SGGP
Hạt gạo Việt Nam liên tiếp đem lại tin vui cho nền kinh tế: không chỉ ngon nhất thế giới mà doanh thu xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 4 tỷ USD – tăng cao nhất trong 34 năm qua.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng vừa phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án). Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung (ảnh), đã trao đổi với PV Báo SGGP về việc triển khai đề án để ngành lúa gạo tiếp tục thăng hoa.
PHÓNG VIÊN: Vì sao Đề án này được triển khai tại vùng ĐBSCL, thưa ông?
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT HOÀNG TRUNG: ĐBSCL hiện là vùng sản xuất lúa trọng điểm, quan trọng nhất, với những đóng góp to lớn với ngành hàng lúa gạo Việt Nam. ĐBSCL không chỉ cung cấp, đảm bảo an ninh lương thực cho vùng, TPHCM và Đông Nam bộ mà hàng năm còn chiếm khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu của nước ta, mang về cho đất nước hàng tỷ USD.
Mục tiêu Đề án này là xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐSBCL mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh. Đề án mang tầm vóc quốc tế, khẳng định cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đề án còn thực hiện hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển nông nghiệp ĐBSCL theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy xuất khẩu; huy động tổng hợp các nguồn lực và các thành phần kinh tế cùng tham gia.
Đề án sẽ được triển khai thực hiện như thế nào?
Trong vụ đông xuân 2023-2024, bộ sẽ rà soát, củng cố, kiện toàn diện tích 180.000 ha thuộc Dự án VnSAT và các vụ tiếp theo trong năm 2025. Song song đó, tiếp tục rà soát các diện tích đủ tiêu chí để mở rộng, đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL vào năm 2030. Giai đoạn 2026-2030, bộ sẽ xác định rõ vùng trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới, ngoài tập trung vào các hoạt động chủ yếu là đầu tư cho những vùng diện tích mới trên cơ sở hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống hệ thống đo đạc – báo cáo – thẩm định. Sau khi thành công, đề án mở rộng các vùng trọng điểm khác trên cả nước.
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL |
Việc thực hiện đề án chắc chắn cần kinh phí khá lớn. Bộ sẽ tính toán thế nào?
Về chủ trương, kế hoạch, chỉ đạo từ cấp Chính phủ xuống đến cấp bộ, địa phương sẽ huy động nguồn vốn đa dạng với hơn 600 triệu USD. Trong đó, chủ lực đến từ nguồn vốn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính không hoàn lại của nguồn tài chính Chuyển đổi tài sản carbon của Ngân hàng Thế giới với khoảng 350-400 triệu USD. Nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương cung ứng theo từng thời kỳ vào khoảng 100 triệu USD. Bên cạnh đó, các nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại, nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn hỗ trợ quốc tế, tổ chức phi chính phủ, đại sứ quán các nước trong triển khai các chương trình giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo tại Việt Nam khoảng 35-40 triệu USD. Ngoài ra, còn có nguồn tín dụng, nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Làm sao để Đề án được thế giới biết nhiều hơn và thu hút thêm vốn đầu tư?
Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023, diễn ra vào giữa tháng 12 với hơn 200 khách quốc tế, lãnh đạo bộ nông nghiệp các nước tham dự, sẽ có khu vực giới thiệu triển khai thực tế Đề án này tại đồng ruộng, được Thủ tướng phát động nhằm tăng sức lan tỏa. Sự kiện này sẽ là lời khẳng định với quốc tế, Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn giảm phát thải, tăng trưởng xanh.
Việt Nam cũng vừa đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới 2023, tiếp tục khẳng định vị thế nước ta có nhiều giống lúa đạt chất lượng cao. Bộ NN-PTNT sẽ ưu tiên nguồn lực bố trí mở rộng các giống lúa đã đoạt giải quốc tế ra nhiều vùng trồng khác như ST25 trước kia có chất lượng tốt trồng tại tỉnh Sóc Trăng, nay có thể trồng ở tỉnh khác. Bộ cũng nghiên cứu nâng cấp các giống lúa để có thể phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Hiện nay, Bộ NN-PTNT cùng với Bộ Công thương xây dựng thương hiệu cho các loại giống đạt giải quốc tế.
Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ |
Tuy giá lúa gạo cao nhưng nông dân, doanh nghiệp lại lỗ, còn doanh nghiệp vật tư đạt lợi nhuận cao. Đề án này liệu có giúp các bên hài hòa lợi ích?
Bộ sẽ xây dựng các chính sách để có chuỗi liên kết bền vững và lợi nhuận tương xứng với nông dân. Các doanh nghiệp, HTX, nông dân đều chung tay phát triển và khi rủi ro cùng chịu trách nhiệm. Đề án cũng sẽ hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm logistics gắn với vùng chuyên canh có sự tham gia của các HTX và doanh nghiệp. Đề án chuyển giao cho hộ trồng lúa và HTX biện pháp canh tác bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiến thức quản trị, kinh doanh, thị trường; Nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có và hoàn thiện hệ thống kênh mương kết hợp với giao thông nội đồng; rà soát mạng lưới kho, sấy, chế biến trong vùng chuyên canh lúa…