Lào CaiDinh Hoàng A Tưởng sẽ được khôi phục giống với ban đầu từ vật liệu, kiến trúc đến nội thất và màu sơn gây tranh cãi hiện tại chỉ là màu thử, theo kiến trúc sư.
Cuối tháng 3, dinh đang được trùng tu Hoàng A Tưởng trở thành chủ đề gây tranh cãi khi tường cầu thang lên sảnh chính được sơn màu vàng nhạt, trắng và đỏ hồng. Nhiều người nhận xét màu sơn không tương thích với các mảng màu còn lại của tòa nhà, làm mất vẻ cổ kính của di tích.
Trả lời VnExpress, ông Trần Vũ, kiến trúc sư đảm nhiệm thiết kế, tu bổ, tôn tạo dinh Hoàng A Tưởng từ năm 2022, cho biết màu sơn hiện tại chỉ là màu thử, qua đó giúp ông và đơn vị tư vấn thiết kế (TVTK) có thể lựa chọn màu trực tiếp. Đây chưa phải màu được dùng để sơn toàn bộ di tích.
Dựa trên ảnh tư liệu đen trắng, chụp trước năm 2007 (thời điểm di tích được tu bổ lần đầu) và khảo sát thực tế, ông thấy tường khu vực cầu thang lên sảnh chính và các vòm cuốn được trát vữa giả gạch xây màu sẫm, mạch vữa màu trắng. Các dấu vết còn lại hay đặc trưng kiến trúc của thời kỳ đều chỉ ra những vị trí trên mang màu đỏ gạch.
“Việc sơn đại trà chưa thực hiện, nó là khâu cuối cùng trong xây dựng công trình”, ông nói và cho biết phải sơn thử để có phương án xử lý bề mặt phù hợp với với một di tích hơn 100 tuổi. Ngoài sơn, đơn vị thực hiện cũng mài bề mặt, xử lý mạch để tìm ra phương án gần nhất với di tích gốc. Kiến trúc sư tự tin màu sơn cuối sẽ tương đồng với di tích gốc.
Ông và đơn vị TVTK đã thể hiện màu sắc của công trình trên các bản vẽ thiết kế. Với sự thận trọng khi tu bổ tôn tạo di tích, chủ đầu tư và đơn vị TVTK thống nhất sẽ lựa chọn các phương án màu trên thực tế.
Dinh Hoàng A Tưởng nằm ở thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, được xây dựng năm 1914, hoàn thành năm 1921. Chủ nhân của ngôi nhà là ông Hoàng Yến Tchao, dinh được gọi theo tên người con thứ ở cùng là Hoàng A Tưởng. Dinh được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1999. Đây là nơi ở của gia đình Hoàng Yến Tchao từ năm 1921 đến 1950, bị bỏ hoang từ năm 1950 đến 1980 và từ năm 1980 đến 1999 được sử dụng làm UBND huyện Bắc Hà. Giai đoạn năm 2006-2007, dinh được cải tạo sửa chữa lớn.
Theo ông Vũ, khi công việc cải tạo hoàn thành năm 2007, dinh cũng bị chê xấu nhưng không nhạy cảm như bây giờ vì mạng xã hội chưa phổ biến. Sau 15 năm, dinh cũ đi, màu sơn nhạt, xuất hiện rêu mốc, mọi người bắt đầu quen mắt với “màu thời gian” này nên việc trùng tu công trình lần này lại gặp phản ứng từ dư luận.
“Dư luận thể hiện sự quan tâm và yêu quý di tích nhưng việc tu bổ tôn tạo phải căn cứ vào tư liệu, cơ sở khoa học để thực hiện”, ông nói.
Theo ông Vũ, lần cải tạo năm 2007 đã làm thay đổi những chi tiết kiến trúc ban đầu. Ví dụ, hình trang trí lá nguyệt quế, hoa dây trên tường sơn màu xanh, không đúng với di tích gốc. Ảnh tư liệu về dinh trong thời kỳ gia đình Hoàng Yến Tchao còn sống ở đây đều là ảnh đen trắng, tuy nhiên, xét trên tương quan sắc độ, ông Vũ khẳng định không có màu xanh trên di tích gốc. Ngoài ra, các vòm cuốn bị trát phẳng dù trước đây là vòm trát giả xây gạch. Các chi tiết này cũng được khẳng định qua ảnh tư liệu trước lần cải tạo năm 2007.
Dinh Hoàng A Tưởng đã trải qua nhiều biến cố, với các mục đích sử dụng khác nhau. Ông Vũ nói cơ sở tu bổ tôn tạo sẽ là thời kỳ gia đình Hoàng Yến Tchao sống ở đây vì giá trị của di tích gắn với thời điểm lịch sử, bối cảnh văn hóa và công nghệ xây dựng. Những khiếm khuyết trong lần sửa chữa năm 2007 sẽ được điều chỉnh.
Ông Vũ cho biết đã cùng các cộng sự tìm kiếm tài liệu các công trình tương đồng về thời điểm xây dựng, phong cách kiến trúc, nội thất như nhà họ Dương ở Cần Thơ; nhà Huỳnh Thủy Lê tại Đồng Tháp; nhà Trần Trinh Huy tại Bạc Liêu; nhà Lê Công Phước ở Cần Thơ; Vương Chính Đức tại Hà Giang, hay những làng cổ như làng Cựu, Cự Đà, Nha Xá, Đông Ngạc.
Họ tham khảo từ chi tiết của gạch lát nền đến hình thức, cấu tạo của chốt cửa, hay đồ nội thất. Việc tham khảo là cơ sở thực tế để hiểu về di tích, làm tư liệu cho quá trình tu bổ tôn tạo lần này cũng như thực hiện các dự án tiếp theo của dinh Hoàng A Tưởng.
Ông Vũ cho rằng sự độc đáo của dinh Hoàng A Tưởng thể hiện qua cách kết hợp giữa mặt bằng kiểu tứ hợp viện của Trung Hoa, kết cấu và hình thức kiến trúc kiểu thuộc địa Pháp với vật liệu xây dựng bản địa. Công trình thời kỳ này thường sơn tường màu trắng hoặc vàng, cửa sơn xanh với các mảng gạch trần (hoặc giả gạch) màu đỏ. Và kiến trúc với hình thức cổ điển luôn tuân thủ nghiêm ngặt về phong cách, màu sắc.
Ngoài tu bổ tôn tạo kiến trúc của di tích, ông Vũ cho biết khoảng sân trước dinh sẽ được mở rộng để tạo không gian phục vụ hoạt động văn hóa, du lịch của huyện Bắc Hà. Diện tích sân dinh sẽ không rộng được như di tích gốc. Hệ thống cây xanh của dinh cũng được chú trọng bảo tồn, đặc biệt là những cây cùng thời với di tích.
Tú Nguyễn