết, thì doanh nghiệp buộc phải làm việc vào ngày mùng 2 Tết để việc hợp tác đi đến thành công.
Thứ ba, cần phải quản trị mục tiêu, quản trị được tiêu chuẩn, mô hình phát triển. Thay vì ở trong nước ngồi chờ, doanh nghiệp cần chủ động đi tìm nguồn lực mình thiếu và tìm đòn bẩy giúp mình phát triển mạnh hơn như doanh nghiệp nước ngoài.
Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp mình, bà Mẫu rút ra bài học, để thành công trong M&A, hãy làm bằng động lực trong sáng và bằng cả trái tim, dù lợi nhuận có thể thấp.
Ông Angus Liew, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Gamuda Land Việt Nam nhận định, tất cả các thương vụ M&A đều là bài học quý giá. Gamuda Land đã tham gia 6 thương vụ mua và 6 thương vụ bán, từ đó đúc kết được nhiều kinh nghiệm quan trọng.
Để thực hiện M&A thành công, ông Angus Liew nhấn mạnh 3 yếu tố chính. Đầu tiên là kỳ vọng những yếu tố không thể đoán định. Bởi quá trình thương thảo trong M&A luôn có nhiều yếu tố không lường trước được.
Chính vì vậy, cần phải có một kế hoạch dự phòng (kế hoạch B) để ứng phó với những rủi ro bất ngờ. Việc lường trước và chuẩn bị kỹ càng sẽ giúp giảm thiểu tác động của những tình huống không mong muốn.
Tiếp đến là lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín. Theo ông Liew, việc lựa chọn đơn vị tư vấn là yếu tố sống còn trong M&A. Một công ty tư vấn mạnh mẽ và có kinh nghiệm sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình và vượt qua những quy định phức tạp. Sai lầm trong việc lựa chọn tư vấn có thể dẫn đến thất bại của cả thương vụ.
Cuối cùng là sự linh hoạt và kiên nhẫn, vì M&A không bao giờ là con đường thẳng. Để đạt được thành công, các bên phải có sự linh động và hỗ trợ lẫn nhau xuyên suốt quá trình. Thời gian có thể kéo dài, nhưng kiên nhẫn là chìa khóa. Muốn đi nhanh thì phải đi từ từ.
Bà Bình Lê, Tổng giám đốc, Trưởng bộ phận M&A, Công ty Tư vấn thương vụ ASART nêu quan điểm, nhà tư vấn không chỉ dừng lại ở việc kết nối, mà còn hiểu được tầm nhìn chiến lược mỗi bên, hai bên đến với nhau như thế nào, đưa ra định hướng chung như thế nào… điều đó mới đưa đến hậu thương vụ, đưa đến quyết định tiên quyết.
“Các thương vụ quan trọng, có quy mô nhất định, thì ngay cả nhà đầu tư cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải có nhà tư vấn, vì họ không muốn tham gia vào một cuộc chơi mà phải hướng dẫn bên kia chơi như thế nào. Lường trước nhiều vấn đề rủi ro sẽ cho thấy việc tư vấn có ý nghĩa quan trọng”, bà Bình Lê nhấn mạnh.
Nguồn: https://baodautu.vn/kien-tao-gia-tri-hau-ma-d231463.html