Thụy SĩMột phần đỉnh núi Fluchthorn thuộc dãy Silvretta Alps đột ngột sụp đổ hôm 11/6 khiến hơn 100.000 m3 đá đổ xuống thung lũng bên dưới.
Vụ sạt lở xảy ra sau một thời gian dài Thụy Sĩ hứng chịu nhiệt độ cao. Đây có thể là kết quả của việc tầng đất đóng băng vĩnh cửu tan chảy. Các nhà khoa học cảnh báo, những sự kiện tương tự có thể xảy ra khi biến đổi khí hậu khiến nền đất đóng băng cổ xưa tan rã, Live Science hôm 26/6 đưa tin.
Riccardo Mizio, người cứu hộ trên núi, cho biết, cây thánh giá dựng trên đỉnh núi đã biết mất và không ai bị thương do đá rơi. Đỉnh chính của Fluchthorn đã mất khoảng 100 m. Vụ sụp đổ xảy ra ở phần phía tây, trong thung lũng Futschol. Đỉnh ở giữa, cao 3.397 m hiện là điểm cao nhất của Fluchthorn, nghĩa là ngọn núi thấp hơn trước đây khoảng 19 m.
Hầu hết đỉnh núi cao trên 2.500 m ở dãy Alps đều có tầng đất đóng băng vĩnh cửu bao phủ, ăn sâu vào các khe nứt giữa những khối đá rắn, giúp kết dính chúng. Không có lớp đất đóng băng này, vách núi có thể mất ổn định, dẫn đến sạt lở.
Biến đổi khí hậu tác động mạnh đến tầng đất đóng băng vĩnh cửu vì nhiệt độ tăng khiến băng ở các khe nứt tan ra. Điều này không phải bất thường vào mùa hè, khi lớp phía trên tầng đất đóng băng vĩnh cửu tan chảy trong thời gian ngắn, nhưng những đợt nắng nóng thường xuyên hơn ở dãy Alps đang làm cho lớp băng sâu hơn cũng dần tan chảy trong mùa hè.
Khi đất ấm lên, tầng đất vĩnh cửu tan chảy dự kiến làm mất ổn định thêm nhiều khối đá trên dãy Alps, dẫn đến sạt lở thường xuyên hơn. “Đỉnh núi Fluchthorn có lẽ đã đóng băng hàng nghìn năm. Do biến đổi khí hậu chậm tác động đến các lớp đá sâu hơn, sự sụp đổ của đỉnh núi này nhiều khả năng là kết quả của nhiệt độ khắc nghiệt từ mùa hè hoặc mùa thu năm ngoái”, Jan-Christoph Otto, nhà địa chất tại Đại học Salzburg, cho biết.
Ở dãy Alps, nhiệt độ khí quyển đã tăng đáng kể trong vài chục năm qua. Theo Cơ quan Khí tượng Thụy Sĩ, nhiệt độ dãy Alps đang tăng lên khoảng 0,3 độ C mỗi thập kỷ, nhanh gấp khoảng hai lần so với mức trung bình toàn cầu. Dựa trên dữ liệu dài hạn do các cảm biến trên mặt đá thu thập, cứ mỗi 10 năm, nhiệt độ trung bình bên trong đá lại tăng thêm 1 độ C.
Dù không thể dự đoán đỉnh hay vách núi nào của dãy Alps sẽ sụp đổ tiếp, giới chuyên gia cảnh báo rằng những vụ đá lở tương tự sẽ xảy ra khi thế giới ấm lên. Otto cho biết, có hàng trăm ngọn núi ở dãy Alps có tầng đất đóng băng vĩnh cửu. “Xem xét sự gia tăng nhiệt độ đang tiếp diễn tại dãy Alps, nhiều sự kiện tương tự hơn có thể xảy ra”, ông nhận định.
Thu Thảo (Theo Live Science)