Tham gia thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH Đắk Nông nhấn mạnh: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ với tốc độ chưa từng có trong hơn 10 năm qua, có tác động lớn đến lĩnh vực viễn thông. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khẳng định “hạ tầng số là thiết yếu, bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt, ưu tiên đầu tư phát triển nhanh, đi trước một bước”. Việc phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác sẽ tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng tán thành rất cao việc sửa đổi Luật Viễn thông, nhằm khắc phục những vấn đề vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông, gây hạn chế quá trình phát triển. Tuy nhiên, đại biểu Hằng cho rằng dự án Luật cần quy định rõ ràng hơn về vấn đề sở hữu hoặc sở hữu phần lớn hạ tầng viễn thông đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Tại khoản 25 Điều 3 dự thảo Luật quy định “Phương tiện thiết yếu là bộ phận quan trọng của cơ sở hạ tầng viễn thông do một hoặc một số doanh nghiệp viễn thông sở hữu hoặc sở hữu phần lớn trên thị trường viễn thông và việc thiết lập mới bộ phận cơ sở hạ tầng này để thay thế là không khả thi về kinh tế, kỹ thuật.”, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu hơn đối với những nội dung “sở hữu hoặc sở hữu phần lớn”. Việc thiết lập mới bộ phận cơ sở hạ tầng này để thay thế là không khả thi về kinh tế, kỹ thuật; đồng thời, cần làm rõ hơn tính chất thiết yếu của loại cơ sở hạ tầng này, không phải cứ “do một hoặc một số doanh nghiệp viễn thông sở hữu hoặc sở hữu phần lớn trên thị trường viễn thông và việc thiết lập mới bộ phận cơ sở hạ tầng này để thay thế là không khả thi về kinh tế, kỹ thuật” thì đã là thiết yếu. Về bản chất, những loại cơ sở hạ tầng mà các chủ thể phải tiếp cận, sử dụng thì mới có thể cung cấp được hàng hóa, dịch vụ của mình.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ nội dung “Chính phủ quy định việc xác định Danh mục thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý, việc xác định doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý” tại Khoản 1 Điều 18 dự thảo Luật, vì nội dung này đã được quy định tại Điều 24 Luật Cạnh tranh 2018 về Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, dựa trên các tiêu chí “sức mạnh thị trường đáng kể” và “thị phần trên thị trường liên quan”. Các tiêu chí, yếu tố nêu trên đã đủ để áp dụng nhằm xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường trong các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả lĩnh vực viễn thông. Vì vậy, đề nghị bỏ quy định này để thực hiện thống nhất theo quy định của Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tại khoản 3 Điều 48 dự thảo Luật, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung cụm từ “quy định cụ thể” và điều chỉnh như sau: Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định và quy định cụ thể việc chia sẻ hạ tầng viễn thông trong các trường hợp sau đây:… Lí do: Việc Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể sẽ giúp cho các doanh nghiệp viễn thông thuận lợi trong việc chia sẻ hạ tầng viễn thông và các địa phương thuận lợi trong quá trình quản lý, vận hành.
Tại Điều 64 dự thảo Luật, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định đối với diện tích đất để xây dựng các công trình viễn thông. Lí do: Hiện nay, các công trình viễn thông (trạm BTS) tại khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, khu vực khó khăn đa số xây trên đất rừng, đất nông nghiệp… Các doanh nghiệp muốn xây dựng công trình phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do đó, để khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng tại khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, khu vực khó khăn cần quy định đối với các loại đất để xây dựng công trình viễn thông.