Sáng ngày 3.12, tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 25 năm – Chặng đường bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (1999-2024) , cùng nhìn lại những dấu mốc đạt được trong công tác quản lý, gìn giữ bảo tồn và phát huy giá trị Khu di sản.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Công Khiết- Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa (BQL DSVH) Mỹ Sơn nhấn mạnh: Từ những ngày đầu Mỹ Sơn khoác lên mình danh hiệu Di sản văn hóa Thế giới (DSVHTG), các cấp lãnh đạo đã xác định công tác bảo tồn phải đặt lên hàng đầu, bảo tồn nhưng không mâu thuẫn với phát huy, bảo tồn hiệu quả và phát huy tích cực.
Bảo tồn và phát huy đúng hướng phải là cách bảo tồn tối ưu nhất, hiệu quả nhất sao cho di tích được giữ nguyên giá trị gốc, đảm bảo tính xác thực nhất trên cơ sở các nguyên tắc bảo tồn theo Công ước, Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Luật Di sản văn hóa Việt Nam.
Nhiều chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển được vạch ra, các nghiên cứu khoa học, trùng tu, khảo cổ được tiến hành đồng bộ. Trong đó, lấy công tác hợp tác quốc tế làm trọng tâm với nhiều chương trình, dự án.
Mỹ Sơn đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, có ý nghĩa nổi bật trong việc trùng tu di tích Chăm ở miền Trung Việt Nam, trở thành hình mẫu trùng tu trong cả nước.
Trên lĩnh vực du lịch, công tác xây dựng và gìn giữ thương hiệu di sản nhằm phát triển du lịch bền vững được tập trung thực hiện. Công tác đầu tư quảng bá di sản được cải tiến phù hợp hơn với xu hướng thời đại. Nguồn nhân lực được nâng lên cả chất và lượng.
Loại hình du lịch ngày một hiện đại và thân thiện với môi trường. Không gian lan tỏa du lịch ngày càng từng bước mở rộng. Lượng khách đến tham quan hằng năm đều tăng trưởng cao, năm sau cao hơn năm trước, tăng trung bình trên 10%.
“Sau 25 năm nỗ lực không ngừng, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu di sản thế giới Mỹ Sơn đã có được những thành công vượt bậc, Mỹ Sơn phát triển theo hướng tích cực, bền vững. Từ một vùng đất hoang vắng, một di tích bị bỏ quên trong suốt thời gian dài đổ nát của những bom đạn chiến tranh tàn phá, Mỹ Sơn đã bừng tỉnh, trở thành điểm sáng của công tác trùng tu, tôn tạo và thu hút khách du lịch.
Giá trị Mỹ Sơn ngày một quan trọng trong đời sống chính trị kinh tế xã hội huyện nhà, là niềm tự hào của nhân dân, là sức mạnh mềm ảnh hưởng văn hóa đến bên ngoài”, ông Khiết chia sẻ.
Những dự án đã được triển khai như Dự án trùng tu tôn tạo, hợp tác ba bên UNESCO-Việt Nam-Italia về “Thuyết trình và đào tạo các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn nhóm tháp G Mỹ Sơn”, dự án khai quật khảo cổ suối Khe Thẻ, dự án trùng tu tháp E7, dự án bảo tồn, trùng tu các nhóm tháp K,H,A thuộc dự án Ấn Độ được thực hiện từ năm 2016 – 2021.
Đặc biệt trong 25 năm qua trong lĩnh vực quản lý di sản khu đền tháp Mỹ Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản thế giới, làm cơ sở để thực hiện cam kết với UNESCO trong việc bảo vệ tốt nhất giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.
Cũng trong sáng ngày 3.12, nhân chuyến tiếp xúc cử tri tại Quảng Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đến khảo sát tại Khu đền tháp Mỹ Sơn. Đoàn cũng đến thăm, chúc mừng Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn nhân dịp kỷ niệm 25 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.
Tại chuyến khảo sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những nỗ lực của Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn trong bảo tồn, trùng tu các nhóm tháp gắn với phát huy giá trị di sản thời gian qua. Đây là kết quả đáng tự hào sau nhiều năm nỗ lực trong công tác quản lý, bảo tồn, mở ra cơ hội để Khu đền tháp Mỹ Sơn được các tổ chức quốc tế, nhà nghiên cứu, khảo cổ học và đông đảo du khách trong nước và quốc tế biết đến.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, những năm qua, Mỹ Sơn được Ấn Độ hỗ trợ rất tích cực trong việc khảo cổ, phát huy giá trị di sản. Quan trọng nhất, với sự tồn tại cả hàng trăm năm nay, chúng ta cần phải làm sao để phát huy giá trị hàng trăm năm nữa để giữ nguyên giá trị văn hóa, khảo cổ. Phải làm sao để ngày càng thu hút không chỉ du khách, mà còn các nhà nghiên cứu, những người có đam mê về lịch sử.
Tại buổi khảo sát và làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cán bộ, lãnh đạo BQL DSVH Mỹ Sơn cũng như chính quyền địa phương tăng cường hơn nữa công tác xây dựng đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với sinh thái, đa dạng các loại hình du lịch như văn hóa, sinh thái, giải trí. Phối hợp với các đơn vị liên quan để có những giải pháp bảo tồn, phát huy Mỹ Sơn bền vững, ổn định lâu dài; tránh các tác động tiêu cực ảnh hưởng từ quá trình bảo tồn và phát huy thiếu bền vững.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng thông tin về việc Quốc hội vừa thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng liên quan tìm hiểu, ứng dụng vào thực tiễn công tác bảo tồn, phát triển DSVH Mỹ Sơn, phát huy tối đa những giá trị văn hóa, kiến trúc độc đáo của quê hương có hai di sản Mỹ Sơn và phố cổ Hội An.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/diem-sang-trong-cong-tac-trung-tu-di-tich-cham-va-thu-hut-khach-du-lich-113871.html