Lối mòn trong dạy học tiếng Anh
Viện Khoa học giáo dục và Ban Quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia mới đây công bố báo cáo thường niên về dạy học ngoại ngữ tại Việt Nam. Theo đó, phần lớn các giáo viên đều chia sẻ họ tự tin vào năng lực dạy kỹ năng đọc và viết hay ngữ pháp cho học sinh nhưng thấy ‘thách thức’ hơn với việc dạy kỹ năng nghe và nói.
Thực tế đa số giáo viên dạy học tiếng Anh hiện nay chỉ đứng ở góc độ là người truyền đạt kiến thức, chứ chưa thực sự mang lại niềm cảm hứng cho học trò trong việc học ngoại ngữ.
Nhiều người học tiếng Anh dễ dàng đạt điểm cao trong khi làm bài viết nhưng gặp lúng túng khi giao tiếp đó là hệ quả tất yếu của một quá trình đào tạo. Hay nói một cách khác đó là một lối mòn trong việc dạy và học tiếng Anh qua nhiều thế hệ.
Cần phải tạo được môi trường giao tiếp tiếng Anh
Ở góc độ chuyên môn, để chú trọng đến kỹ năng nghe nói, giáo viên cần phải tạo được môi trường giao tiếp tiếng Anh thông qua những hoạt động sư phạm với sự hỗ trợ của công nghệ và những ngữ liệu phục vụ cho việc tương tác trau dồi kỹ năng.
Trong chừng mực nào đó, việc dạy grammar (ngữ pháp), reading (đọc hiểu) hay writing (viết) có thể lồng ghép kỹ năng listening (nghe) hay speaking (nói) vào đó.
Với một đoạn đối thoại ngắn về hoạt động hàng ngày, giáo viên có thể cho học sinh thực hành giao tiếp để từ đó đi đến cấu trúc và cách sử dụng thì hiện tại đơn trong thực tế cuộc sống. Những câu hỏi và trả lời trong phần đọc hiểu sẽ là những hoạt động đối thoại giúp học sinh trau dồi speaking trước khi ghi câu trả lời vào tập hay đánh dấu trong sách. Các bài tập luyện viết email trình độ A2 khoảng 25-35 từ là những chủ đề nói thú vị cho những học sinh đang ở độ tuổi tiểu học hay THCS.
Môn tiếng Anh theo Chương trình GDPT 2018 có rất nhiều bài học được thiết kế theo hướng lồng ghép và chuyển tiếp kỹ năng từ listening sang writing hay speaking.
Nếu chịu khó vận dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa, giáo viên có thể biến tấu từ “receptive skills” (kỹ năng tiếp nhận gồm listening và reading) sang “productive skills” (kỹ năng diễn đạt gồm speaking và writing).
Ở một góc độ khác, việc khuyến khích học sinh phát triển thú tiêu khiển hay giải trí lành mạnh của mình vào việc thực hành ngôn ngữ cũng là một xu hướng hiện đại khi kết hợp giữa chơi và học. Xem một bộ phim, đọc một quyển sách, nghe một bài nhạc tiếng Anh chỉ cần tâm đắc những từ ngữ, câu văn, lời thoại, ca từ và khi giao tiếp vận dụng vào là đạt hiệu quả cao.
Tiếng Anh còn được đưa vào trong chương trình mầm non với mục đích giúp trẻ làm quen với ngoại ngữ để thẩm thấu ngoại ngữ từ nhỏ. Trẻ không cần biết cấu trúc câu, không cần biết diễn đạt dài dòng chỉ cần hiểu ý chính diễn đạt là được bởi mục đích chính trong giao tiếp là hiểu nhau. Cầm một quả táo chỉ cần thốt lên “apple” hay nhìn những con số 1, 2, 3 và thốt lên “one”,”two”, “three” là được!
Việc quan trọng nhất với các thầy cô là làm sao cho trẻ yêu thích với việc học ngoại ngữ và vận dụng ngôn ngữ theo tâm sinh lý lứa tuổi. Trong các hoạt động dạy học, khéo léo lồng ghép kỹ năng ngôn ngữ vào là thành công với giáo viên. Đừng nên chú trọng vào việc đúng sai mà cần tập trung vào phản xạ khi thực hành.
Đổi mới tư duy giảng dạy để môi trường giao tiếp tiếng Anh
Ở những bậc học tiếp theo, học sinh sẽ nhận thức việc đúng sai khi việc trau dồi kiến thức và kỹ năng sẽ được cụ thể hóa theo định lượng và định tính của từng giai đoạn.
Xây dựng, phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ trong trường phổ thông, đặc biệt là tiếng Anh đang được chú trọng trong nhiều cơ sở giáo dục. Đây là một tín hiệu vui, có tác động tích cực đối với những người dạy và người học tiếng Anh hay ngoại ngữ nói chung.
Giáo viên có thể hướng học sinh thực hiện khẩu hiệu ba chữ R: Remember (ghi nhớ), Recall (gợi nhớ) và Retain (lưu giữ). Tạo thói quen đánh dấu và ghi chú vào sổ tay những lời thoại, những câu văn hay để ghi nhớ từ vựng và mẫu câu, rồi khi gặp lại tình huống tương tự phải gợi nhớ lại được để nói ra hay viết thành câu, nhiều lần như thế đương nhiên sẽ lưu giữ lâu dài trong đầu và giúp bản thân có thêm cơ hội rèn kỹ năng sử dụng ngôn ngữ.
Với những file audio hay video, người học có dịp trau dồi cách phát âm, ngữ điệu để cải thiện kỹ năng nghe hiểu cũng như ghi nhớ, sử dụng những từ vựng và cụm từ thông dụng khi có dịp thực hành giao tiếp. Đừng vội vàng và nản chí lúc ban đầu. Kiến thức và kỹ năng sẽ từ từ thẩm thấu với những ai kiên định với mục tiêu của chính mình.
Hơn ai hết, người thầy chính là người đổi mới tư duy để tạo được môi trường giao tiếp tiếng Anh cho học trò với kiến thức, kỹ năng sư phạm và sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.