Thống kê từ Trường Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân cho thấy trong năm 2024, 70% sinh viên đỗ vào trường có IELTS từ 5.5 trở lên trong khi chuẩn đầu ra theo quy định của nhà trường hiện nay là 5.5 đối với sinh viên học chương trình chính quy bằng tiếng Việt và 6.0 – 6.5 đối với chương trình tiên tiến, chất lượng cao, chương trình học bằng tiếng Anh và khoa Ngôn ngữ Anh.
Như vậy, với nền tảng ngoại ngữ vững, sinh viên sẽ không cần phải lo lắng về việc học ngoại ngữ trong nhà trường mà có thể dành nhiều thời gian để học các kiến thức chuyên ngành, rèn luyện các kỹ năng mềm…
Không dừng lại ở đó, nhà trường cũng tổ chức đào tạo ngoại ngữ 2 cho sinh viên để tạo thêm lợi thế, sự khác biệt. Bước đầu, nhà trường tổ chức với 3 ngoại ngữ gồm tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật Bản. Điều này được đánh giá là phù hợp, tăng khả năng cạnh tranh của sinh viên sau khi tốt nghiệp giữa hàng nghìn ứng cử viên khác có cùng bằng cấp và đều thành thạo ngoại ngữ là tiếng Anh.
Tương tự, tại Trường ĐH Kinh tế – Tài chính (UEF) hiện có 50% chương trình học được thực hiện bằng tiếng Anh, 50% còn lại bằng tiếng Việt và có nhiều chương trình có toàn bộ quá trình đào tạo được thực hiện 100% bằng tiếng Anh. Vì vậy, tiếng Anh đóng vai trò quan trọng trong chương trình giảng dạy, đòi hỏi sinh viên phải đạt trình độ tiếng Anh cao.
Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết của trí tuệ nhân tạo, các doanh nghiệp đòi hỏi người trẻ ngoài kiến thức chuyên môn cần giỏi ngoại ngữ lẫn kỹ năng mềm. Dẫu vậy, nhìn lại thực trạng học ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam hiện nay, vẫn còn không ít sinh viên trầy trật mới tốt nghiệp ĐH, do nợ chuẩn đầu ra ngoại ngữ dù chuẩn này chỉ ở mức trung bình so với thang bảng so sánh mức điểm chuẩn của châu Âu. Tại Khoa Viết văn, Báo chí (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội), nhiều năm học, khoa ghi nhận số sinh viên chậm tốt nghiệp phần lớn là vì chưa đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ.
Vì vậy, bên cạnh các giải pháp từ nhà trường để nâng trình độ ngoại ngữ của sinh viên, yếu tố quyết định nhất vẫn phải là sự nỗ lực của mỗi sinh viên. Chỉ khi các em chủ động xây dựng kế hoạch học tập cụ thể và rõ ràng, kiên trì thực hiện thì mới có thể nâng cao trình độ ngoại ngữ của bản thân. Đây cũng là lời cảnh tỉnh đối với học sinh phổ thông hiện nay cần có thái độ nghiêm túc, nỗ lực với môn ngoại ngữ nói riêng và các môn học khác nói chung, dù thi tốt nghiệp THPT hiện nay không còn quy định môn thi ngoại ngữ là bắt buộc mà trở thành môn tự chọn. Dù học khối nào, xét tuyển ĐH bằng các tổ hợp không có môn ngoại ngữ thì trong quá trình học, đây vẫn là một môn học không thể thiếu nên ngay từ bậc phổ thông, học sinh cần trau dồi năng lực ngoại ngữ ở cả 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết để không tụt hậu trong tương lai.
Kinh nghiệm của ThS Phạm Thị Hà – giảng viên khoa Ngôn ngữ Anh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đó là, tìm kiếm một giáo viên giỏi hoặc một người bạn đồng hành có khả năng tiếng Anh tốt sẽ giúp sinh viên chia sẻ kinh nghiệm và cải thiện kỹ năng. Với sự phát triển của công nghệ, hiện nay có rất nhiều tài liệu học ngoại ngữ trực tuyến để người học tận dụng. Tuy nhiên, cần xác định đúng lộ trình học tập phù hợp với mỗi người, bởi dù tài liệu có phong phú đến đâu, việc biết cách khai thác và áp dụng mới là yếu tố then chốt dẫn đến thành công.
Nguồn: https://daidoanket.vn/hoc-ngoai-ngu-tang-loi-the-canh-tranh-10294112.html