Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã có quyết định 434 về việc công nhận cây rỏi mật (Garcinia celebica L.) có tuổi đời hơn 500 tuổi tại Địa đạo Kỳ Anh, thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam là Cây Di sản Việt Nam.
Theo nguồn tài liệu của UBND thành phố Tam Kỳ thu nhập nghiên cứu, khảo sát để đề xuất được công nhận cây di sản cho biết, cây rỏi mật nằm cách đình làng Thạch Tân, xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ khoảng 200m về hướng Bắc.
Ngày xưa, gốc rỏi là nơi người dân nghỉ ngơi sau giờ làm đồng áng, sinh hoạt văn nghệ… đến thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, cây là địa điểm để thực hành phong trào "diệt giặc dốt". Trong kháng chiến chống Mỹ, cây rỏi là đài quan sát, cảnh giới để quân ta chuẩn bị chiến đấu hoặc chống càn rất hiệu quả. Trong thời bình hiện nay, cây rỏi là nơi tham quan du lịch, kể về câu chuyện của cha ông đi trước.
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã có quyết định 434 về việc công nhận cây rỏi mật (Garcinia celebica L.) có tuổi đời hơn 500 tuổi tại Địa đạo Kỳ Anh, thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam là Cây Di sản Việt Nam. Ảnh: C.Đ
Ông Huỳnh Kim Ta (người quản lý khu Di tích địa đạo Kỳ Anh, xã Tam Thăng) cho biết, cây rỏi như là chứng nhân của làng Thạch Tân suốt tiến trình hình thành và phát triển. "Làng Thạch Tân đã có khoảng 22 đời. Và cây rỏi gắn liền với buổi đầu Quảng Nam mở cõi từ thời phong kiến. Ngày xưa, khi làng hình thành, người ta đặt xóm này là xóm trong và trồng cây rỏi. Xóm giữa có cây trâm lăng và xóm ngoài trồng cây sơn mã…", ông Huỳnh Kim Ta cho biết.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cây rỏi là đài quan sát, cảnh giới để quân ta chuẩn bị chiến đấu hoặc chống càn rất hiệu quả. Ảnh: C.Đ
UBND thành phố Tam Kỳ cho biết thêm, cây rỏi luôn gắn kết với làng, cây là nhân chứng cho sự thay đổi lịch sử của người dân làng. Là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại nơi đây. Người dân luôn giữ gìn nếp sống và cốt cách cứng cỏi như loài cây này.
Để bảo vệ chăm sóc cây rỏi cổ thụ, UBND thành phố Tam Kỳ uỷ quyền cho UBND xã Tam Thăng quản lý. Cho đến nay, cây rỏi mật tại đây được ghi nhận có kích thước vòng thân to nhất khu vực và có độ tuổi lớn nhất, mang nhiều dấu ấn lịch sử và văn hoá tại địa phương.
Thông qua các đợt khảo sát, các chuyên gia đã đánh giá sự phân bố của cây rỏi mật ở xã Tam Thăng với tuổi đời hơn 500 năm tuổi. Cây có chu vi tại gốc là 2,7 m, cây có độ cao là 9,2 m.
Các chuyên gia đã đánh giá sự phân bố của cây Rỏi mật ở xã Tam Thăng với tuổi đời hơn 500 năm tuổi. Cây có chu vi tại gốc là 2,7 m, cây có độ cao là 9,2 m. Ảnh: tài liệu
Còn theo dữ liệu điều tra xã hội học từ khu vực, cây rỏi có tuổi đời hơn 500 năm được ghi nhận và có nhân chứng còn sống xác nhận điều này. Phương pháp xác định tuổi cây và xác định tuổi của các cây theo vòng năm của thân cây. Qua sự quan sát thực tế của cành cây rỏi bị gãy đổ hoặc cưa tỉa trong cùng khu vực, chúng tôi đã đếm và đối chiếu vòng thân và vòng tuổi, kết hợp các dữ liệu về yếu tố lịch sử để xác định tưởi cây chính xác.
Ông Trần Trung Hậu - Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho biết, việc công nhận cây rỏi mật là Cây Di sản Việt Nam không chỉ là niềm tự hào của người dân thành phố Tam Kỳ mà còn là minh chứng cho những nỗ lực trong quá trình bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn các giá trị sinh thái và di sản văn hóa tại Quảng Nam nói chung.
Cây rỏi mật nhìn từ trên cao với tán lá rộng, cây sống khỏe, phát triển tốt. Ảnh: C.Đ
"Cây rỏi mật, cây di sản ngoài mang giá trị lịch sử, còn có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng hệ sinh thái, góp phần tạo cảnh quan xanh và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ thiên nhiên.
Ngoài ra, các hoạt động hưởng ứng Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia - Quảng Nam 2024 hôm nay tiếp tục cho thấy cam kết và hành động cụ thể của thành phố đối với việc bảo tồn, phục hồi các giá trị của hệ sinh thái tại địa phương, hướng đến xây dựng thành phố Tam Kỳ "xanh, sinh thái, thông minh".
Đoàn khảo sát đo chu vi thân cây để xác định độ tuổi của cây rỏi mật. Ảnh: tài liệu
Hoa của cây rỏi mật rất đẹp. Ảnh: tài liệu
Những kết quả đạt được trong năm 2024 bước đầu là minh chứng cho sự đoàn kết và nỗ lực của cộng đồng và các cơ quan chức năng trong công tác đa dạng sinh học.
Công cuộc bảo vệ, phục hồi và phát triển đa dạng sinh học còn nhiều việc phải làm, cần rất nhiều thời gian và sự kiên trì, bền bỉ. Do đó, chúng ta cần tiếp tục duy trì những hoạt động thiết thực, cũng như chiến lược phát triển nhằm chung tay xây dựng một môi trường sống trong lành, bền vững cho các thế hệ mai sau, vì một hành tinh xanh thật xanh", ông Trần Trung Hậu chia sẻ.
Nguồn: https://danviet.vn/cay-co-thu-roi-mat-co-tuoi-doi-500-nam-o-quang-nam-duoc-cong-nhan-cay-di-san-viet-nam-20250222073711885.htm
Bình luận (0)