Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc, với các Bộ gồm: Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Nội vụ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, Đoàn giám sát chuyên đề này đã làm việc với 11 bộ ngành và 15 địa phương, xây dựng báo cáo kết quả giám sát bước đầu, đồng thời báo cáo lãnh đạo Quốc hội vào ngày 11/8 và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Phiên họp 25 ngày 17/8 vừa qua. Trên cơ sở ý kiến kết luận tại Phiên họp thứ 25 của UBTVQH và để hoàn thiện báo cáo, Đoàn Giám sát tiếp tục làm việc với các Bộ ngành.
Mặc dù Chính phủ và các Bộ ngành trung ương đã có nhiều cố gắng triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận thấy, hơn 2 năm qua, việc triển khai thực các CTMTQG vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, khó khăn, yếu kém. Theo nhận định ban đầu của Đoàn giám sát, CTMTQG xây dựng nông thôn mới chưa có chiều sâu và thiếu bền vững. Khả năng nợ tiêu chí, hụt tiêu chí và khả năng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, mặc dù giảm nghèo nhanh, đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra nhưng không bền vững, bao trùm đa chiều chưa đạt được, đặc biệt vấn đề giảm nghèo và thu nhập sinh kế, nguy cơ tái nghèo cao và hộ cận nghèo cao. Do đó, đề nghị cho ý kiến thêm về thực tế này.
Qua giám sát tại các bộ ngành và địa phương, Đoàn giám sát nhận thấy, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành còn nhiều vướng mắc, mô hình ở địa phương chưa phù hợp, đặc biệt đối với CTMTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Một số nguyên tắc chưa được thực hiện hiệu quả, như lồng ghép, phân cấp phân quyền; hỗ trợ chưa hiệu quả hoặc chưa rõ ràng. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, do công tác quản lý, điều hành các CTMTQG còn nhiều vướng mắc như vậy nên dễ dẫn đến tình trạng lãng phí, tham nhũng, trục lợi chính sách, sợ sai, né tránh, đùn đẩy…
Trên tinh thần đánh giá khái quát các nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị với trách nhiệm tham gia 3 CTMTQG của từng Bộ, các Bộ giải trình làm rõ ý kiến về các vấn đề đã nêu trong lĩnh vực Bộ phụ trách.
Cũng tại cuộc làm việc, các đại biểu nghe Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung trình bày báo cáo của Tổ Công tác làm việc với Bộ Nội vụ; nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan báo cáo các nội dung của Tổ Công tác làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry trình bày báo cáo của Tổ Công tác làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà báo cáo các nội dung của Tổ Công tác làm việc với Bộ Y tế.
Đại diện lãnh đạo các Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch và Bộ Y tế đã giải trình, làm rõ một số nội dung Đoàn giám sát nêu về các nội dung liên quan đến trách nhiệm của từng Bộ phụ trách.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương – Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, qua làm việc, Đoàn giám sát tiếp thu toàn bộ ý kiến của các Bộ, ngành, các ý kiến rất thực tiễn, cầu thị. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các Bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo yêu cầu của Tổ Công tác.
Trên cơ sở cuộc làm việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các Tổ Công tác, các Bộ ngành hoàn thiện báo cáo, gửi báo cáo tổng hợp, hệ thống số liệu cũng những nhận định đánh giá sát thực tế… cho Tổ giúp việc của Đoàn giám sát. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Tổ giúp việc ban hành Kế hoạch thời gian để gửi Đoàn giám sát.
Dự kiến, Đoàn giám sát sẽ làm việc với Chính phủ vào ngày 8/9 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào Báo cáo kết quả giám sát tại Phiên họp thứ 26 vào ngày 14/9 tới.