Ngày 17/4, Australia đã công bố chi tiết Chiến lược phòng thủ quốc gia đầu tiên, trong đó đưa ra một cách tiếp cận cơ bản mới để bảo vệ đất nước.
Australia tập trung vào việc sở hữu lực lượng Hải quân có năng lực nhất lịch sử trong thập kỷ tới. |
Thông tin về Chiến lược phòng thủ quốc gia được đăng tải trên trang web chính thức của Bộ trưởng Quốc phòng Australia nêu rõ, thay vì tập trung vào việc duy trì lực lượng quân đội đa nhiệm ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, Canberra sẽ xây dựng Lực lượng Phòng vệ Australia (ADF) trở thành quân đội tập trung, tổng hợp để giải quyết những rủi ro chiến lược quan trọng nhất của Australia.
Tài liệu dài 80 trang cho hay, ADF sẽ có khả năng bảo vệ đất nước và khu vực lân cận, ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của đối thủ tiềm tàng nhằm triển khai sức mạnh chống lại Canberra, bảo vệ kết nối kinh tế của Australia với khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, ADF sẽ góp sức cùng các đối tác cho an ninh chung của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như duy trì trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ.
Phát biểu tại buổi công bố Chiến lược trên, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles khẳng định: “Chính phủ đang thực hiện khoản đầu tư mang tính lịch sử vào Quốc phòng và đã đưa ra những quyết định cứng rắn nhằm định hình lại ADF để đáp ứng hoàn cảnh chiến lược và để giữ an toàn cho người dân”.
Theo ông, việc sở hữu lực lượng Hải quân có năng lực nhất trong lịch sử sẽ là trọng tâm trong kế hoạch và chiến lược phòng thủ.
Australia sẽ tập trung vào các kế hoạch phát triển một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tàng hình, tăng năng lực tên lửa chủ chốt lên gấp 3 lần và phát triển một hạm đội tác chiến mặt nước lớn.
Để làm được điều này, nước này sẽ tăng chi tiêu quốc phòng thêm 50,3 tỷ AUD (32 tỷ USD) trong thập kỷ tới và thay đổi các chương trình vũ khí để tập trung vào tên lửa, thiết bị bay không người lái và tàu chiến.
Cụ thể, phần lớn khoản chi tiêu mới, một phần trong ngân sách 330 tỷ AUD trong hàng thập kỷ, sẽ chỉ được giải ngân sau 5 năm nữa và cuối cùng đưa chi tiêu quốc phòng lên 2,4% GDP vào năm 2034, từ mức chỉ hơn 2% hiện nay.
Hơn 40%, tương đương 145 tỷ AUD, được dành cho hải quân, bao gồm hạm đội mặt nước được tăng cường, chương trình tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân AUKUS cũng như các ưu tiên khác như thiết bị không người lái dưới nước Ghost Shark.
Một khoản, tương đương 74 tỷ AUD, sẽ dành cho các chương trình liên quan tên lửa. Sẽ có tên lửa tầm xa mới cho lực lượng không quân và lục quân, các chương trình phòng thủ tên lửa và sản xuất vũ khí dẫn đường trong nước.
Các căn cứ quân sự trên khắp miền Bắc Australia, nơi Thủy quân lục chiến Mỹ đóng quân trong nhiều tháng huấn luyện và tập trận mỗi năm, sẽ được phân bổ tới 18 tỷ AUD để nâng cấp.
Liên quan hợp tác quốc tế, Chiến lược phòng thủ quốc gia nêu rõ, liên minh của Canberra và Washington vẫn là nền tảng cho an ninh của quốc đảo, đồng thời, chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese cam kết tăng cường và mở rộng hợp tác quốc phòng với Mỹ và Anh theo hiệp ước an ninh ba bên AUKUS.
Ngoài ra, Australia sẽ tập trung vào việc tăng cường mối quan hệ quốc phòng trên khắp Đông Nam Á và Thái Bình Dương, cũng như ở khu vực Ấn Độ Dương và Bắc Á.