SingaporeYoga, massage dược liệu và các dịch vụ xa xỉ cho thú cưng phát triển nhờ người nuôi có thu nhập tốt và xem chúng như thành viên gia đình.
Sau ca phẫu thuật thoát vị đĩa đệm tiêu tốn 20.000 USD vào tháng 8, chú chó 10 tuổi Pomeranian Yogi của bà Clarisse Tan “rất thờ ơ và không chịu đi lại”. Bà cho biết Yogi từng là chú chó năng động nhưng bị thương ở lưng vì ngã từ sofa.
Một họ hàng giới thiệu về liệu pháp oxy cao áp (HBOT) tại phòng khám phục hồi chức năng động vật RehabVet. Sau khi tìm hiểu qua Internet, bà quyết định đưa Yogi đi điều trị hồi tháng 9.
Liệu trình được khuyến nghị là 10 buổi HBOT giá 250 USD mỗi buổi. Đến buổi thứ 5, Yogi vui tươi lại và có thể sủa. Ngoài buồng điều áp có áp suất hai bar (200.000 Pa hoặc 200.000 N/m2) oxy tinh khiết, RehabVet còn có nhiều phương pháp điều trị gồm vật lý trị liệu, thủy trị liệu và thuốc thú y cổ truyền Trung Quốc.
Bác sĩ thú y Sara Lam, 36 tuổi, Nhà sáng lập RehabVet, cho biết đây là phòng y tế cao cấp duy nhất ở Singapore dành cho động vật. HBOT hỗ trợ quá trình phục hồi vết thương cũng như rối loạn thần kinh và hô hấp. “Hầu hết những người nuôi sẽ nhận thấy thú cưng của họ có vẻ tỉnh táo và ăn ngon miệng hơn chỉ sau một buổi điều trị”, bà nói.
Không chỉ có vật lý trị liệu cao cấp, nhiều dịch vụ xa xỉ khác dành cho thú cưng cũng phát triển nhộn nhịp gần đây ở Singapore. Với việc yoga là nền tảng trong chế độ chăm sóc sức khỏe và thể chất của nhiều người, huấn luyện viên Audrey Sin, 26 tuổi, quyết định rằng bộ môn này cũng nên được áp dụng cho chó.
Các buổi tập yoga tại Puppy Yoga Singapore dành cho chó và chủ nhân của chúng. Mỗi phiên được tiến hành theo nhóm nhỏ tối đa 8 người hoặc riêng tư. Nhưng bà Sin nói không phải con chó nào cũng chịu tập yoga.
“Một số con thích và số khác mất tập trung và chơi đùa. Nó phụ thuộc vào tính khí của con chó”, Sin cho biết. Cô triển khai dịch vụ từ 2 năm trước như một cách để chủ và thú cưng gắn kết và dành thời gian bên nhau hơn.
Chó có thể tham gia thụ động bằng cách mang lại sự thoải mái cho chủ trong quá trình tập luyện hoặc tích cực tham gia vào các tư thế. Ví dụ, nó có thể tăng thêm lực cản cho một số tư thế. Các lớp học kéo dài một giờ có giá 44 USD cho nhóm và 250 USD cho các buổi riêng tư.
Gần đây, khi hình thức trị liệu bằng chuông xoay Tây Tạng phổ biến, Puppy Yoga Singapore cũng tung ra dịch vụ này. Tất cả những gì người nuôi và thú cưng phải làm là cùng nhau nằm lên thảm, thư giãn và để âm thanh phát ra từ những chiếc bát vang vọng dội vào chúng. Một buổi trị liệu riêng sẽ có giá 300 USD.
Không chỉ doanh nghiệp chuyên về thú cưng, các dịch vụ phục vụ con người cũng mở thêm mảng kinh doanh chăm sóc cao cấp cho chó mèo. Ví dụ như Capella Singapore. Vào 2021, họ hợp tác với Petpawroni để tung ra dịch vụ spa và lưu trú cho thú cưng, gọi là Pet Spa-cation.
Đến nay, đã có hơn 200 thú cưng đăng ký gói này. Liệu pháp spa Ayurvedic sẽ sử dụng các loại thảo mộc như boswellia (nhũ hương), neem (xoan Ấn Độ) và guduchi (dây thần thông). Nhà sáng lập Petpawroni, Bernice Chen, 40 tuổi, mô tả con vật sẽ được tắm kỹ trước khi xoa thảo mộc lên bộ lông.
