Đoàn tàu di sản sẽ đưa khách từ ga Hà Nội đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm tham gia Lễ hội thiết kế, sáng tạo từ ngày 18 đến 26/11.
Ngành đường sắt sẽ tổ chức hai chuyến tàu riêng mang tên Hành trình di sản từ ga Hà Nội qua ga Long Biên, đến ga Gia Lâm, khởi hành lúc 8h và 13h20, chiều ngược lại từ ga Gia Lâm lúc 10h50 và 16h. Giá vé 20.000 mỗi lượt. Đoàn tàu gồm 3 toa, được thiết kế riêng, trang trí nghệ thuật. Trên tàu có nghệ sĩ biểu diễn.
Từ ga Gia Lâm, du khách có thể đi bộ đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm – nơi tổ chức Lễ hội thiết kế, sáng tạo Hà Nội, tham quan nhiều công trình kiến trúc và đầu máy xe lửa hơi nước Tự Lực, biểu tượng của ngành đường sắt.
Ông Hoàng Năng Khang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho hay chuyến tàu được dành riêng phục vụ du khách dịp lễ hội, đi qua 3 nhà ga lịch sử nhằm giúp người dân hiểu thêm về các di sản của ngành. Sau tuần lễ hội, đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư, trang trí các nhà ga Hà Nội, ga Long Biên để trở thành điểm tham quan, nâng cao giá trị văn hóa lịch sử.
Lễ hội Thiết kế, sáng tạo Hà Nội diễn ra từ 17 đến 26/11. Toàn thành phố sẽ có 60 hoạt động văn hóa, giới thiệu 4 công trình kiến trúc, 20 cuộc trưng bày và triển lãm, chuỗi sự kiện cộng đồng tại nhiều địa điểm là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu, vườn hoa Vạn Xuân, ga Long Biên, ga Gia Lâm và tại nhiều quận huyện, thị xã. Lễ hội có sự tham gia của hơn 200 đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sĩ. Các hoạt động mở cửa cho khách tham quan miễn phí.
Nhà máy xe lửa Gia Lâm sẽ diễn ra lễ khai mạc, bế mạc và tổ chức nhiều triển lãm thiết kế sáng tạo, đánh thức các nhà máy, kho xưởng đang “say ngủ”. Tháp nước Hàng Đậu lần đầu tiên mở cửa cho khách tham quan. Nơi đây sẽ trưng bày Sắp đặt nước và di sản tháp nước Hàng Đậu với nghệ thuật sắp đặt ánh sáng từ vật liệu tái chế và hệ thống âm thanh của nước.
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cho biết năm nay lễ hội với chủ đề Dòng chảy tập trung vào 3 trụ cột thiết kế, cộng đồng và sáng tạo. Các sự kiện nhằm phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, hướng tới sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo của Thủ đô; khuyến khích hình thành cộng đồng sáng tạo và kết nối các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật…
Sau 10 ngày tổ chức lễ hội, Sở sẽ đề xuất thành phố có cơ chế giữ gìn các tài sản công có giá trị văn hóa, thu hút du khách tham quan như Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu.