Với nỗ lực của các địa phương và sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên đã có những bước phát triển và thay đổi tích cực. Tuy nhiên, để địa bàn này thực sự phát triển bền vững, người dân ngày càng ấm no thì rất cần thêm nguồn lực đầu tư.
Xóa bỏ mặc cảm
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 đã khẳng định đây là chính sách thiết thực, đa chiều, mang tính nhân văn sâu sắc, là công cụ kinh tế để Nhà nước điều tiết các hoạt động kinh tế – xã hội đối với những đối tượng dễ bị tổn thương, yếu thế, góp phần vào thực hiện chính sách giảm nghèo, chính sách dân tộc, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đối với đặc thù địa bàn Tây Nguyên có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cao, chiếm khoảng 35%, vốn tín dụng CSXH đã làm thay đổi đáng kể nhận thức của bà con; họ không còn mặc cảm, tự ti, mà mạnh dạn vay vốn và áp dụng những cách làm, mô hình kinh tế mới hiệu quả. Nguồn vốn này cũng giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống trong vùng DTTS, giúp người dân từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội. Càng có ý nghĩa hơn là thông qua sử dụng vốn tín dụng CSXH đã tác động sâu sắc đến nhận thức người dân, giúp đồng bào DTTS tự tin, dần nâng cao vị thế trong xã hội và ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương, xã hội.
Thực tiễn triển khai Chỉ thị 40 tại các tỉnh vùng Tây Nguyên cho thấy rằng, để thực hiện hiệu quả hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách thì bên cạnh các chính sách, dự án của Trung ương, địa phương cần tập trung xây dựng, ban hành đồng bộ, kịp thời cơ chế, chính sách, đề án riêng để hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo theo hướng tích hợp, đồng bộ với các chính sách của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Trong điều kiện của địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, bên cạnh các nguồn lực của ngân sách nhà nước, việc vận động, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội hóa để tăng cường hỗ trợ cho công tác giảm nghèo đã phát huy hiệu quả. Hoạt động cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị – xã hội đã thực sự huy động được sức mạnh của cộng đồng và toàn xã hội, giúp việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng CSXH đến đúng đối tượng thụ hưởng nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Mô hình chăn nuôi sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội tại huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai |
Tuy nhiên, theo đánh giá của các địa phương, việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ các quỹ trên địa bàn để tăng nguồn lực cho hoạt động tín dụng CSXH còn hạn chế, do vướng cơ chế quản lý hoạt động của các quỹ; nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn, nguồn vốn chủ yếu là phân bổ từ Trung ương (tỷ lệ nguồn vốn bổ sung của địa phương bình quân quân khu vực Tây Nguyên đạt 8,5%, trong khi toàn quốc đạt 12%). Một số chương trình chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn thực tế của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn chưa phù hợp với nhu cầu thực tế do các xã vùng I và các xã đã lên nông thôn mới không còn được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách (theo quy định tại Điều 3, Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021), nên nhiều hộ gia đình gặp khó khăn trong việc đầu tư sản xuất, kinh doanh, dễ dẫn đến nguy cơ tái nghèo…
Cần thêm nguồn lực
Lãnh đạo các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên xác định, để nguồn vốn tín dụng CSXH thất sự là động lực cho người nghèo, đồng bào DTTS và đối tương chính sách vươn lên, địa phương sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, nhất là phát huy vai trò Chủ tịch UBND cấp xã trong quản lý hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở cơ sở. Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng CSXH. Bên cạnh đó, hàng năm, ngoài nguồn vốn do Trung ương cấp, nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân trên thị trường, tín dụng CSXH cần bổ sung thêm một lượng lớn nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương nhằm bảo đảm nguồn vốn ổn định, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách.
Chính sách cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn đã giúp nhiều người từng lầm lỡ ở các buôn làng Tây Nguyên làm lại cuộc đời |
Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia, trong đó đã có cơ chế, chính sách rõ ràng về ủy thác vốn của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng CSXH; HĐND cấp tỉnh, cấp huyện được quyết định việc bố trí vốn ngân sách của địa phương, bao gồm vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác. Đây là điều kiện rất thuận lợi để các địa phương tăng thêm nguồn lực ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội. Như tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng Đề án đầu tư tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác bằng nguồn vốn ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2024-2025 và giai đoạn 2026-2030”, với nguồn vốn 1.755 tỷ đồng, trong đó: ngân sách cấp tỉnh 953 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 54,3% tổng nguồn vốn ủy thác, ngân sách cấp huyện 802 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 45,7% tổng nguồn vốn ủy thác.
Còn đối với tỉnh Lâm Đồng cũng xác định tập trung các nguồn vốn tín dụng ưu đãi có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện, nguồn vốn hỗ trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác do tỉnh quản lý vào một đầu mối; đồng thời. Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, cấp huyện cần xem xét, cân đối sử dụng một phần nguồn vốn từ Quỹ vì người nghèo ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay đối với các đối tượng chính sách khác.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong công tác tín dụng CSXH cần tập trung ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào DTTS miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cụ thể, mở rộng quy mô tín dụng, nâng cao quy mô cho vay, tăng cường đối tượng cho vay, nhất là đối tượng là người nghèo, đồng bào DTTS miền núi, vùng sâu, vùng xa, người yếu thế, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ảnh, tạo công ăn việc làm, sinh kế và tạo điều kiện cho những người yếu thế phát huy sức mạnh nội sinh, tự tin vươn lên thoát nghèo, tiến tới làm giàu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên cho rằng, Trung ương cần chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá lại toàn bộ các chính sách giảm nghèo hiện hành, trên cơ sở đó xác định chính sách nào cần tiếp tục thực hiện, chính sách nào cần sửa đổi bổ sung và chính sách nào nên kết thúc theo hướng gọn chính sách, gọn đầu mối quản lý chính sách. Bên cạnh đó, các bộ, ngành rà soát chính sách tín dụng mức vay còn thấp, điều kiện đối tượng cho vay còn hạn chế, chưa phù hợp cần có sự điều chỉnh phù hợp để chính sách tín dụng ngày càng hiệu quả, góp phần thành công thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia và an sinh xã hội. Đối với địa bàn Tây Nguyên cũng như các vùng khác có đông đồng bào DTTS, Trung ương cần có cơ chế, chính sách tín dụng đặc thù cho đồng bào DTTS và miền núi về mức cho vay, thời hạn cho vay. Trong chính sách này, nguồn vốn cho vay đối với đồng bào DTTS phải được ưu tiên, lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác.
Theo ông Đào Thái Hòa Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh Đắk Lắk, Tây Nguyên là vùng còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao so với bình quân chung của cả nước. Do đó để các địa phương thực hiện tốt những chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đề nghị Chính phủ, Ngân hàng CSXH Việt Nam cần tiếp tục quan tâm bố trí thêm nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đối với khu vực này.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/diem-tua-cho-nguoi-ngheo-noi-dai-ngan-tay-nguyen-bai-3-158825.html