Massage với thảo mộc xong, chúng sẽ được tắm lại lần nữa và sấy lông. Tùy thuộc vào kích cỡ con vật, mỗi buổi massage có giá từ 80 USD đến 160 USD. “Một số người mang thú cưng đến hàng tuần để giải quyết các vấn đề về da, trong khi người khác đến để dưỡng bộ lông và ngăn ngừa ve, bọ chét”, Bernice Chen nói.
Dịch vụ spa dành cho thú cưng tiêu chuẩn dành cho chó và mèo, nhưng Capella Singapore cũng chào đón nhiều loại động vật đến nghỉ dưỡng. Trong khi phần lớn thú cưng lưu trú tại khách sạn là chó – tối đa cho phép là 30 kg – những thú cưng khác mà họ từng đón còn có mèo, thỏ, chuột và thậm chí cả cá vàng.
Theo báo cáo của Euromonitor International, số lượng chó cưng ở Singapore là khoảng 114.000 con vào năm 2023, tăng gần 3% so với năm 2019. Số lượng mèo cưng dao động khoảng 94.000 con năm nay, tăng gần 10%. Không chỉ sở hữu nhiều hơn mà người nuôi cũng tăng chi tiêu.
Ông Kam Kok Yen, Trưởng bộ phận thú y tại công ty dược Boehringer Ingelheim cho biết chi tiêu gia tăng được thúc đẩy bởi việc “nhân hóa” vật nuôi. “Cách người tiêu dùng nhìn nhận và đánh giá vật nuôi đã phát triển, họ đối xử chúng giống như thành viên trong gia đình hơn”, ông giải thích.
Theo công ty tư vấn chiến lược Tractus Global (Trung Quốc), quy mô thị trường bán lẻ thú cưng Singapore tăng từ 78 triệu USD năm 2016 lên mức dự kiến là 110 triệu USD vào 2025, với tốc độ 3- 4% mỗi năm.
Nghiên cứu của Rakuten Insights cho biết 70% người Singapore được khảo sát trong độ tuổi 25-34 đã nuôi thú cưng trước Covid-19. Kể từ sau dịch, ngày càng nhiều gia đình trẻ ở độ tuổi 30, 40 cũng coi việc nuôi thú cưng như một cách dạy trách nhiệm cho con cái và xem chúng như thành viên trong nhà.
Thu nhập cao giúp người nuôi ở đảo quốc này tự do tài chính lớn hơn trong việc chăm sóc thú cưng, theo Tractus. Thức ăn và đồ ăn nhẹ là khoản chi tiêu lớn nhất khi chăm sóc thú cưng, chiếm khoảng 30% tổng chi tiêu. Các khoản khác bao gồm chăm sóc thú y, dược phẩm, dịch vụ, vật tư, chẩn đoán và bảo hiểm vật nuôi.
Ở Singapore, Đạo luật Động vật và Chim năm 1965 không coi động vật là loài có tri giác, tức khả năng cảm nhận nhiều loại cảm xúc như con người. Nhưng dù có tri giác hay không, người nuôi đang đối xử với thú cưng tương đương, hoặc thậm chí có trường hợp là tốt hơn con người, theo Straitstimes.
Ví dụ, Nicole Kow, 37 tuổi, đã chi khoảng 200 đôla Singapore cho Rex Specs, thiết bị giúp bảo vệ mắt chú chó nhà cô khỏi gió, bụi và nắng khi đi công viên. Hay bà Chan, sẵn sàng chi khoảng 800 đôla Singapore cho giấy tờ và vé máy bay để đưa chó cùng đi du lịch châu Âu.
Tractus dự báo ngành kinh doanh thú cưng của Singapore sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng vì những người nuôi ưu tiên sự an lành và hạnh phúc của chúng. Đồng thời, việc tăng cường áp dụng các phương pháp bền vững và tích hợp công nghệ tiên tiến sẽ nâng cao trải nghiệm sở hữu thú cưng của khách hàng.
Phiên An (theo Straitstimes, CNA)