Thấy du khách nước ngoài đột nhiên ngã gục tại bàn ăn, điều dưỡng Đặng Thị Hạ, Bệnh viện Bạch Mai, chạy đến ép tim cứu sống người bệnh.
Điều dưỡng Hạ, 29 tuổi, làm việc tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cùng 3 người bạn du lịch tại Đà Nẵng, cách đây một tuần.
Tối 22/3, trong lúc dùng bữa tại một nhà hàng ở quận Sơn Trà, cô phát hiện người đàn ông 70 tuổi, quốc tịch Ấn Độ bị choáng, đi lại loạng choạng rồi ngã quỵ. Mọi người xung quanh hô hoán cho rằng du khách bị hạ đường huyết hoặc trúng gió.
Bằng phản xạ của một điều dưỡng cấp cứu, chị Hạ cảm nhận người đàn ông bị ngừng tuần hoàn (ngưng tim, ngưng thở), bởi ông mất ý thức rất nhanh. Luồn tay qua cổ bệnh nhân thấy không có mạch, gần như ngừng thở, chị hô lên “cho bệnh nhân nằm xuống đất”, song người vợ không biết tiếng Việt nên vẫn ôm chặt chồng.
“Tôi lập tức đứng sau xốc nách, kéo mạnh người đàn ông xuống đất. Khi bắt mạch một lần nữa thì không thấy, tim ngừng đập. Tôi ép tim ngoài lồng ngực liên tục, nói mọi người gọi cấp cứu 115. Một lúc sau bệnh nhân thở trở lại”, điều dưỡng Hạ kể, trưa 27/3.
Điều dưỡng Hạ, công tác tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Lê Nga
Bệnh nhân có tầm vóc cao to, đổ mồ hôi lạnh khiến tay chị trơn trợt khi ép tim. Đổi tư thế, chị quỳ xuống, dùng sức để tiếp tục cấp cứu, ép tim. Thấy bệnh nhân có mạch trở lại, dấu hiệu tỉnh hơn, chị hỏi “ông ổn chưa?”. Khi bệnh nhân gật đầu đáp lại, chị biết ông đã giữ được mạng sống. Qua trao đổi, người nhà cho biết du khách có tiền sử tăng huyết áp và bệnh tim mạch, từng phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành.
Một lúc sau, xe cấp cứu đến, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện. Người vợ quay lại cảm ơn rồi cùng chồng lên xe cứu thương. Ca cấp cứu diễn ra khoảng 2 phút đã cứu sống người đàn ông. Bởi trong tình huống không được hồi sinh tim phổi kịp thời, bệnh nhân ngừng tuần toàn có thể chết não và tử vong chỉ trong 3-5 phút.
“Tôi nghĩ đây là nhân duyên, vì máy bay bị trễ, tôi mới có mặt ở quán và cứu được bệnh nhân này”, điều dưỡng Hạ nói, thêm rằng sau khi kiểm tra tại một bệnh viện ở Đà Nẵng, vợ chồng họ đã xin về nước điều trị.
Điều dưỡng Hạ làm việc tại Trung tâm Cấp cứu A9 được 8 năm, hằng ngày gặp và tham gia cấp cứu rất nhiều bệnh nhân. Do vậy, khi thấy du khách ngã, chị cấp cứu như phản xạ nghề nghiệp. Thậm chí, lúc ở quán ăn, chị còn hô “anh em ơi cấp cứu”, một câu cửa miệng khi người phụ nữ làm việc tại A9.
Ngừng tuần hoàn hô hấp là trạng thái gián đoạn đột ngột hoạt động bơm máu của tim, khiến máu không thể lưu thông tới các bộ phận khác của cơ thể. Nếu không cấp cứu kịp thời, tình trạng này sẽ gây tử vong nhanh chóng.
Mục đích cao nhất của việc cấp cứu ngừng tuần hoàn là duy trì nhịp thở, quá trình vận hành của nhịp tim, ngăn nguy cơ não ngừng hoạt động với biến chứng gây tổn thương các bộ phận khác trong cơ thể.
Khi rơi vào trạng thái ngừng tuần hoàn, nạn nhân sẽ đối diện với nguy cơ thiếu máu mang oxy tới cơ quan. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hoặc biến chứng tổn thương não vĩnh viễn trong thời gian vài phút. Nếu phát hiện sớm và cấp cứu nhanh chóng, đúng cách thì nạn nhân có thể thoát được những mối nguy này.
PGS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đánh giá tình huống điều dưỡng Hạ cứu sống du khách cho thấy hiệu quả của việc cấp cứu ngoại viện. Tới đây, bệnh viện sẽ phối hợp cùng các đơn vị khác đào tạo cấp cứu ngoại viện cho lực lượng hải quan, phòng cháy chữa cháy, sinh viên,… hướng đến mục tiêu mọi người có thể xử trí tốt khi có ca cấp cứu ở ngoài viện.
“Một bệnh nhân được sơ cứu hay cấp cứu ngoại viện tốt, khi được chuyển đến bệnh viện mới có thể giữ được tính mạng, hoặc giúp các bác sĩ có cơ hội điều trị tốt hơn”, ông Cơ cho hay.
Khi đoạn video cấp cứu được đăng tải lên mạng xã hội, chị Hạ mong muốn qua việc này, mọi người sẽ hiểu được tầm quan trọng của cấp cứu ngừng tuần hoàn và cấp cứu ngoại viện.
“Kỹ thuật ép tim lồng ngực nếu được đào tạo, bất cứ ai cũng có thể thực hiện ở bất cứ nơi nào”, chị nói.
Lê Nga