Với hơn 2.150 ha chè, trên 10.400 ha cây ăn quả và hơn 3.000 ha rau màu, cùng hệ thống 80 ha nhà kính, nhà lưới và hơn 500 ha ứng dụng tưới tiết kiệm, Mộc Châu đang hiện thực hóa tiềm năng kinh tế dồi dào. Đặc biệt, hơn 350 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất đất nông nghiệp lên mức trung bình trên 80 triệu đồng/ha/năm, thậm chí đạt 250 triệu đồng/ha tại các vùng ứng dụng công nghệ cao.
Sự thành công này được minh chứng rõ nét qua việc xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng như chè, sữa, mận hậu, bơ, hồng giòn, cam… được bảo hộ bằng chỉ dẫn địa lý và bộ nhận diện sản phẩm riêng.
Hệ thống 111 hợp tác xã nông nghiệp với hơn 1.110 thành viên cùng 33 sản phẩm OCOP (trong đó có 11 sản phẩm đạt 4 sao và 22 sản phẩm đạt 3 sao) là minh chứng rõ ràng cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Mộc Châu. Các sản phẩm OCOP, được sản xuất từ nguyên liệu chất lượng cao của hội viên nông dân, không chỉ tạo ra đầu ra ổn định mà còn nâng cao đáng kể thu nhập cho người dân.
Mộc Châu còn nổi bật với gần 3.500 ha mận hậu – vùng trồng mận hậu lớn nhất cả nước. Người dân không chỉ tập trung vào sản lượng mận mà còn khéo léo kết hợp du lịch trải nghiệm, tận dụng vẻ đẹp của hoa mận và quả mận để thu hút du khách.
Anh Hồ Văn Đạt, chủ một vườn mận hơn 5.000 m2 ở thung lũng Nà Ka, cho biết đã điều chỉnh thời điểm nở hoa mận để phục vụ du khách dịp Tết Dương lịch, sau đó mới tập trung vào năng suất quả. Việc mở dịch vụ cắm trại ngay tại vườn giúp gia đình anh tăng thu nhập thêm khoảng 250.000 đồng/trại/đêm”.
Mô hình này được nhân rộng, tạo nên nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm hấp dẫn như tham quan trang trại, trải nghiệm thu hoạch nông sản, hay khám phá những đồi chè xanh mướt của Vinatea Mộc Châu, đồi chè hình trái tim, vân tay…
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, khẳng định, phát triển nông nghiệp bền vững và bảo tồn văn hóa là nền tảng cho du lịch Mộc Châu. Chính quyền luôn khuyến khích các mô hình du lịch cộng đồng, kết hợp nông nghiệp và du lịch, tạo ra những sản phẩm độc đáo, thu hút khách du lịch và nâng cao thu nhập cho người dân.
Mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch cộng đồng tại Mộc Châu không chỉ góp phần phát triển kinh tế bền vững mà còn khai thác tối đa tiềm năng của địa phương, mang lại lợi ích kinh tế đa dạng cho người dân, khẳng định vị thế của Mộc Châu như một điểm đến du lịch hấp dẫn và một mô hình phát triển nông nghiệp đáng học hỏi.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/son-la-phat-trien-nong-nghiep-gan-voi-du-lich.html